Ảnh: Theengineer.co.uk
SpaceX ra đời vào năm 2002, khi người sáng lập, tỷ phú Elon Musk, thực hiện những bước đầu tiên trong tham vọng lớn của mình: Triển khai một sứ mệnh lên sao Hỏa.
Gần 2 thập kỷ đi qua, SpaceX giờ đây không còn đơn thuần là một công ty sản xuất hàng không vũ trụ mà đã trở thành 'đế chế' công nghệ không gian, nuôi tham vọng 'thực dân hóa sao Hỏa'.
Có trụ sở tại Hawthorne, bang California (Mỹ), SpaceX là gã khổng lồ duy nhất tạo nên kỷ nguyên mới trong du hành vũ trụ Mỹ thế kỷ 21 trong năm 2020 khi tàu vũ trụ Crew Dragon của 'đế chế' đưa thành công 2 phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Trước đó, khi NASA dừng chương trình tàu con thoi năm 2011, trong 10 năm liên tục, Mỹ phải bỏ ra 90 triệu USD để mua một chỗ ngồi trên tàu Soyuz của Nga cho phi hành gia NASA lên ISS(xem chi tiết). 10 năm 'Mỹ tầm gửi Nga' kết thúc với Crew Dragon của Elon Musk và SpaceX.
Mỗi năm SpaceX có doanh thu lên đến hàng tỷ đô. Hiện, 'gã khổng lồ' này đang nắm trong tay hệ thống công nghệ/thành tựu không gian khiến chính NASA cũng phải 'tấm tắc': Hệ thống tên lửa (có khả năng tái sử dụng); Đưa các phi hành gia và hàng hóa lên ISS; Xây dựng kế hoạch lên Mặt Trăng, sao Hỏa và hơn thế nữa.
Hãy xem trong gần 2 thập kỷ qua, SpaceX đã trưởng thành và lớn mạnh như thế nào? Và điều đó khiến Trung Quốc phải chạy theo 'copy' công nghệ của họ vất vả ra sao!
Falcon 1 là tên lửa đầu tiên do SpaceX sản xuất. Nó có khả năng chuyên chở 670 kg lên quỹ đạo Trái Đất tầm thấp (LEO). Falcon 1 hoạt động từ năm 2006 đến năm 2009.
Sau 3 lần phóng không thành công, Falcon 1 đã gửi một trọng tải giả lên không gian vào ngày 29/9/2008. Lần phóng thứ 5 và cũng là lần phóng cuối cùng diễn ra vào ngày 14/7/2009, đã đưa RazakSAT, một vệ tinh quan sát Trái Đất của Malaysia, lên quỹ đạo.
Tên lửa Falcon 1 cao 21 mét, được cung cấp năng lượng bởi một động cơ duy nhất và chạy bằng oxy lỏng và dầu hỏa cấp tên lửa.
Elon Musk đã đặt tên cho tên lửa Falcon theo tên con tàu Millennium Falcon trong "Chiến tranh giữa các vì sao".
FALCON 9
SpaceX nhanh chóng nhận được sự quan tâm từ một số công ty đang tìm kiếm một tên lửa có sức nâng nặng hơn. Ban đầu, SpaceX cân nhắc phát triển tên lửa trung gian có tên là Falcon 5, nhưng thay vào đó, họ đã bỏ qua và bắt đầu với Falcon 9 (có cái tên này vì giai đoạn đầu tiên của Falcon 9 sử dụng một cụm gồm 9 động cơ).
Falcon 9 có thể đưa lượng hàng hóa đến quỹ đạo Trái Đất thấp (LEO) với trọng lượng lên tới hơn 13 tấn. Đây là một tên lửa hai tầng, cao 70 mét và rộng 3,7 mét. SpaceX lần đầu tiên quảng cáo kế hoạch cho Falcon 9 vào năm 2005. 5 năm sau, Falcon 9 phóng thành công từ Trạm Không quân Cape Canaveral ở Florida, Mỹ.
Hình ảnh tên lửa Falcon 9 phóng đi. Ảnh: SpaceX
Những khách hàng ban đầu của tên lửa này bao gồm Bigelow Aerospace; Truyền thông Avanti; và MacDonald, Dettwiler & Cộng sự.
Tái sử dụng tên lửa
Ngay từ những ngày đầu trong lịch sử của Falcon 9, SpaceX đã quan tâm đến việc tái sử dụng giai đoạn đầu của tên lửa để tiết kiệm chi phí phóng.
