Đợt trừng phạt nhắm vào các ngành vận tải biển, ngân hàng và năng lượng của quốc gia Trung Đông được Mỹ tái áp đặt vào tháng 11.2018. Nhưng thời điểm đó Washington cho phép 8 nhà nhập khẩu (có Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc) tiếp tục mua dầu.
Ông Hook từ chối cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump sẽ làm gì khi lệnh miễn trừ trên hết hạn vào tháng 5.2019, mà chỉ nhấn mạnh:
“Iran đang ngày càng cảm thấy bị cô lập về kinh tế do trừng phạt chúng tôi ban hành. Chúng tôi muốn cắt đứt mọi nguồn thu cho chế độ này. 80% nguồn thu đến từ xuất khẩu dầu mỏ và đây là khoản tài trợ khủng bố hàng đầu”.
Cũng theo đặc phái viên Hook, chính quyền Tehran sẽ không chịu ngồi vào bàn đàm phán nếu không bị gây áp lực.
Đặc phái viên Hook khẳng định Mỹ muốn duy trì áp lực hòng buộc Iran ngồi lại đàm phán - Ảnh: Reuters
Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) với lý do thỏa thuận không đề cập đến chương trình tên lửa đạn đạo của Tehran, những hoạt động hạt nhân của nước này sau năm 2025 (khi các điều khoản quan trọng của thỏa thuận hết hiệu lực) và vai trò trong các cuộc chiến tại Syria, Yemen. Ông muốn thông qua tái áp đặt trừng phạt nhằm buộc quốc gia Trung Đông tái đàm phán.
Iran từ chối thương lượng và luôn khẳng định chương trình tên lửa đạn đạo mà họ theo đuổi chỉ nhằm mục đích tự vệ.