Theo AFP, Iraq đã đề nghị liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu đưa hàng trăm tên khủng bố IS quốc tịch phương Tây ra tòa ở Baghdad và để thực hiện điều đó sẽ phải có một số tiền lên tới hàng triệu USD.
Chính trường và dư luận phương Tây hiện vẫn đang chia rẽ trong cuộc tranh luận công khai và gay gắt về việc có nên cho phép hồi hương các công dân đã gia nhập IS ở Iraq và Syria trong nhiều năm trước khi thành trì cuối cùng là Baghouz sụp đổ cuối tháng 3.
Khoảng 1000 chiến binh IS ngoại quốc là nghi phạm của các tội ác khủng bố và giết người hàng loạt đang bị giam giữ ở đông bắc Syria. Ngoài ra còn có khoảng 9000 phụ nữ và trẻ em không phải là người Syria đang trong các trại tị nạn do người Kurd quản lý.
Theo 3 quan chức Iraq giấu tên, Iraq đã đề nghị giải quyết các vấn đề về người nước ngoài tham gia IS thay cho Liên minh, họ sẽ xét xử và kết án các nghi phạm nếu liên minh do Mỹ đứng đầu trang trải mọi chi phí.
Một quan chức Iraq giấu tên do hiện tại nội dung đàm phán chưa được chính phủ Iraq đồng ý công khai chi tiết với báo giới nói:
"Các quốc gia phương Tây hiện có có một vấn đề, và đây có lẽ là một giải pháp duy nhất".
"Iraq đã đề xuất mức chi phí xét xử và giam giữ từng năm là 2 triệu USD mỗi nghi phạm, dựa trên số tiền người Mỹ phải chi trả để giam giữ một tù nhân ở căn cứ Guantanamo, Cuba.".
Quan chức thứ hai cho biết Iraq cũng đã gợi ý một khoản tiền tương ứng với 2 tỷ USD để thử nghiệm "một giải pháp khác" với các nghi phạm và phương án này có thể "tốn nhiều tiền hơn để trang trải chi phí giam giữ họ nhưng sẽ an toàn hơn".
Phương án này được cho là xử tử hoặc thiết lập các địa điểm giam giữ khổ sai tại các hoang đảo.
Hàng trăm thành viên IS đã ra hàng sau trận đánh thành trì cuối cùng của chúng tại Syria, Baghouz tháng 3/2019
Chính quyền Iraq đã kết án (tội tham gia IS áp dụng xử tử đối với công dân Iraq) hàng trăm thành viên nhóm khủng bố IS là người nước ngoài và một số đang bị giam giữ tại Baghdad để chờ xét xử.
Một quan chức Iraq thứ ba cho biết những người bị giam giữ có quốc tịch của 52 quốc gia khác nhau có thể bị đưa ra xét xử ở Baghdad. Ít nhất 12 công dân Pháp đã được chuyển tới các nhà tù ở Iraq từ Syria vào tháng 2/2019.
"Iraq đề xuất với liên minh thành lập một tòa án đặc biệt để xét xử những nghi phạm người nước ngoài. Đã có một khởi đầu mang tính xây dựng cho những cuộc thảo luận đó.
Nhưng việc thiết lập tòa án (với tài trợ) sẽ để ngỏ khả năng giúp giảm các án xử tử trong tương lai.".
Nguồn tin nói thêm rằng Iraq đã chọn việc đề xuất với liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo vì nó đơn giản hơn là đàm phán với từng quốc gia có công dân tham gia IS. Tuy nhiên liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo vẫn chưa đưa ra phản hồi cuối cùng.
Lực lượng dân chủ Syria (SDF) gồm đa phần người Kurd đã kêu gọi thành lập một tòa án quốc tế ở đông bắc Syria để xét xử các chiến binh khủng bố IS, nhưng Mỹ thì phản đối và nói rằng các quốc gia nên cho phép các công dân của mình hồi hương.
Việc đưa các chiến binh là nghi phạm khủng bố sang Iraq để xét xử dường như giải quyết một câu hỏi hóc búa về vấn đề pháp lý cho các cường quốc phương Tây.
Đa phần trong số các quốc gia này sợ rằng họ có thể không có đủ bằng chứng theo luật pháp của họ để kết tội các thành viên IS khai rằng họ không tham gia chiến đấu trực tiếp.
Còn Iraq thì khác, chỉ riêng việc tham gia IS đã là một tội phạm và chắc chắn bị xét xử với khung hình phạt khắc nghiệt.
Tuy nhiên, câu hỏi tiếp theo là liệu Mỹ và phương Tây có chịu "chi tiền" hay không? Và tương lai nào cho Trung Đông nếu người Mỹ tiếp tục nuôi các cựu thành viên khủng bố trong các trại giam?
Thủ lĩnh của IS Abu Bakr al-Baghdadi đã từng bị bắt năm 2004 gần Fallujah, Iraq. Bị giam giữ và thẩm vấn 6 tháng và được đánh giá là "ít nguy hiểm",hắn đã được người Mỹ phóng thích. Năm 2014 Baghdadi đã trở thành lãnh đạo của IS trên toàn cầu không chỉ ở Iraq hay Syria.
Hôm 19/3, Fox News đưa tin lực lượng SDF do Mỹ hậu thuẫn đã bắt được các nghi phạm IS tham gia đặt bom làm thiệt mạng các quân nhân và cố vấn Mỹ tại Syria vào tháng 1/2019.