Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu (trái) và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa theo dõi cuộc tập trận chung ngày 13/8/2021. Ảnh: AP
Mối quan hệ này đã phát triển và chặt chẽ hơn trong 2 thập kỷ qua. Bắc Kinh và Moscow đã tiến hành "tập trận dã chiến" chung vào năm 2003 - một dấu hiệu cho thấy 2 nước này đã dịch chuyển từ mối quan hệ "tính toán" sang "hợp tác".
Từ năm 2012 - 2017, Trung Quốc và Nga đã củng cố quan hệ từ "hợp tác" sang "cộng tác" chủ yếu do "các lệnh trừng phạt của phương Tây”.
Đặc biệt, lệnh trừng phạt áp đặt lên Nga sau khi nước này sáp nhập Crimea đã khiến Moscow theo đuổi "mối quan hệ thân thiết hơn nhiều" với Bắc Kinh.
Tâm điểm của việc nâng cấp quan hệ này là "Kế hoạch Hợp tác Quân sự 15 năm" được 2 bên ký kết năm 2002, nhằm mở rộng "sự chuyển giao các thiết bị quân sự, sáng chế công nghệ, các kế hoạch nghiên cứu và phát triển chung".
Trong khi tổng số thiết bị không được nêu trong báo cáo trên thì trong khung thời gian này, Trung Quốc đã tiếp cận được những hệ thống "cao cấp" của Nga như chiến đấu cơ Su-27, Su-30, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường và những hỗ trợ công nghệ, trong đó bao gồm sự hợp tác của các nhà khoa học Nga tại các nhà máy quốc phòng của Trung Quốc.
Các tác giả trong báo cáo của Rand Corp cho rằng, sự cộng tác này sẽ tiếp tục, đồng thời cho biết, Bắc Kinh và Moscow tăng cường sự tương tác giữa các lực lượng vũ trang qua trao đổi thiết bị và huấn luyện chung.
"Cộng tác trực tiếp" giữa quân đội Nga và Trung Quốc đã trở nên thường xuyên hơn trong khi chiều sâu và quy mô các cuộc tập trận chung phức tạp hơn kể từ cuộc tập trận đầu tiên năm 2003.
Trong khi Mỹ đang xoay xở để rút quân khỏi Afghanistan thì vào tháng 8/2021, Nga và Trung Quốc đã tổ chức tập trận quy mô lớn lần đầu tiên ở Trung Quốc. Các cuộc tập trận này "đã phản ánh 'mức độ mới' của hợp tác quân sự" giữa 2 quốc gia, AP đưa tin.
Các tác giả của báo cáo cũng cho biết, để đảo ngược mối quan hệ giữa 2 đối thủ cạnh tranh toàn cầu lớn nhất của Mỹ thì cần giảm các lệnh trừng phạt của phương Tây lên cả 2 quốc gia. Nếu làm được điều đó, "Nga có lẽ sẽ tìm kiếm mối quan hệ mạnh mẽ hơn với châu Âu và Mỹ", điều khiến quan hệ Nga - Trung "suy yếu hoặc giảm dần".
Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách này được cho là không khả thi. Theo các tác giả của báo cáo trên, nếu Mỹ không thay đổi chính sách, mối quan hệ quân sự giữa Moscow và Bắc Kinh sẽ tiếp tục phát triển, đại diện cho thách thức chưa từng thấy của Mỹ trên toàn cầu.
"Ngoài sự dịch chuyển chính sách đáng kể, chính phủ Mỹ hầu như không thể làm gì để gây ra sự gián đoạn trong quan hệ Nga - Trung vốn ngày càng phát triển", các tác giả của báo cáo nhận định, đồng thời đề xuất quân đội Mỹ cần chuẩn bị cho sự hợp tác lớn hơn giữa Bắc Kinh và Moscow.