Mỹ rút lui, Thổ Nhĩ Kỳ chờ cái "gật đầu" từ Nga để "thừa kế" không phận ở Syria?

Quốc Vinh |

Mỹ sẽ không còn quyền thống trị trên bầu trời phía đông bắc Syria sau khi rút quân tại đây. Vậy ai sẽ là ông chủ mới? Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là Nga.

Sự phụ thuộc vào Nga

Theo nhà phân tích Metin Gurcan trên Al-Monitor, bài học hàng đầu mà Thổ Nhĩ Kỳ học được từ hai chiến dịch "Tấm khiên Euphrates và Nhành Ô liu" vừa qua chính là: "Đừng bao giờ bước vào Syria trừ khi bạn chắc chắn có ưu thế trên không".

Ankara hiểu được rằng, sự hỗ trợ trên không đến từ chiến đấu cơ F-16, máy bay không người lái vũ trang và máy bay trực thăng tấn công sẽ bảo vệ lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ trên mặt đất và duy trì nhịp độ hoạt động của chiến dịch.

Thổ Nhĩ Kỳ nhận thức rõ rằng, một chiến dịch quân sự ở phía đông bắc Syria không chỉ giúp cho binh sĩ nước này giữ vững trận địa mà còn dần dần theo thời gian, mở ra sự tự do hoạt động ở không phận Syria.

Trong chiến dịch Nhành Ô liu, Ankara đã nhận được sự hỗ trợ đáng kể từ Nga trong các hoạt động trên không. Tuy nhiên, Moscow có thể điều chỉnh nhịp độ của chiến dịch bằng cách thỉnh thoảng đóng cửa không phận Syria đối với không quân Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc Moscow đóng cửa không phận Afrin trong khoảng thời gian từ 18-24/3 đã cho phép các phần tử từ Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) rút từ Afrin sang Tel Rifaat mà không bị không quân Thổ Nhĩ Kỳ nhắm tới.

Nói cách khác, sự phụ thuộc của Ankara vào Moscow trong việc sử dụng không phận ở Syria cho phép Nga một phần nào đó làm chủ về nhịp độ và thời gian hoạt động của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ khi triển khai chiến dịch tại đây.

Mọi sự chú ý đã đổ dồn về Moscow, nơi một phái đoàn lớn của Thổ Nhĩ Kỳ gồm ngoại trưởng, bộ trưởng quốc phòng và người đứng đầu cơ quan tình báo quốc gia đến thăm ngày 29/12.

Vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự này là thuyết phục Moscow cho phép Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vùng không phận Syria được Washington để lại, với điều kiện nước này cũng tiếp nhận luôn nhiệm vụ chống IS.

Ankara "xin phép" Moscow làm chủ bầu trời?

Không quân Mỹ đã duy trì hiệu quả một khu vực cấm bay thực tế ở phía đông bắc Syria kể từ mùa hè năm 2014, thời điểm nước này cùng người Kurd bắt tay vào đối đầu với IS.

Mỹ rút lui, Thổ Nhĩ Kỳ chờ cái gật đầu từ Nga để thừa kế không phận ở Syria? - Ảnh 1.

Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rằng mọi chiến dịch mặt đất ở Syria đều phải cần không quân hỗ trợ.

Theo Al-Monitor, không quân Mỹ đã chặn máy bay chiến đấu và máy bay trực thăng Syria nhắm vào lực lượng người Kurd ở Hasakah vào tháng 8/2016 và thậm chí đã bắn hạ một máy bay chiến đấu Syria nhắm vào lực lượng do người Kurd lãnh đạo ở Tabqa vào tháng 7/2017.

Ngoài ra, vào tháng 2/2018, một số chiếc A-10 của không quân Mỹ đã nhắm mục tiêu vào lực lượng quân ủng hộ Chính phủ trong lúc phát động tấn công qua sông Euphrates, chống lại các mục tiêu quan trọng của YPG.

Kể từ mùa hè năm 2014, mặc dù có một số tình huống nguy hiểm, không quân Mỹ đã không chặn bất kỳ máy bay nào của Thổ Nhĩ Kỳ và cũng không nhắm vào bất kỳ đơn vị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ nào trên mặt đất.

Nhưng sau quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Donald Trump về việc rút khỏi Syria, tình hình trên bầu trời của Syria đã thay đổi.

Điều hiển nhiên là không quân Mỹ sẽ không còn quyền thống trị trên bầu trời ở phía đông bắc Syria. Vậy ai sẽ là ông chủ mới? Không còn nghi ngờ gì nữa, đó chính là Nga.

Ankara, từ kinh nghiệm của mình ở Syria, biết rằng Moscow không dễ đùa cợt. Thổ Nhĩ Kỳ hiểu rõ điều này từ sau vụ bắn hạ một chiếc Su-24 của Nga vào ngày 25/11/2015.

Ankara, dường như đã nhận ra ý tốt của Mỹ trong việc để lại cho họ sử dụng không phận ở phía đông bắc Syria. Ngay sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã gửi các quan chức quốc phòng và an ninh hàng đầu của mình đến Moscow để đảm bảo phía Nga cũng cho phép điều tương tự.

Ankara tin rằng điều cần thiết nhất đối với họ là được sử dụng không phận Syria cho mục đích đối đầu với người Kurd ở phía Đông Euphrates và xóa sổ các phần tử IS. Trong đó, Ankara sẽ yêu cầu phối hợp với các lực lượng Nga để thuyết phục lực lượng chính quyền Assad tránh nhắm vào máy bay và trực thăng của mình.

Vào giữa tháng 12, có những báo cáo chưa được xác nhận nói rằng lực lượng của chính quyền Assad có thể đơn phương tuyên bố vùng cấm bay theo yêu cầu của YPG.

Về phần mình, các quan chức của Ankara cho biết, họ không nghĩ Damascus có thể khởi xướng một hành động như vậy nếu không có sự cho phép của Moscow. Mặc dù lực lượng của chính quyền Assad có hệ thống phòng không S-200 và S-300, nhưng họ không đủ khả năng kỹ thuật để làm điều đó.

Thổ Nhĩ Kỳ có dám sử dụng không phận ở phía đông bắc Syria bất chấp sự phản đối của Moscow? Câu trả lời là không. Nếu Ankara đã nghĩ đến một chiến dịch trên không bất chấp sự phản đối của Nga, phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ cấp cao đã không có mặt ở Moscow vào ngày 29/12.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại