Cuộc khủng hoảng của Trump
Hãng tin Reuters vừa có bài bình luận cho rằng Triều Tiên là cuộc khủng hoảng đầu tiên của ông Donald Trump. Theo đó, Tổng thống Mỹ George W. Bush đã xâm lược Iraq để tiêu hủy các vũ khí hủy diệt hàng loạt, thứ mà cuối cùng người ta phát hiện ra là không tồn tại.
Tổng thống Barack Obama đã dùng vũ khí an ninh mạng và các lệnh trừng phạt để răn đe nhằm ngăn Iran tiếp tục kế hoạch chế tạo bom nguyên tử.
Tổng thống Donald Trump đang đối diện với Triều Tiên, song việc ngăn chặn chương trình tên lửa và hạt nhân của quốc gia bị cô lập này có thể là bất khả thi, buộc ông phải đối diện với một cuộc khủng hoảng quốc tế có thể xem là đầu tiên và cụ thể nhất.
Ông Trump phải đương đầu với vấn đề hạt nhân Triều Tiên bởi những người tiền nhiệm đã thất bại. Trong khi đó, Bình Nhưỡng tiếp tục phát triển các hệ thống vũ khí nguy hiểm hơn và ngày càng khó để ngăn chặn.
Hình ảnh do Triều Tiên công bố về vụ bắn thử tên lửa ngày 12/2.
Triều Tiên luôn là một vấn đề nóng bỏng đối với Mỹ từ thời cố Tổng thống Harry S. Truman. Chiến tranh Triều Tiên đã leo thang gần tới chỗ kích động một cuộc đối đầu hạt nhân. Dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong-un, mọi chuyện thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn
Giới chức phụ trách chính sách đối ngoại của Washington có nhiều bất đồng với ông Trump. Họ cho rằng ông có quan điểm sai lầm trong vấn đề nhập cư, quá mềm mỏng với Nga, trong khi lại quá cứng rắn và hiếu chiến với Trung Quốc.
Trong khi đó, vấn đề Triều Tiên là điều mà họ nhìn nhận là một "hố đen" và nhà lãnh đạo này hoàn toàn không biết thoát ra bằng cách nào. Đây là một cuộc khủng hoảng đã được đoán trước. Đó là lý do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhanh chóng tới Mỹ để gặp ông Trump trước cả khi ông chính thức nhậm chức.
Thời điểm Triều Tiên phóng quả tên lửa đạn đạo tầm trung, ông Abe đang ở thăm Mỹ và chơi golf cùng người đứng đầu Nhà Trắng.
Hình ảnh Thủ tướng Nhật Bản chơi golf được đăng tải trên trang Twitter của Tổng thống Mỹ Donald Trump
Triều Tiên cũng là lý do khiến tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lựa chọn châu Á là nơi có chuyến công du chính thức đầu tiên. Ưu tiên hàng đầu của ông là trấn an Nhật Bản và Hàn Quốc rằng Mỹ luôn sát cánh cùng họ, bất chấp những bình luận gây sốc mà ông Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử.
Tuy nhiên, chính quyền Bình Nhưỡng vẫn tìm cách có được khả năng tấn công Mỹ, điều mà ông Trump đã khẳng định trên trang Twitter cá nhân rằng "không thể xảy ra".
Mỹ sợ mất mặt?
Thực tế không phải Bình Nhưỡng nuôi tham vọng tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu, điều có thể coi là tự sát. Thứ mà họ muốn là khả năng răn đe, để tránh đi vào vết xe đổ của Iraq hay Libya.
Để có được điều này, trước hết Triều Tiên cần có một số lượng nhất định các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn đủ xa, chẳng hạn như đủ sức vươn tới lãnh thổ Nhật Bản, và mỗi một cuộc thử nghiệm lại đưa họ gần hơn tới mục tiêu này.
