Mỹ sẽ thất bại nếu cô lập kinh tế kiểu Chiến tranh Lạnh chống Trung Quốc

Hoài Thanh |

Đòn cô lập kinh tế, công nghệ mà Mỹ và đồng minh từng thành công trong chiến lược bao vây, phong tỏa, làm suy yếu Liên Xô khó có thể áp dụng với Trung Quốc ở thời điểm hiện nay, tờ World Polictic Review bình luận.

Trong thời kỳ chiến tranh Lạnh, Mỹ đã khởi tạo và lãnh đạo hai hệ thống thương mại quốc tế.

Hệ thống đầu tiên, thường được biết với tên gọi hệ thống thương mại đa phương và mở. Mục đích chính là thúc đẩy tự do thương mại và các nguyên tắc thị trường trên phạm vi toàn thế giới. Nó được thành hình sau Chiến tranh Lạnh, với sự ra đời của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 1995.

Từ chỗ chỉ có 23 thành viên dựa trên Thỏa thuận chung về Thương mại và Thuế quan (GATT), WTO giờ đây bao bồm 164 quốc gia thành viên. Đáng lưu ý, Mỹ đã chào đón Trung Quốc gia nhập tổ chức này vào năm 2001.

Hệ thống thứ hai ít được mọi người chú ý hơn và cũng không được đề cập nhiều trong sách lịch sử. Đó là một mạng lưới kiểm soát xuất khẩu và cấm vận với mục tiêu ngăn cản Liên Xô và các nước đồng minh tiếp cận công nghệ hiện đại.

Được tổ chức dưới tên gọi mờ ảo “Uỷ ban điều phối kiểm soát xuất khẩu đa phương” (CoCom), Mỹ và đồng minh sau cùng cũng đã thành công trong nỗ lực làm suy yếu tiềm lực công nghệ của Liên Xô. Giờ đây, Mỹ đang tìm cách áp dụng kịch bản này với Trung Quốc.

Trong tuần qua, chính quyền Trump đã tăng cường cấm vận nhằm vào gã khổng lồ viễn thông của Trung Quốc - tập đoàn Huawei, tìm cách chặn nguồn cung sản phẩm bán dẫn thiết yếu đối với điện thoại thông minh và mạng viễn thông 5G của Huawei.

Động thái này diễn ra sau khi Mỹ mở chiến dịch gây sức ép tổng lực để buộc các đồng minh như Đức, Anh, Canada, Nhật Bản và Australia chấm dứt hợp tác với Huawei. Cùng lúc, chính quyền Tổng thống Trump đẩy nhanh bước đi ép các công ty Mỹ rời khỏi Trung Quốc và chuyển cơ sở sản xuất về Mỹ.

Kể từ khi Donald Trump lên nhậm chức, giới phân tích đã bàn tán về mục tiêu thực sự của ông là gì: Mở ra các cơ hội thương mại mới và hướng đến quan hệ kinh tế cân bằng với Trung Quốc; hay là phân tách kinh tế Mỹ-Trung, với việc coi Trung Quốc là quốc gia thù địch không thể tránh khỏi.

Cả hai trường phái này đều có những tiếng nói hậu thuẫn trong chính quyền. Nhưng cuộc thảo luận này dường như đã đi đến hồi ngã ngũ: Mỹ đang nhất quyết đi theo hướng phân tách với Trung Quốc và muốn phần còn lại của thế giới đi cùng Mỹ trong nỗ lực này.

Đó là một chiến lược chứa đựng nguy cơ cao. Khác với Liên Xô – một siêu cường hạt nhân được tạo dựng trên nền tảng một nền kinh tế đang phát triển, hướng nội, Trung Quốc ngày nay là một xã hội hiện đại, có nền tảng công nghệ tiên tiến. Kinh tế Trung Quốc, một phần hưởng lợi từ quy chế thành viên đầy đủ WTO, hiện hội nhập sâu với thế giới. Xuất khẩu của Trung Quốc hiện lớn hơn bất kỳ nước nào, kể cả Mỹ.

