Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung , có nhiệm vụ tư vấn cho các nhà lập pháp Mỹ cũng kêu gọi Mỹ áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu mở rộng đối với các công ty con ở Hong Kong trực thuộc công ty mẹ ở Trung Quốc đại lục.
Cơ quan này cũng cảnh báo các công ty Mỹ đang đầu tư ở Trung Quốc về các lỗ hổng liên quan đến việc bảo vệ dữ liệu và sở hữu trí tuệ, đồng thời yêu cầu các công ty Trung Quốc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nên tuân thủ các quy tắc công bố thông tin như mọi công ty khác.
Khi mà Trung Quốc đang phải đối mặt với tình trạng tăng trưởng chậm của nền kinh tế, “các nhà đầu tư Mỹ có thể gặp rủi ro khi đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên thông tin không chính xác”, ông Robin Cleveland, phó chủ tịch ủy ban cho biết.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang chuẩn bị cho một cuộc đàn áp cứng rắn hơn đối với thành phố bán tự trị Hồng Kông, và các cuộc biểu tình chống chính phủ ngày càng dữ dội, Ủy ban khuyến nghị các biện pháp kinh tế cứng rắn hơn đối với Hồng Kông.
Báo cáo thường niên của cơ quan này cho biết “Trạng thái một lãnh thổ hải quan riêng biệt, tách bạch với Trung Quốc đại lục, của Hong Kong đang bị đe dọa”.
“Bắc Kinh đang ngày càng mạnh tay hơn đối với Hong Kong. Do đó, khả năng hạn chế công nghệ bí mật của Mỹ bị chuyển sang Trung Quốc của chính quyền Hong Kong cần phải được xem lại”, báo cáo viết.
Người biểu tình ngồi gần hàng rào chắn với những vật dụng như đinh để ném vào cảnh sát tại Đại học Bách khoa Hong Kong hôm 14-11. Ảnh: EPA-EFE
Trong số năm khuyến nghị được đưa ra bởi ủy ban, Quốc hội nên ban hành luật quy định rằng tất cả các điều khoản và tình trạng đặc biệt của Hong Kong được đưa vào Đạo luật Chính sách Mỹ-Hong Kong năm 1992 sẽ bị đình chỉ trong trường hợp chính phủ Trung Quốc triển khai quân đội hoặc lực lượng cảnh sát vũ trang tham gia can thiệp vào Hong Kong.
Báo cáo nhấn mạnh ý kiến đồng thuận ở Washington rằng nhiều năm gắn bó với Bắc Kinh đã không mang lại kết quả. Và viễn cảnh cải cách chính trị của Trung Quốc mà các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã hình dung vào năm 1979, khi quan hệ giữa hai nước được thiết lập lại, sẽ khó mà xảy ra.
Bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp về châu Á tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Washington, cho biết, “Ủy ban đã phân tích nhiều khía cạnh trong những thách thức mà Trung Quốc đặt ra cho Mỹ trong nhiều năm. Bản chất của mối đe dọa Trung Quốc đã khiến Mỹ có một sự thay đổi đáng kể trong thái độ đối với Bắc Kinh và lý giải tại sao chính quyền Trump áp dụng chính sách cứng rắn hơn đối với quốc gia này.”
Một trong những yếu tố quan trọng nhất của trạng thái kinh tế đặc biệt được cấp cho Hong Kong đó là việc thành phố này được coi là một khu vực hải quan và thương mại riêng biệt với Trung Quốc.
Ví dụ, thuế quan trong cuộc chiến thương mại mà Mỹ đang đánh lên hàng Trung Quốc không áp dụng cho hàng hóa xuất khẩu từ Hong Kong.
Theo luật năm 1992, Tổng thống Mỹ có thể ban hành lệnh đình chỉ quy chế đặc biệt của Hong Kong, nếu nhà lãnh đạo Mỹ xác định rằng lãnh thổ này không duy trì đủ khả năng tự trị.
Mặc dù có xu hướng diều hâu, báo cáo vẫn khuyên các nhà lập pháp Mỹ tiếp tục tiếp cận với các quan chức Hong Kong và tiếp tục bày tỏ sự ủng hộ Hong Kong. Tháng trước, Hạ viện Mỹ đã nhất trí thông qua ba bộ luật ủng hộ các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong, nhưng vẫn chưa được Thượng viện thông qua.