Tuy nhiên, các cuộc thử nghiệm ban đầu không thành công. SpaceX đã cố gắng trong lần phóng đầu tiên, thứ hai và thứ sáu của Falcon 9 để điều khiển việc hạ cánh của tên lửa đẩy, nhưng trong mỗi trường hợp, giai đoạn đầu của Falcon 9 lại bị rơi xuống đại dương. Trong lần phóng thứ 9 vào ngày 18 tháng 4 năm 2014, họ đã thành công. Đây là một bước đệm quan trọng trong con đường dẫn đến khả năng tái sử dụng tên lửa nổi tiếng của SpaceX.
Đây là lúc Trung Quốc chạy theo!
Hai sự kiện nổi bật của Falcon 9 (khi phóng ra mắt năm 2010; và phóng tái thu hồi giai đoạn đầu năm 2014) đều thu hút sự chú ý ngấm ngầm của Trung Quốc.
Bởi 10 năm sau ngày Falcon 9 ra mắt, vào mùa Hè năm 2019, một tên lửa nhỏ Trung Quốc Long March 2C (Trường Chinh 2C) được vận chuyển đến một trạm phóng vũ trụ ở miền nam nước này để thực hiện sứ mệnh phóng thử. Thiết kế phần đầu của tên lửa Long March 2C giống y hệt phiên bản Falcon 9 của SpaceX.
Một năm sau cuộc thử nghiệm này, nhà thầu vũ trụ chính của Trung Quốc đã tiết lộ kế hoạch phát triển khả năng tái sử dụng động cơ (hay giai đoạn đầu ở tên lửa đẩy) của Trường Chinh 8, được cung cấp bởi nhiên liệu là dầu hỏa. Trùng hợp thay - dầu hỏa cũng là nhiên liệu dùng cho tên lửa của SpaceX.
Cả Trường Chinh 2C và Trường Chinh 8 là sự kết hợp của quá trình copy công nghệ dày công từ dòng tên lửa Falcon 9 của SpaceX.
Chưa dừng ở đó, các quan chức Trung Quốc cho biết, đến năm 2025, tên lửa Trường Chinh 8 sẽ có khả năng hạ cánh trên một bệ phóng trên biển di động giống như bệ phóng của tên lửa đẩy Falcon 9 của SpaceX. Điều này, tất nhiên, đã tiêu tốn không ít kinh phí của Bắc Kinh.
Điều kỳ lạ là, không chỉ các nhà thầu chính phủ Trung Quốc đang mô phỏng SpaceX, ngày càng nhiều công ty bán tư nhân của Trung Quốc cũng đã công bố kế hoạch phát triển tên lửa tái sử dụng. Các công ty Trung Quốc như LinkSpace và Galactic Energy đã phát hành các sơ đồ bắt chước công nghệ SpaceX.
Trung Quốc thành công trong việc sao chép Falcon 9 của SpaceX!
FALCON 9 BLOCK 5
Vào tháng 5 năm 2018, SpaceX đã công bố phiên bản thứ 5 và cũng là phiên bản cuối cùng của dòng tên lửa Falcon 9 của mình: Tên lửa đẩy Falcon 9 Block 5.
Được thiết kế để có thể tái sử dụng tối đa (mục tiêu là sử dụng được trong ít nhất 10 chuyến bay), Falcon 9 Block 5 sẽ đưa các phi hành gia vào không gian trên tàu vũ trụ Crew Dragon cho NASA (đọc phần dưới).
Bộ động cơ đẩy của tên lửa Falcon. Ảnh: SpaceX
Tên lửa Falcon 9 Block 5 đầu tiên được chế tạo để phóng Bangabandhu-1, vệ tinh liên lạc đầu tiên của Bangladesh.
FALCON HEAVY
Tên lửa Falcon Heavy của SpaceX, phiên bản nâng hạng nặng của loạt tên lửa Falcon, đã thực hiện chuyến bay đầu tiên thành công vào ngày 6 tháng 2 năm 2018, phóng từ bệ Pad 39A của NASA tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở bang Florida.
Falcon Heavy hiện là tên lửa mạnh nhất được sử dụng hiện nay của SpaceX. Nó bao gồm ba tên lửa đẩy lõi giai đoạn đầu (tương tự tên lửa Falcon 9) và một tầng phía trên đầy sức mạnh.