Chuyển đổi trong chính sách của Mỹ đương nhiên khá hài hước, bởi chính Mỹ từng tin chắc rằng Trung Quốc sẽ trở thành “một nhân tố có trách nhiệm” trong các thiết chế như WTO. Chiến lược mà Nhà Trắng công bố hồi tuần trước nhằm vào Trung Quốc kết luận thay vì tuân thủ luật lệ của WTO, “Bắc Kinh lại chọn cách khai thác trật tự tự do và mở, dựa trên nền tảng luật lệ, tìm cách định hình lại hệ thống thế giới theo hướng có lợi cho Trung Quốc”.

Câu hỏi đặt tra vào lúc này là: Bước chuyển đổi quay ngoắt từ chỗ lôi kéo Trung Quốc như là một đối tác thương mại giá trị sang nỗ lực thống nhất làm suy yếu kinh tế đối với Trung Quốc liệu có thành công? Đòn kiểm soát xuất khẩu thời Chiến tranh Lạnh phát huy hiệu quả phần lớn dựa vào thống nhất giữa các đồng minh phương Tây. Tất cả đều đồng thuận về sự cần thiết phải kiềm chế tiềm lực công nghệ của Liên Xô, cả về dân sự lẫn quân sự.

Có nhiều lý do chính đáng để lo ngại về tham vọng công nghệ của Trung Quốc. Nhưng việc tạo dựng nỗ lực thống nhất để kìm hãm đà tiến của Bắc Kinh ít có tính khả thi. Có rất nhiều rào cản cho việc này. Đa phần các công ty phương Tây vẫn tiếp tục phụ thuộc lớn vào chuỗi cung ứng điện tử từ Trung Quốc.

Với đồng minh của Mỹ, những tính toán về kinh tế cũng phức tạp hơn nhiều so với thời Chiến tranh Lạnh. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Đức, chỉ sau Mỹ và Pháp; cũng là đối tác thương mại lớn nhất đối với Nhật Bản và Canada. Xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc lớn gấp 5 lần tổng kim ngạch xuất khẩu sang năm đối tác thương mại lớn nhất còn lại. Sự thống trị của Huawei trong phát triển mạng 5G đồng nghĩa với việc sẽ có nhiều nước phải phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc trong những nền tảng hạ tầng thiết yếu đối với thịnh vượng và cải tiến trong tương lai.

Trung Quốc hiện cũng có nhiều lựa chọn hơn Liên Xô trong việc trả đũa Mỹ và số theo Mỹ. Trung Quốc giữ thế thống trị về sản xuất các sản phẩm thiết yếu, như nguyên tố đất hiếm được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp, hay một loạt các hàng hóa tiêu dùng từ máy tính, điện thoại thông minh, ô tô điện hay pin năng lượng mặt trời.

Giữa thời điểm COVID-19 bùng phát, Trung Quốc cung cấp đến một nửa các sản phẩm đồ bảo hộ cá nhân như khẩu trang, găng tay phẫu thuật cho thế giới. Việc Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu những mặt hàng như trên sẽ gây tổn thất lớn đối với Mỹ và nhiều nước khác.

Mỹ và đồng minh đã đưa ra một quyết định định mệnh khi chấp nhận chào đón Trung Quốc hội nhập vào một hệ thống thương mại đa phương gần 20 năm trước đây. Việc đặt cược vào cải cách mà Trung Quốc sẽ thực hiện đến lúc này không thành. Nhưng đã quá muộn để quay ngược thời gian.

Điều cần làm lúc này là một giải pháp cân bằng, vừa can dự với Trung Quốc nhưng đồng thời cô lập Trung Quốc ở những điểm cần thiết. Giáo án thời Chiến tranh Lạnh sẽ không còn phát huy tác dụng ở thời điểm hiện nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại