Tàu ngầm hạt nhân USS Georgia có khả năng tấn công các mục tiêu trong đất liền và được trang bị các tên lửa hành trình 154 Tomahawk Cruise với mỗi tên lửa có thể phóng đầu đạn nặng khoảng 450 kg tới độ xa là 2.700 km.
Được thiết kế để bay tầm thấp dưới tầm bao quát của radar, các tên lửa này có thể dễ dàng phá hủy các mục tiêu chiến lược trước khi hệ thống phòng thủ của đối phương đưa ra cảnh báo.
Các tàu tuần dương hộ tống USS Georgia cũng được vũ trang hạng nặng với mỗi tàu có thể mang một tổ hợp mạnh mẽ gồm các tên lửa tấn công trên mặt đất, tên lửa phòng không và tên lửa chống hạm.
Các tàu này cũng có thể theo dõi hàng trăm vật thể đang di chuyển nhờ hệ thống radar Aegis, đồng thời bắn hạ các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung.
3 tàu trên của Hải quân Mỹ có thể phá hủy mọi mục tiêu đơn lẻ khắp Iran và ngăn cản nước Cộng hòa Hồi giáo này sử dụng lực lượng tên lửa đạn đạo, cũng như phá hủy các hệ thống được lắp đặt bên bờ biển của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).
Tàu USS Georgia cũng có đủ sức chứa cho các lực lượng đặc biệt đổ bộ, những người chịu trách nhiệm hỗ trợ trong việc thu thập thông tin tình báo và các hành vi phá hoại, đồng thời là các kiểm soát viên không lưu và chỉ dẫn cho các cuộc không kích.
Mỹ đã tăng cường đáng kể hỏa lực trong khu vực, đồng thời tập trung vào việc tấn công các mục tiêu trên đất liền.
Không chỉ vậy, tàu sân bay USS Nimitz, ban đầu dự kiến sẽ quay về cảng quê nhà ở San Diego, California nhưng sau đó đã nhận được lệnh tiếp tục hoạt động ở khu vực Biển Arab.
Tàu sân bay này, kết hợp với tần suất hoạt động của các máy bay ném bom B-52 từ Mỹ tới các căn cứ ở vùng Vịnh đã gửi một thông điệp tới các nhà lãnh đạo Iran rằng bất kỳ hành động quân sự nào từ Iran hoặc từ các lực lượng ủy nhiệm trong khu vực của nước này đều sẽ phải đối mặt với sự đáp trả dữ dội từ Mỹ và các đồng minh.
Khả năng phòng thủ của Iran
Iran không còn xa lạ với các hoạt động tăng cường quân dự dọc bờ biển của nước này. Nước Cộng hòa Hồi giáo này cũng đã chuẩn bị cho nguy cơ về một cuộc tấn công nhằm vào mình.
Nếu xét về chỉ số sức mạnh, việc Iran có thể chiếm ưu thế trong cuộc tấn công dữ dội của Mỹ và đồng minh hay không vẫn cần phải đặt câu hỏi nhưng rõ ràng nước này sẽ không chịu thất thế và không dễ bị đánh bại.
Iran đã phân tán các địa điểm hạt nhân và bố trí chúng bên trong những boongke chắc chắn dưới lòng đất. Chỉ các loại đạn dược chuyên dụng mới có thể phá hủy những địa điểm này nhưng khả năng thành công vẫn không thể đảm bảo.
Các địa điểm trên cũng được bao quanh bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa và được canh gác bởi những đội quân tinh nhuệ dày dạn kinh nghiệm.
Lực lượng không quân của Iran nhỏ và không tân tiến nhưng chương trình tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình của nước này được phát triển rất bài bản.
Các biện pháp trừng phạt toàn diện nhằm vào Iran cùng đồng nghĩa với việc các nhà khoa học nước này sẽ phải tập trung phát triển vũ khí, thúc đẩy các khu phức hợp quân sự - công nghiệp nhằm sản xuất ra các loại vũ khí ngày càng hiện đại.
Mặc dù các nguồn lực quân sự của Mỹ và đồng minh vô cùng mạnh mẽ nhưng chúng gần như không thể ngăn chặn được tất cả tên lửa của Iran nếu những tên lửa này được phóng đồng loạt. Ngoài ra, các UAV được phát triển nhanh chóng của Iran hay các hạm đội máy bay không người lái của nước này có thể tập hợp cùng nhau, áp đảo hệ thống phòng thủ của kẻ thù và tấn công các mục tiêu với độ chính xác cao.
Bên cạnh đó, không thể bỏ qua các lực lượng đặc biệt của IRGC và các tàu ngầm mini, được thiết kế để hoạt động trong những vùng biển nông ở vùng Vịnh mà không bị phát hiện. Lực lượng này có thể gây nên sự phá hủy đáng kể với bất kỳ hạm đội nào tiến gần bờ biển của Iran.
Trước thực tế đó, các đồng minh khu vực của Mỹ cũng đang tăng cường xây dựng các lực lượng của mình.
Israel đã cử một tàu ngầm tấn công Dolphin công khai đi qua Kênh đào Suez để vào Biển Đỏ với sự chấp thuận của Ai Cập. Có thể lặn dưới biển trong nhiều tuần, tàu ngầm này của Israel hoạt động vô cùng kín đáo và có thể phóng các ngư lôi cũng như các tên lửa tấn công trên đất liền và tên lửa chống hạm.
Các chiến đấu cơ từ Saudi Arabia cũng hộ tống các máy bay B-52 của Mỹ như một cách thể hiện sự ủng hộ công khai của nước này.
Tất cả các động thái trên đã gửi đi một thông điệp rõ ràng tới giới lãnh đạo Iran rằng, bất kỳ sự phản ứng nào của nước này sau cái chết của nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh và Tướng Qassem Soleimani đều sẽ không được dung thứ./.