Mục tiêu dài hạn của Bình Nhưỡng là trang bị tên lửa và đầu đạn hạt nhân vào hạm đội tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel. Hạm đội này có thể neo đậu ngoài khơi hoặc dọc đường bờ biển. Đây là những thiết bị khó bị giám sát và tấn công do tính cơ động, và các tên lửa phóng từ tàu ngầm cũng rất khó để ngăn chặn.
Những gì Mỹ làm chưa thể khiến Triều Tiên chùn bước. Sau khi xâm lược Iraq, Tổng thống Bush đã ngăn cản nguồn viện trợ tài chính và đe dọa gia tăng trừng phạt để thuyết phục Bình Nhưỡng hạn chế chương trình hạt nhân và tên lửa của mình, thậm chí là phá hủy cả một tòa tháp làm lạnh tại cơ sở hạt nhân ở Yongbyon.
Tuy nhiên, Mỹ vẫn không thể ngăn Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân năm 2006. Và sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền vào năm 2011, Triều Tiên càng đẩy mạnh hơn tham vọng của mình.
Sau thành công từ việc sử dụng mã độc Stuxnet đối với chương trình hạt nhân của Iran, có thông tin cho rằng Chính quyền Obama đã thử làm tương tự với Triều Tiên, song nỗ lực này không mấy hiệu quả. Những hoạt động tương tự vẫn tiếp diễn, song có thể là không đủ.
Kể từ thời của Tổng thống Bill Clinton, các đời tổng thống Mỹ đã nhiều lần cân nhắc những biện pháp trực tiếp như không kích hoặc tấn công bằng tên lửa, song hiệu quả của các biện pháp này vẫn chưa được kiểm chứng.
Trong khi đó, Bình Nhưỡng có thể sẽ nhanh chóng đáp trả các vụ tấn công phủ đầu kiểu này, thậm chí là chỉ sử dụng các loại hỏa lực truyền thống để tấn công các mục tiêu của Mỹ và Hàn Quốc. Seoul, với dân số hơn 10 triệu người, nằm trong tầm bắn của nhiều loại vũ khí mà Triều Tiên sở hữu.
Đáng chú ý là việc Mỹ đã không sử dụng các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo triển khai trong khu vực để ngăn chặn Triều Tiên trong vụ phóng ngày 12/2 vừa qua. Một trong những nguyên nhân được nêu ra là tầm bắn ngắn của tên lửa, và vụ thử diễn ra quá gần lãnh thổ Hàn Quốc.
Mặt khác, đây được coi là hành động khá mạo hiểm bởi nếu thất bại, Mỹ sẽ bị dư luận coi là không đủ sức can thiệp và ngăn chặn tên lửa của Triều Tiên, khiến khu vực càng trở nên căng thẳng và bất an. Những thất bại kiểu này cũng sẽ là một cú đòn chính trị nghiêm trọng, hủy hoại uy tín của mọi tổng thống Mỹ.
Với lẽ đó, các đời tổng thống Mỹ đã tìm đến các lựa chọn ngoại giao, trong đó có việc gây áp lực đối với Trung Quốc. Hỗ trợ kinh tế của Bắc Kinh đối với Triều Tiên là yếu tố hết sức quan trọng đối với sự tồn tại của quốc gia này, và đây cũng là một vấn đề được nhắc đến trong cuộc điện đàm đầu tiên giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhưng cho tới nay, Trung Quốc vẫn chưa có những hành động đáng kể nhằm gây sức ép đối với Triều Tiên với lập luận rằng sẽ khiến quốc gia này càng trở nên cực đoan hơn nữa và sẽ tìm cách trả đũa, thậm chí là sử dụng cả vũ khí hạt nhân.
Kẻ hưởng lợi
Tờ The Wall Street Journal của Mỹ ngày 13/2 có bài viết cho rằng trong khi chính quyền Donald Trump phải đối phó với thách thức đầu tiên đến từ Triều Tiên thì Trung Quốc gần như "đứng bên lề" quan sát cách thức phản ứng của ban lãnh đạo mới ở Washington.
