Ảnh minh họa
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam trong tháng 11 đạt 64.148 tấn với trị giá hơn 352 triệu USD, giảm 0,3% về lượng và giảm 1,6% về trị giá so với tháng trước. Lũy kế 11 tháng đầu năm, nước ta thu về 3,3 tỷ USD từ xuất khẩu hạt điều, lượng xuất khẩu đạt 581.039 tấn, tăng 22,9% về lượng và tăng 17,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, Mỹ là thị trường lớn nhất của hạt điều Việt Nam. Cụ thể trong 11 tháng đầu năm, quốc gia này đã nhập khẩu từ nước ta 144.280 tấn điều với trị giá hơn 810 triệu USD, tăng 10% về lượng và tăng 5,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Giá xuất khẩu đạt bình quân đạt 5.630 USD/tấn, giảm 4,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Bên cạnh Mỹ, hạt điều của Việt Nam còn được xuất sang nhiều thị trường khác như Trung Quốc, châu Âu và hiện đã có mặt tại hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Về cơ cấu chủng loại, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu chủng loại hạt điều W320, W240, W180, tỷ trọng chiếm 63,51% tổng lượng và 69,84% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.
Cây điều hay còn gọi là đào lộn hột (Anacardium occidentale) có nguồn gốc xuất hiện ở vùng Đông Bắc Brazil. Cây mọc hoang dại trên các bãi biển và một số vùng đất hoang. Từ thế kỷ 16, cây điều được người Bồ Đào Nha mang đến trồng tại Ấn Độ, Malaysia và một số nước Đông Phi. Ngày nay cây điều là được trồng rộng rãi ở các nước nhiệt đới châu Á.
Do đặc tính, chỉ những vùng có khí hậu nhiệt đới có vĩ tuyến từ 30 độ Bắc đến 30 độ Nam mới cho ra được năng suất và hương vị tốt nhất. Tính đến nay, hạt điều đã được gieo trồng và sản xuất ở hơn 32 nước trên thế giới. Ấn Độ là nước có diện tích trồng điều lớn nhất thế giới sau ngay sau đó là Brazil, Việt Nam, các nước châu Phi như Bờ Biển Ngà, Tanzania, Guinea Bissau, Benin, Nigeria, Mozambique,...
Việt Nam là một trong những quốc gia có khí hậu nhiệt đới gió mùa, đất đai màu mỡ rất phù hợp cho việc sinh trưởng của cây điều, vì vậy mà nước ta đã và đang là nơi có sản lượng hạt điều nguyên liệu đứng đầu thế giới. Song, ở mỗi vùng địa lý ở Việt Nam lại có những kết quả về sản lượng, chất lượng hạt điều đầu ra chênh lệch nhau tương đối cũng bởi vì phân bố về đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng tiếp tục có sự khác biệt nhau. Nhưng nhìn chung, mùa hạt điều ở Việt Nam có kết quả tốt tương đối đồng đều.
Về thị trường Mỹ, đây là một quốc gia tiêu thụ hạt điều hàng đầu trên thế giới và là một quốc gia có sự đòi hỏi về mặt chất lượng khá cao đối với hàng hóa nhập khẩu vào trong nước. So với hạt điều của các nước trên thế giới thì hạt điều Việt Nam được các chuyên gia và người tiêu dùng tại đây đánh giá có chất lượng vượt trội hơn hẳn.
Nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu nhân điều của Việt Nam luôn giữ vững vị trí số một thế giới, với giá trị khoảng 3 tỷ USD/năm. Năm 2022, xuất khẩu hạt điều của Việt Nam đạt 519.782 tấn, trị giá 3,08 tỷ USD, giảm 10,3% về lượng, giảm 15,1% về giá trị so với năm 2021. Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí số 1 thế giới 16 năm liền về xuất khẩu điều nhân khi chiếm tới 80% tổng sản lượng toàn cầu.
Tỉnh Bình Phước được xem là “thủ phủ” điều của Việt Nam khi chiếm tới hơn 50% diện tích và 50% sản lượng điều của cả nước. Trên địa bàn Bình Phước hiện có hơn 152.000ha điều, sản lượng 170.000 tấn/năm. Do điều kiện tự nhiên phù hợp, đồng thời người dân đưa vào canh tác các giống điều cao sản, thích hợp với tiểu vùng sinh thái, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào thâm canh, năng suất cây điều của Bình Phước luôn đạt ở mức cao.