Hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao M142 (HIMARS) tham gia cuộc tập trận quân sự gần Liepaja, Latvia ngày 26-9 - Ảnh: REUTERS
Theo tài liệu và nguồn tin mà Hãng tin Reuters tiếp cận được, Bộ Quốc phòng Mỹ dự kiến sẽ công bố gói viện trợ quân sự trên sớm nhất là vào ngày 9-12.
Reuters cũng cho biết gói viện trợ sẽ bao gồm các tên lửa cho bệ phóng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) do hãng vũ khí Lockheed Martin sản xuất, đạn 155mm, xe quân sự Humvee và máy phát điện.
Người phát ngôn của Hội đồng An ninh quốc gia từ chối bình luận về gói viện trợ. Nội dung và quy mô của các gói viện trợ có thể thay đổi cho đến khi chúng được tổng thống ký.
Cũng theo Reuters, khoản hỗ trợ mới sẽ được tài trợ bằng các quỹ giải phóng theo Quyền Rút vốn của tổng thống (PDA).
PDA cho phép chuyển các vật phẩm và dịch vụ quốc phòng từ các kho dự trữ của Mỹ ra ngoài một cách nhanh chóng mà không cần sự chấp thuận của Quốc hội trong trường hợp khẩn cấp.
Hồi tháng 11 vừa qua, một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc cho biết một trong những lý do Nga gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa ở Ukraine là nhằm làm cạn kiệt nguồn lực phòng không của Kiev.
Để chống lại các cuộc tấn công này, Hoa Kỳ đã gửi các hệ thống NASAMS phòng không tinh vi đến Ukraine. Hệ thống này đã hoạt động được vài tuần.
Washington trước đó đã thông báo rằng họ đang gửi bốn hệ thống phòng không tầm ngắn Avenger sử dụng tên lửa Stinger do Raytheon Technologies sản xuất và tên lửa đánh chặn HAWK.
Các đồng minh của Mỹ cũng đã gửi các hệ thống phòng không cho Ukraine.
Kể từ khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraine vào ngày 24-2, Mỹ đã gửi hỗ trợ an ninh lên đến khoảng 19,1 tỉ USD cho Kiev.
Hôm 8-12, các nhà lập pháp Mỹ đã bỏ phiếu để cung cấp cho Ukraine ít nhất 800 triệu USD hỗ trợ an ninh bổ sung vào năm tới.