Hãng tin Reuters cho hay thỏa thuận này đã đạt được sau nhiều tháng đàm phán với đại diện của phong trào nổi dậy Taliban nhưng vẫn phải chờ sự chấp thuận của Tổng thống Donald Trump trước khi được ký kết.
“Về nguyên tắc, chúng tôi đã đã đạt được điều đó. Tài liệu cuối cùng cũng đóng lại”, nhà đàm phán ngoại giao người Mỹ gốc Afghanistan Khalilzad nói.
Để đổi lấy việc rút quân theo từng giai đoạn, phía Taliban cam kết sẽ không cho phép các nhóm khủng bố al-Qaeda hoặc Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sử dụng Afghanistan làm căn cứ tấn công vào Mỹ và các đồng minh.
Ông Khalilzad nói rằng mục đích của thỏa thuận là chấm dứt chiến tranh và giảm bạo lực, nhưng không có thỏa thuận ngừng bắn chính thức.
Nhà đàm phán cấp cao Zalmay Khalilzad nói rằng đã đạt được đồng thuận với Taliban để Mỹ rút 5000 quân khỏi Afghanistan. Ảnh: REUTERS
Ngoài ra, ông Khalilzad từ chối cho biết khoảng 14.000 binh lính Mỹ còn lại sẽ ở lại Afghanistan bao lâu sau giai đoạn rút quân đầu tiên, mặc dù trước đó các quan chức Taliban nhấn mạnh tất cả các lực lượng nước ngoài phải rời đi.
“Việc này sẽ tùy thuộc vào các cuộc đàm phán giữa chính người Afghanistan để đồng ý một thỏa thuận chung”, ông nói.
Theo ông Khalilzad, các cuộc đàm phán nội bộ Afghanistan có thể được tổ chức tại Na Uy với mục đích đạt được một thỏa thuận chính trị lớn hơn và chấm dứt cuộc chiến giữa Taliban và chính phủ nước này vốn được phương Tây hậu thuẫn.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cũng được thông báo sơ qua về dự thảo này và sẽ xem xét trước khi đưa ra ý kiến chính thức.
Reuters nói rằng Tổng thống Ghani đã gặp ông Khalilzad, cho biết “sẽ nghiên cứu và đánh giá” chi tiết về bản dự thảo.
“Nhưng đối với chúng tôi, một nền hòa bình có ý nghĩa hoặc một con đường dẫn đến một nền hòa bình có ý nghĩa là sự chấm dứt của bạo lực và đàm phán trực tiếp với Taliban”, phát ngôn viên của Tổng thống Afghanistan nói.
Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani gặp gỡ với nhà đàm phán của Mỹ Zalmay Khalilzad tại thủ đô Kabul ngày 2-9. Ảnh: REUTERS
Nhà đàm phán Khalilzad đã hoàn thành chín vòng đàm phán với đại diện Taliban và dự định tổ chức cuộc gặp một số nhà lãnh đạo Afghanistan ở Kabul trong tuần này để xây dựng sự đồng thuận trước khi thỏa thuận được ký kết.
Một số quan chức Afghanistan phản đối một số điều khoản trong dự thảo khi họ cho rằng phe nổi dậy Taliban có một vị thế tương đương với chính phủ Afghanistan được quốc tế công nhận.
Các cuộc đàm phán hòa bình đã diễn ra trong bối cảnh bạo lực không ngừng tại Afghanistan. Hôm 2-9, một vụ nổ lớn xảy ra tại thủ đô Kabul làm thiệt mạng ít nhất 6 cảnh sát và 15 người khác bị thương.
Trước đó, lực lượng an ninh Afghanishtan đã đầy lùi các chiến binh Taliban khi tổ chức này tiến hành hai cuộc tấn công quy mô lớn vào thành phố Kunduz và Pul-e Khumri (phía bắc Afghanistan ) cuối tuần qua.
Theo Reuters , Tổng thống Mỹ Donald Trump tiết lộ ý định rút 14.000 binh lính khỏi Afghanistan nhưng các quan chức Mỹ và Afghanistan lại lo ngại rằng một cuộc nội chiến khác có thể xảy ra với sự trở lại của Taliaban và các chiến binh, trong đó có IS, tìm nới ẩn náu.