Liên tục thất bại
Mỹ vừa nhận đòn giáng mới nhất vào chương trình vũ khí siêu vượt âm của nước này, khi cuộc thử nghiệm ngày 29/6 đã thất bại.
Tờ Defense Post đưa tin, cuộc thử nghiệm Common Hypersonic Glide Body đã được tiến hành tại khu thử nghiệm tên lửa Thái Bình Dương ở Hawaii, trong đó vũ khí này được cho là sẽ phóng với một tên lửa đẩy cỡ lớn.
Đây là loại vũ khí có tính cơ động cao, khó bị đánh chặn và tiêu diệt mục tiêu bằng các biện pháp thông thường. Các báo cáo cho thấy Mỹ dự định triển khai loại vũ khí này trên các tàu khu trục lớp Zumwalt và tàu ngầm lớp Virginia.
Tuy nhiên, trong một email được trích dẫn trên Bloomberg, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Tim Gorman tuyên bố rằng "một sự cố bất thường đã xảy ra sau khi tên lửa thử nghiệm được tiến hành".
Ông cũng cho biết các quan chức tham gia vào chương trình đã bắt đầu xem xét nguyên nhân thất bại để rút kinh nghiệm cho các cuộc thử nghiệm vũ khí siêu vượt âm trong tương lai.
Sự thất bại này đánh dấu quá trình thử nghiệm không thành công lần thứ hai của vũ khí siêu vượt âm nguyên mẫu Conventional Prompt Strike. Sự cố trước đó vào tháng 10 năm ngoái đã khiến tên lửa không thể rời bệ phóng.
Một số nhà phân tích cho rằng thiết kế quá phức tạp của tên lửa siêu vượt âm do Mỹ sản xuất có thể là nguyên nhân gây ra các vụ thử nghiệm thất bại.
Nhà phân tích quốc phòng Nga Alexey Ramm tuyên bố trên tờ Izvestia rằng thiết kế của vũ khí siêu vượt âm của Mỹ phức tạp quá mức và không cần thiết, đòi hỏi phải tích hợp nhiều hệ thống con, dẫn đến phải thử nghiệm nhiều lần.
Ngược lại, tên lửa siêu vượt âm Zircon của Nga không cần giai đoạn hai để hoạt động thành công.
Các nguyên nhân tiềm ẩn khác bao gồm quá trình thử nghiệm gấp rút, quản lý dự án kém và chủ quan trong việc đánh giá các lỗi kỹ thuật.
"Các chương trình này đang theo đuổi các lịch trình rất tích cực, nhưng các lịch trình này không được lập kế hoạch và thử nghiệm… do đó đã dẫn đến mức độ rủi ro cao khiến việc triển khai bị chậm trễ".
"Thất bại là do thiếu sót trong thiết kế, lập kế hoạch thử nghiệm trước khi bắt đầu; chế tạo kém; quản lý kém; và thiếu sự giám sát chặt chẽ của chính phủ… Xu hướng của chính phủ và các nhà quản lý chương trình là chủ quan trong việc xem xét nguyên nhân thất bại và lịch trình dày đặc".
Những vụ thử liên tiếp thất bại đã dẫn đến lo ngại rằng Mỹ không theo kịp các chương trình vũ khí siêu vượt âm của Trung Quốc và Nga.
Thua kém Nga, Trung Quốc?
Tháng 3 vừa qua, Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã gặp gỡ hơn một chục giám đốc điều hành các chương trình tên lửa siêu vượt âm từ các công ty quốc phòng như Raytheon Technologies, Lockheed Martin, Northrop Grumman, Boeing, L3Harris và BAE Systems để thúc đẩy và cải thiện sự phát triển của vũ khí siêu vượt âm.
Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, một tổ chức thành viên phi đảng phái của Mỹ, tuyên bố cuộc họp được triệu tập do Bộ trưởng Austin tin rằng các đề xuất ngân sách năm 2023 không đủ để Mỹ theo kịp với Trung Quốc và Nga.
Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí cho biết, sự cấp bách phải đẩy nhanh sự phát triển của vũ khí siêu vượt âm bất chấp còn nhiều khúc mắc về chi phí tổng thể, sứ mệnh và số lượng vũ khí cần thiết, dẫn đến cách tiếp cận "thử nghiệm nhiều, nhưng thất bại cũng không ít, rồi lại rút kinh nghiệm".
Trái ngược với những thất bại liên tiếp của Mỹ, Trung Quốc và Nga vẫn đều đặn nâng cao các chương trình vũ khí siêu vượt âm.
Vào tháng 10, Reuters đưa tin rằng Trung Quốc đã thử nghiệm một vũ khí siêu vượt âm được cho là một hệ thống bay trên quỹ đạo Trái đất được thiết kế đặc biệt để né tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.
Trong khi đó, Nga có thể đã trở thành quốc gia đầu tiên sử dụng vũ khí siêu vượt âm trong các hoạt động quân sự.
Tờ Drive đưa tin vào tháng 3 rằng Nga đã sử dụng vũ khí siêu vượt âm phóng từ trên không Kinzhal trong các hoạt động quân sự gần đây.
Tuy nhiên, Kinzhal có thể không cùng chủng loại với vũ khí siêu vượt âm của Mỹ và Trung Quốc, vì nó là một biến thể của tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M được sửa đổi để phóng từ trên không.