Một ngày sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa, Trung Quốc mới bày tỏ sự phản đối và hối thúc Mỹ cùng Hàn Quốc hành động hơn nữa để kiềm chế tham vọng hạt nhân của chính quyền Bình Nhưỡng.
Phát biểu trước báo giới ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 13/2 tuyên bố:
"Những gốc rễ của vấn đề vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng bắt nguồn từ những khác biệt giữa Triều Tiên và Mỹ, giữa Triều Tiên và Hàn Quốc. Chúng tôi hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ gánh vác những trách nhiệm của mình và làm những gì mà họ có thể làm".
Mặc dù ông này cũng lưu ý rằng vụ thử tên lửa nói trên của Bình Nhưỡng là vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Trung Quốc thường xuyên chỉ trích việc Triều Tiên tiến hành các vụ thử vũ khí, song theo một số học giả, lời lẽ trong tuyên bố mới nhất này của Bắc Kinh có vẻ dè dặt hơn, nhất là nếu so sánh với những lời cảnh cáo mà họ đưa ra sau khi Triều Tiên thử hạt nhân năm 2016.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un quan sát một vụ phóng thử tên lửa
Tờ báo Mỹ dẫn lời giới phân tích nhận định kể từ khi ông Donald Trump lên cầm quyền, Trung Quốc đã chuyển sang cách tiếp cận "chờ đợi và quan sát". Triều Tiên đã tạo cơ hội cho Trung Quốc làm phép thử đối với những dự định chính sách của ông Donald Trump.
Trên thực tế, ông Donald Trump chưa trình bày kế hoạch cụ thể về quan hệ với Triều Tiên. Trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2016, ông đã bóng gió nói rằng "sẵn sàng trực tiếp thiết lập quan hệ với nhà lãnh đạo Kim Jong-un", thay cho cách tiếp cận cũ là chú trọng vào đàm phán song phương.
Tháng 1 vừa qua, trong vai trò Tổng thống đắc cử, ông Donald Trump nói rằng Bắc Kinh chưa gây đủ áp lực lên Bình Nhưỡng.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, ông Donald Trump xem ra đã rút lại một số cam kết không bình thường được đưa ra trong chiến dịch tranh cử và trở lại với những lập trường quen thuộc của ngoại giao Mỹ suốt nhiều thập niên qua.
Vì vậy, theo nhận định của một số học giả, đó chính là lý do khiến Bắc Kinh không muốn cam kết với bất kỳ xu hướng hành động cụ thể nào trong vấn đề Triều Tiên.
Hàng rào do Trung Quốc xây dựng tại khu vực biên giới giáp với Triều Tiên
Theo nhận định, có lẽ Trung Quốc cần điều chỉnh cách tiếp cận cho phù hợp với quan điểm của Mỹ nên Bắc Kinh đang quan sát xem Washington làm gì.
Liệu ông Donald Trump có tiếp tục chiến lược của người tiền nhiệm Barack Obama đối với Bán đảo Triều Tiên, có hành động cứng rắn hơn đối với Triều Tiên, hay nghe theo lời khuyên của Trung Quốc và nối lại đối thoại hay không?
Theo đề xuất của Bắc Kinh, Mỹ nên gánh vách nhiều trách nhiệm hơn trong việc cản trở những tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, với lập luận rằng chính quyền Bình Nhưỡng sẽ không nhượng bộ nếu không nhận được một số đảm bảo cho an ninh quốc gia của họ.
Tờ "Thời báo Hoàn cầu" ngày 12/2 đăng xã luận có đoạn viết: "Nếu Washington tiếp tục gây áp lực lên việc phát triển hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong khi phớt lờ những quan ngại của Triều Tiên, cuộc đối đầu hiện nay giữa hai nước sẽ biến thành một cuộc chiến ngu xuẩn.
Cả Seoul, Washington và Tokyo đang yêu cầu Bắc Kinh gây thêm áp lực lên Bình Nhưỡng. Thực tế là họ đang xử lý một vấn đề thứ yếu chứ không phải là nguyên nhân gốc rễ".