Đòn tấn công tên lửa đạn đạo của Nga sẽ thay đổi lập trường của Mỹ?
Giới quan sát phương Tây nhận định, Iran có thể sẽ sớm cung cấp cho Nga các vũ khí có tính sát thương cao hơn so với các UAV mà Moscow đang sử dụng để nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine: Đó là các tên lửa đạn đạo. Họ cho rằng Mỹ nên cung cấp các phương tiện quân sự cần thiết cho Kiev để đối phó với mối đe dọa này trước khi Nga triển khai vũ khí trên trên chiến trường.
Tên lửa đạn đạo Zolfaghar được trưng bày ở Tehran. Ảnh: AFP
Nga đã sử dụng UAV để tiến hành loạt tấn công nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của Ukraine. Phương Tây lo ngại Moscow có thể chuyển sang sử dụng tên lửa đạn đạo như một vũ khí hiệu quả hơn cùng với các UAV hỗ trợ tình báo, giám sát và trinh sát. Giới quan sát nhận định, nếu được bổ sung tên lửa đạn đạo, Nga sẽ tiến hành các cuộc không kích lớn hơn và hiệu quả hơn, không chỉ nhằm vào các cơ sở hạ tầng mà còn cả các cơ sở quân sự được bảo vệ nghiêm ngặt của Ukraine. Tải trọng 500 - 600kg thuốc nổ mà các tên lửa đạn đạo có thể mang lớn hơn đáng kể so với tải trọng 40kg mà các UAV có thể mang.
Ukraine tuyên bố đã bắn hạ tới 85% UAV của Nga nhưng ngay cả khi con số này được xác nhận thì Kiev sẽ không thể thực hiện điều tương tự với các tên lửa đạn đạo. Mỹ đang tập trung vào việc hỗ trợ Ukraine tăng cường khả năng bắn hạ máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và UAV bằng cách hỗ trợ 2 hệ thống NASAM và gần đây là hệ thống phòng không tầm ngắn Avenger cùng các tên lửa HAWK và Stinger trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 400 triệu USD.
Dù vậy, theo người phát ngôn Không quân Ukraine Yuriy Ihnat, nước này "không có hệ thống phòng thủ hiệu quả để đối phó với các tên lửa đạn đạo" và "về lý thuyết có thể bắn hạ chúng nhưng trên thực tế rất khó để làm điều đó với các phương tiện mà chúng tôi sở hữu. Chúng tôi có hệ thống phòng không nhưng không có hệ thống phòng thủ tên lửa".
Giữa bối cảnh đó, một số quan chức Mỹ cho rằng chính quyền Tổng thống Biden phải chuẩn bị hỗ trợ Ukraine tăng cường khả năng tấn công và phòng thủ để vô hiệu hóa hoặc làm giảm hiệu của của các UAV cũng như tên lửa đạn đạo.
Trong một bức thư ngày 22/11, nhóm 16 nghị sĩ cấp cao Mỹ đã hối thúc chính quyền Tổng thống Joe Biden cung cấp cho Ukraine các UAV tầm xa . Họ cho rằng các UAV này sẽ mang lại lợi thế cho chiến dịch tấn công trong tương lai của Ukraine giữa bối cảnh Kiev và tình báo Anh nhận định, Hạm đội Biển Đen của Nga đang trong tình thế dễ bị tấn công.
Lầu Năm Góc cũng đang làm việc với các nước NATO và cân nhắc đến các lựa chọn, trong đó có việc cung cấp cho Ukraine tên lửa đất đối không Patriot PAC-2 hoặc PAC-3, có hiệu quả cao trong việc phá hủy các tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Các quan chức Mỹ cũng thảo luận về việc cung cấp cho Ukraine Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) MGM-140, hệ thống tên lửa đất đối đất có thể tấn công các mục tiêu cách xa hơn 300km với lượng thuốc nổ là gần 170kg.
Ukraine hiện đang sử dụng Hệ thống Tên lửa Dẫn đường Phóng loạt (GMLRS) do Mỹ sản xuất nhưng ATACMS có thể tấn công các mục tiêu cách xa gấp 3 lần và với đầu đạn có kích cỡ gấp đôi, khiến cho Ukraine có thể tấn công các UAV và bệ phóng tên lửa cũng như các kho đạn dược của Nga ở Crimea. Trong khi đó, GMLRS hiện có tầm bắn chỉ khoảng 15 - 70km.
Lằn ranh đỏ Mỹ nhiều lần từ chối vượt qua
Dù vậy, cho tới nay, Mỹ vẫn do dự trong việc cung cấp ATACMS cho Ukraine do lo ngại chúng được sử dụng để tấn công vào lãnh thổ của Nga. Tuy nhiên, nếu Nga tiếp nhận các tên lửa đạn đạo từ Iran, các chuyên gia cho rằng lập trường này có thể thay đổi. Theo đó, Mỹ ủng hộ việc cung cấp ATACMS để hỗ trợ Kiev phá hủy các mục tiêu ở Crimea với điều kiện Ukraine không sử dụng vũ khí này để tấn công lãnh thổ Nga như chính quyền Tổng thống Biden lo ngại.
Cho tới nay, Mỹ vẫn do dự trong việc cung cấp ATACMS cho Ukraine. Ảnh: New York Times
Trên thực tế, Mỹ và các nước phương Tây đã đặt ra những giới hạn về các mục tiêu có thể chấp nhận được đối với các vũ khí mà họ cung cấp cho Ukraine, đồng thời yêu cầu đảm bảo từ Kiev rằng chúng sẽ không được sử dụng trong lãnh thổ Nga. Theo nhà quan sát Ira Straus - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh và Hòa bình, đồng thời là cố vấn cấp cao của Trung tâm Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, lý do cho việc này là bởi phương Tây cho rằng việc cho phép Ukraine tấn công vào các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga hay trang bị vũ khí để Kiev có thể thực hiện điều đó sẽ khiến Moscow “có cớ” để tấn công các mục tiêu ở xa hơn.
Chính quyền Tổng thống Biden dường như đã chuẩn bị cho một cuộc chiến tiêu hao nhưng theo nhà quan sát Ira Straus, cuộc xung đột này đặt gánh nặng lớn lên Kiev và EU bởi Ukraine đang chịu tổn thất nặng nề khi các cơ sở hạ tầng quan trọng bị phá hủy, trong khi châu Âu đang "trả giá" vì các lệnh trừng phạt áp lên Nga. Cuộc xung đột cũng đang chia rẽ phương Tây khi nhiều người Mỹ cho rằng châu Âu không chia sẻ gánh nặng với họ trong việc hỗ trợ vũ khí cho Kiev./.