Bộ đẩy khổng lồ của Falcon Heavy. Ảnh: SpaceX
Falcon Heavy cao 70 m và có thể nâng gần 64 tấn trọng tải đến quỹ đạo Trái Đất thấp. [Tên lửa Delta IV Heavy của United Launch Alliance (đối thủ của SpaceX) chỉ nâng được một nửa trọng tải - 32 tấn).
Các lần phóng Falcon Heavy được bán với giá khoảng 90 triệu đô la mỗi chiếc, so với 62 triệu đô la cho lần phóng của Falcon 9.
SpaceX đã thực hiện thêm hai sứ mệnh Falcon Heavy vào năm 2019: Một nhiệm vụ mang theo vệ tinh liên lạc Arabsat 6A vào tháng 4 và chương trình thử nghiệm vũ trụ khác cho Không quân Mỹ vào tháng 6 năm đó.
CREW DRAGON - KỶ NGUYÊN CỦA DU HÀNH VŨ TRỤ MỸ
Trong khi khởi động các sứ mệnh thương mại, SpaceX cũng bắt đầu phát triển một phiên bản tàu vũ trụ Crew Dragon để đưa các phi hành gia lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Công ty đã nhận được một hợp đồng vào năm 2014 trị giá tối đa là 2,6 tỷ đô la cho kế hoạch này.
6 năm sau, vào lúc 3 giờ 22 phút chiều thứ 7, ngày 30/5/2020, kỷ nguyên mới của ngành du hành vũ trụ Mỹ đang bay lên cùng hai phi hành gia NASA Douglas G. Hurley và Robert L. Behnken trong chuyến bay thử nghiệm mang tên Demo-2 trên con tàu vũ trụ Crew Dragon của SpaceX. Ngày 2/8/2020, Crew Dragon tiếp tục đưa các phi hành gia trở về Trái Đất an toàn.
SIÊU TÊN LỬA STARSHIP - KHẲNG ĐỊNH 'NGÔI VƯƠNG'
Vào tháng 9 năm 2019, 'cha đẻ' SpaceX, Elon Musk, đã công bố một phương tiện hoàn toàn mới trong 'đế chế' của mình: Siêu tên lửa Starship [Có thể gọi chung là Starship & Super Heavy, gồm: Một giai đoạn tăng cường có tên là Super Heavy; và giai đoạn thứ hai được gọi là Starship].
Siêu tên lửa Starship hạng nặng có thể tái sử dụng hoàn toàn. Đây là bản thiết kế dành riêng cho mục tiêu tương lai khổng lồ của SpaceX đó là đưa con người lên sao Hỏa, hiện thực hóa tham vọng 'thực dân hóa sao Hỏa'.
Hình ảnh thiết kế của siêu tên lửa Starchip của SpaceX. Ảnh: Futurism
Ban đầu Starship được gọi là Hệ thống vận chuyển liên hành tinh, rồi sau đó là Tên lửa Big Falcon. Starship không chỉ dành cho việc khám phá sao Hỏa, mà còn có thể dùng để khám phá Mặt Trăng, các điểm đến không gian sâu khác cũng như các chuyến đi vòng quanh Trái Đất.
Trong bản thiết kế cuối cùng đưa ra năm 2019, Starship sẽ cao 118 m (bao gồm cả tàu vũ trụ) và có khả năng mang 110 tấn lên quỹ đạo thấp của Trái Đất. Với lực đẩy lên tới 15 triệu pound (66,7 Meganewtons), dự kiến vào thời điểm 'xuất xưởng', Starship sẽ đánh bại mọi hệ thống tên lửa đẩy của cả thế giới, trở thành tên lửa mạnh nhất hành tinh (vượt mặt cả siêu tên lửa SLS Block 2 của NASA).
Kinh ngạc hơn cả, Starship còn chở được khoảng 100 người - Điều mà không một tên lửa đẩy nào từng làm được trong lịch sử!
Không dừng ở đó, Elon Musk cho biết ông có kế hoạch sử dụng tên lửa này để đưa hàng trăm hoặc hàng nghìn hành khách lên sao Hỏa cùng một lúc! Elon Musk để ngỏ khoảng thời gian Starship sẽ phóng thử chuyến đầu tiên...
Bài viết sử dụng nguồn: Space.com