Ngày 5/9 tờ Sputnik News dẫn nguồn một thông báo của chính phủ Hoa Kỳ vào tháng 8, cho thấy AFMC (tạm dịch: Bộ chỉ huy hậu cần Không quân Hoa Kỳ) đang tìm kiếm các đối tác cung cấp các hệ thống S-300PMU do Nga chế tạo.
Trung tâm duy trì hoạt động đóng tại Căn cứ không quân Hill đang xác định khả năng của các nguồn cung cấp cho một hợp đồng 2 bệ phóng, được cho là các bản copy của các hệ thống S-300PMU do Nga chế tạo phục vụ tập trận tại thao trường ở bang Utah (Mỹ).
"Đây là những mô hình cần thiết để phục vụ công tác huấn luyện kỹ năng. Và để tiến hành các bài huấn luyện, các tổ hợp này cần phải có những tính năng giống nhất có thể (với nguyên mẫu)", hãng thông tấn TASS trích dẫn thông tin của AFMC.
Vào tháng 5/2019, một tổ hợp tên lửa phòng không S-300PT đã từng được nhìn thấy trên thao trường của Mỹ từ vệ tinh. Bức ảnh có thể thấy rõ xe chỉ huy, radar dẫn bắn và hai bệ phóng.
Dự kiến, những mô hình sẽ phải có mặt cắt radar định vị theo chiều ngang giống như của nguyên mẫu (S-300PMU), và sẽ tốt hơn nếu có những tính năng quang điện và hồng ngoại phù hợp.
"Những mô hình chào bán phải có tín hiệu radar định vị, hồng ngoại và bức xạ khác phù hợp với hệ thống thật, bằng cách lắp đặt trên mô hình những thiết bị có thể tạo ra tín hiệu nhiệt phù hợp với động cơ và các thiết bị bổ trợ trên những khí tài thật".
Mặc dù không nêu rõ chủng loại hệ thống phòng không nhưng qua các miêu tả cho thấy những gì người Mỹ cần là hệ thống tương tự S-300, được lắp đặt trên khung sườn xe vận tải 8X8 MAZ-7910, tương tự như các đơn vị đã được bàn giao cho Syria và Iran.
Bên cạnh đó, không có yêu cầu cụ thể đối với khả năng tự di chuyển của những khí tài này nhưng lại ghi rõ rằng nó có khả năng được thiết lập bởi hai người trong vòng 30 phút, và phải được triển khai tại vị trí mới cũng trong 30 phút.
Không quân Mỹ cũng thông báo rằng, để chế tạo mô hình những hệ thống phòng không Nga, có thể sử dụng "các radar bí mật" được cung cấp với số lượng 2 bộ từ Ukraine hồi đầu năm nay.
Theo TASS, một trong những số đó là phiên bản nâng cấp của radar do Liên Xô sản xuất sử dụng trong hệ thống phòng không S-300 của Ukraine.
Quân đội Mỹ thường sử dụng các hệ thống chiến đấu thật của Nga hoặc mô hình trong các cuộc tập trận để "tạo tính thực tế".
S-300 hiện đang có trong biên chế của cả các đồng minh của Mỹ tại NATO bao gồm Slovakia và Bulgaria, và nhiều khả năng các quốc gia này có thể "cho mượn" các bệ phóng của họ.
Iran bắn thử hệ thống S-300 do Nga cung cấp (Nguồn Ruptly).