Cuộc chiến tranh tiêu hao ở Syria
Trước nguy cơ chiến sự leo thang mất kiểm soát, ngày 5/3/2020, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã nhất trí thông qua một thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib cũng như một số khu vực lân cận giúp hai nước không bị kéo vào một cuộc đối đầu quân sự mới ở miền Bắc Syria.
Tuy nhiên, thỏa thuận trên không có sự tham gia chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad cũng như đại diện phe đối lập Syria. Bản thân Damascus tự nguyện thực hiện lệnh ngừng bắn ở Idlib là theo đề nghị từ phía Moscow.
Vì vậy, dù trên danh nghĩa đang trong trạng thái đình chiến nhưng tiếng súng chưa bao giờ ngưng ở chiến trường Idlib. Các cuộc giao tranh giữa hai bên vẫn diễn ra thường xuyên, đó là lý do luôn có thêm các binh sĩ Syria thiệt mạng mỗi ngày.
Theo hãng tin RIA Novosti của Nga, các bệnh viện ở Aleppo chật cứng các binh sĩ Syria bị thương kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực, số binh sĩ nhập viện mỗi ngày còn cao hơn cả thời điểm Quân đội Syria tiến hành chiến dịch giải phóng Tây Aleppo.
Bác sĩ Abdurhamid Il-Aga, trưởng khoa điều trị chấn thương tại một bệnh viện ở Aleppo phàn nàn họ đang quá tải trước số lượng binh sĩ bị thương tăng lên từng ngày. Kể từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực bệnh viện này đã tiếp nhận khoảng 80 binh sĩ bị thương nặng từ chiến trường, và 25 người trong số đó không qua khỏi do các vết thương quá nặng.
Thổ Nhĩ Kỳ vận chuyển pháo tự hành 203mm M110 đến Idlib trong cuối tuần vừa qua. Ảnh: IHA.
Cũng theo bác sĩ Il-Aga, hầu hết binh sĩ Syria bị thương là do súng bắn tỉa, 90% các trường hợp đều thiệt mạng. Vị bác sĩ này cũng cho rằng, phiến quân đã được trang bị các loại súng mới có tầm bắn lên đến 2.000m bởi phòng tuyến của cả hai đều cách nhau vài km.
Theo các chuyên gia quân sự của Topcor, rõ ràng phiến quân đã được các thế lực đứng sau trang bị thêm vũ khí cho phép chúng thực hiện một cuộc chiến tranh tiêu hao nhằm lực lượng thân chính phủ ở Tây Aleppo. Nếu trước đây chỉ có tên lửa chống tăng thì giờ có thêm súng bắn tỉa tầm xa.
Mỹ - Thổ bắt tay kiềm chế sức mạnh của người Nga
Các báo cáo từ chiến trường cho thấy, các cuộc giao tranh giữa quân chính phủ và phiến quân ở cả Idlib và Tây Aleppo đều mang tính cục bộ, khó có thể leo thang thành xung đột lớn, tuy nhiên chúng lại diễn ra dai dẳng.
Vì vậy, các chuyên gia của Topcor cho rằng có người đứng sau giật dây phiến quân thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng thân chính phủ. Còn lý do đằng sau các cuộc tấn công này nhiều khả năng liên quan đến kế hoạch mở rộng các căn cứ quân sự của Nga ở Syria:
Thứ nhất, việc phiến quân liên tiếp có các hành động khiêu khích Quân đội Syria rất có thể là phản ứng đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ chống lại việc Moscow tăng cường hiện diện quân sự ở Syria.
Xe bọc thép Nga - Mỹ đối đầu nhau trên một con đường dẫn vào thị trấn Al-Malikiyah thuộc tỉnh al-Hasakah ở Đông Bắc Syria vào hôm qua 3/6. Ảnh: AFP.
Trước đó, vào cuối tuần trước, đích thân Tổng thống Putin đã ra lệnh cho Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao Nga đánh giá khả năng mở rộng các căn cứ của nước này ở Syria. Ở đây không chỉ có hai căn cứ Khmeimim và Tartus ở Latakia mà còn cả căn cứ không quân mới của Nga ở Al-Qamishli, Đông Bắc Syria.
Nếu Nga đưa các hệ thống phòng không S-400, tiêm kích Su-35 hay trực thăng tấn công Mi-24P đến Al-Qamishli, thì toàn bộ vùng trời ở Đông Bắc Syria sẽ nằm trong tay Moscow. Đối với liên quân Mỹ ở Syria đây là mối đe dọa không hề nhỏ.
Rõ ràng, việc Nga mở căn cứ ở Đông Bắc Syria sẽ gây bất lợi cho cả Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ, tuy nhiên các nước này không thể trực tiếp ra mặt chống lại sự hiện diện của người Nga trong khu vực, do đó họ sẽ tìm cách gây áp lực lên lực lượng quân chính phủ ở miền Bắc Syria.
Thứ hai, chiến sự leo thang ở Tây Bắc Syria có tác động không nhỏ đến cuộc chiến ở Libya. Có nhiều thông tin cho thấy UAE sẵn sàng trao cho Tổng thống al-Assad 3 tỷ USD để kéo quân Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chiến trường Bắc Phi thông qua việc tiếp tục chiến dịch giải phóng Idlib và Aleppo.
Hiện tại cả UAE và Nga đều đứng sau hỗ trợ cho Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của tướng Khalifa Haftar, trong khi đó ở phía bên kia Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) lại được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.
Ngoài ra, việc Moscow chuyển giao chiến đấu cơ cho LNA trong giai đoạn hiện tại không khác gì "cú tát" vào mặt Ankara, như một kết quả tất yếu Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gây áp lực ngược lại lên Quân đội Syria ở Idlib và Aleppo.
Tựu trung lại, trạng thái đình chiến ở Tây Bắc và Đông Bắc Syria chỉ mang tính chất tạm thời khi các bên không muốn leo thang xung đột, và việc Nga tăng cường hiện diện quân sự ở Syria có thể sẽ trở thành "ngòi nổ" đẩy các bên vào một cuộc đối đầu quân sự chưa từng có.