Lô vaccine này được bàn giao thông qua cơ chế COVAX và được vận chuyển trực tiếp từ nhà máy của Pfizer tại thành phố Kalamazoo, bang Michigan, Mỹ. Số vaccine này tiếp nối ba đợt trao tặng trước đó mà Mỹ dành cho Việt Nam thông qua cơ chế COVAX với tổng cộng 6 triệu liều vaccine.
Mỹ và Việt Nam đã hợp tác nhằm nâng cao năng lực của Việt Nam trong việc ứng phó với đại dịch COVID-19, dựa trên nền tảng là mối quan hệ hợp tác lâu dài giữa hai quốc gia và nguồn hỗ trợ của Mỹ trị giá hơn 1 tỷ USD trong những năm qua nhằm giúp Việt Nam phát triển hạ tầng y tế.
Ngoài việc trao tặng 7,5 triệu liều vaccine, kể từ khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Mỹ đã cam kết các khoản hỗ trợ trị giá 26,7 triệu USD nhằm giúp Việt Nam ứng phó với đại dịch.
Ngoài 7,5 triệu liều vaccine mà Mỹ trao tặng thông qua cơ chế COVAX, Việt Nam đã nhận 4.176.000 liều vaccine AstraZeneca từ COVAX. Cơ chế COVAX do Liên minh Đổi mới Sáng tạo Sẵn sàng cho Dịch bệnh (CEPI), Liên minh Toàn cầu về Vaccine và Tiêm chủng (GAVI), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều hành, và UNICEF đóng vai trò đối tác phân phối chủ chốt.
Mỹ là quốc gia có đóng góp lớn nhất cho cơ chế COVAX, và thông qua Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID), chính phủ Mỹ đã đóng góp 4 tỷ USD để hỗ trợ COVAX mua và phân phối vaccine COVID-19 tới 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp.
Vào tháng 6, Tổng thống Joe Biden đã công bố Mỹ sẽ mua và trao tặng 500 triệu liều vaccine Pfizer cho 92 nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình thấp và Liên minh châu Phi. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu về COVID-19 ngày 22/9 vừa qua, ông Biden công bố một cam kết mạnh mẽ mới, theo đó Mỹ sẽ cung ứng thêm 500 triệu liều vaccine Pfizer, đưa tổng số vaccine mà nước này cam kết trao tặng lên hơn 1,1 tỷ liều.
Đến nay, Mỹ đã cung cấp hơn 160 triệu liều vaccine COVID-19 cho 100 quốc gia trên thế giới.