Theo RT, chuyên gia nghiên cứu chính sách đối ngoại của Mỹ tại Trung Đông và châu Á - Thái Bình Dương, ông Darius Shahtahmasebi nhận định việc chính phủ Mỹ quyết định buông tay ở Trung Đông và bỏ mặc tình hình chiến sự ở Syria là do Washington hiện có một khu vực ưu tiên mới để phân bổ thời gian và nguồn lực: Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Nguyên nhân do là Trung Quốc hiện không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng ở khu vực này.
Điều dễ thấy là trong thời gian gần đây, mối quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Thái Bình Dương đang trở lại làm tâm điểm đưa tin của báo chí.
Theo một số nguồn tin, Trung Quốc đã đồng thuận bỏ số tiền hàng tỷ USD để đầu tư xây dựng một sân vận động trên quần đảo Solomon phục vụ Thế vận hội Thái Bình Dương năm 2023 diễn ra ở thủ đô Honiara. Điều đặc biệt, Đài Loan từng hứa hẹn đầu tư số tiền không nhỏ giúp Solomon xây dựng tổ hợp thể thao, nhưng sau đó đã không thể thực hiện.
Gần đây, quần đảo Solomon đã cắt đứt quan hệ với Đài Loan để đổi lấy khoản tiền hỗ trợ trị giá 730 triệu USD từ Trung Quốc. Sau quyết định của quần đảo Solomon, Kiribati cũng nhanh chóng từ bỏ mối quan hệ với Đài Loan . Hiện Đài Loan chỉ còn 15 nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức.
Tuy nhiên, dưới sức ép ngoại giao cũng như các khoản đầu tư hào phóng mà Trung Quốc đưa ra, nhiều chuyên gia nhận định Tuvalu và 3 quốc đảo Thái Bình Dương còn lại nằm trong danh sách những nước còn duy trì quan hệ với Đài Loan, cũng sẽ sớm “dứt tình”.
Nhằm thể hiện sự ủng hộ với Đài Loan, Mỹ đã có động thái tức thì khi cùng Đài Loan và 3 quốc đảo Thái Bình Dương đã cho tổ chức "Đối thoại Đảo Thái Bình Dương" tại thành phố Đài Bắc.
Tại sự kiện trên, Mỹ một lần nữa gọi Đài Loan là người bạn lâu năm của Washington và khẳng định “sự ủng hộ vững chắc đối với mối quan hệ giữa Đài Loan với các quốc đảo Thái Bình Dương”.
Tuy nhiên, Mỹ nhấn mạnh thực vẫn thi cam kết tôn trọng “ chính sách một Trung Quốc ” với chính quyền Bắc Kinh thông qua việc không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan. Trong khi đó, lâu nay, Bắc Kinh chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và sẵn sàng dùng vũ lực để sáp nhập vào lãnh thổ đại lục.
Cùng thời điểm, Diễn đàn Hợp tác và Phát triển Kinh tế các quốc đảo Thái Bình Dương - Trung Quốc lần thứ 3 cũng đã diễn ra hôm 20/10 tại thủ đô Apia của Samoa. Trong đó, Australia , một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ, giữ vai trò là “quan sát viên hội nghị”. Phía Trung Quốc đã cử Phó Thủ tướng Hồ Xuân Hoa tham dự sự kiện.
Giám đốc Viện Lowy ở Australia, ông Jonathan Pryke nhận định, “Thật không ngờ một quan chức cấp cao như vậy của Trung Quốc tới khu vực này và tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ không tới sự kiện này với tay không”.
Sau khi dự cuộc họp tại Samoan, Phó Thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa sẽ thực hiện chuyến thăm tới Philippines , quốc gia dưới thời lãnh đạo của Tổng thống Rodrigo Duterte đang có những động thái hâm nóng quan hệ nhằm thu hút hàng tỷ USD đầu tư từ chính quyền Bắc Kinh
Về phần mình, Trung Quốc tin rằng thế giới đang dần dịch chuyển khỏi hệ thống đơn cực mà Mỹ đứng đầu. Giữa lúc tầm ảnh hưởng của Bắc Kinh mở rộng khắp Trung Đông, châu Phi và cả Nam Phi, thì con đường nhanh nhất để Trung Quốc loại bỏ thế độc tôn của Mỹ chính là ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương .
Ngay cả trong sách trắng quốc phòng được Trung Quốc công bố hồi đầu năm nay cũng đã nhấn mạnh, “các nước châu Á – Thái Bình Dương đang ngày càng nhận thức rõ rằng họ là thành viên của một cộng đồng có chung số phận”.
Nói cách khác, thuật ngữ “chung số phận” mà Trung Quốc nói tới chính là rời bỏ tầm ảnh hưởng của Mỹ và các đồng minh thân cận của Washington.
Điển hình, mới đây, Bắc Kinh đã ký kết một thỏa thuận với đảo Tulagi nằm ở Nam Thái Bình Dương. Thương vụ này được thực hiện không lâu sau khi quần đảo Solomon và Kiribati cắt đứt quan hệ với Đài Loan.
Theo tờ New York Times, Trung Quốc được cho là đã thuê trọn hòn đảo Tulagi của Solomon, nơi có cảng nước sâu tự nhiên nhằm phát triển kinh tế tại khu vực này. Song việc Trung Quốc thuê đảo Tulagi, nơi từng được Nhật Bản sử dụng làm căn cứ trong Thế chiến II, cũng khiến nhiều người lo ngại về tham vọng quân sự tiềm tàng.
Trên thực tế, Trung Quốc hiện chưa phải là nhà tài trợ số 1 cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Theo Viện Lowy, Australia hiện đứng đầu danh sách tài trợ cho khu vực và theo sau là New Zealand. Tiếp đó là Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản.
Viện Lowy cho rằng, với số tiền hơn 1 tỷ USD mà Nhật Bản tài trợ cho khu vực châu Á – Thái Bình Dương trong giai đoạn từ năm 2011 – 2017 là chưa xứng tầm.
Trong khi đó, để “dằn mặt” Trung Quốc, hồi đầu tháng 10, hải quân Mỹ đã cho tiến hành thử nghiệm một loại tên lửa thế hệ mới rất khó bị đối phương phát hiện trong khu vực Thái Bình Dương. Tổng số quân mà quân đội Mỹ duy trì sự hiện diện thường xuyên ở khu vực là 85.000 binh sĩ.
Ngoài ra, Mỹ cũng đang chuẩn bị cho cuộc tập trận mang tên “Defender Pacific” (Người bảo vệ Thái Bình Dương) với sự tham gia của 12.000 binh sĩ. Cuộc tập trận được cho nhằm thể hiện quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Mỹ với Philippines, Thái Lan, Malaysia , Indonesia và Brunei. Bên cạnh đó, cuộc tập trận còn có sự tham gia của quần đảo Marshall và Palau, hai quốc đảo vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Đài Loan.