Những tuyên bố cứng rắn của TT Donald Trump về việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một nền tảng đảm bảo an ninh không chỉ của châu Âu, mà ở cấp độ toàn cầu được duy trì từ thời chiến tranh Lạnh đúng ra phải làm Moscow rúng động sau những cáo buộc liên tiếp về việc vi phạm hiệp ước giữa các bên.
Tuy nhiên, phản ứng của Moscow đối với tuyên bố của ông Donald Trump hoàn toàn trái với dự đoán. Ngoài tuyên bố của Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về mặt ngoại giao, giới chức Moscow vẫn im lặng.
Rõ ràng Nga đã tiên lượng trước được sự việc từ rất lâu trước đó và Nga hiện đã có đủ công cụ trong tay để đối phó. Và người lo lắng và phản ứng mạnh mẽ nhất khi INF sụp đổ không ai khác chính là châu Âu. Tất cả đều có nguyên do…
Đối với Mỹ, rút khỏi INF là tất yếu
Dù là người nổi tiếng với các quyết định bốc đồng, nhưng tuyên bố rút khỏi INF của ông D. Trump là hoàn toàn hợp lý với chiến lược mới của Mỹ.
Xét về bối cảnh lịch sử, INF được ký thời chiến tranh Lạnh, kỷ nguyên của thế giới hai cực Xô-Mỹ, nhưng tình hình thế giới hiện tại đã có nhiều đổi khác. Đe dọa an ninh của Mỹ không chỉ có Nga, quốc gia kế thừa Liên Xô, mà còn nhiều cường quốc mới nổi khác, trong đó đặc biệt là Trung Quốc.
Vậy Mỹ sẽ làm gì khi bị ràng buộc bởi INF với Nga để không thể phát triển các loại vũ khí đối trọng với các cực quyền lực mới trên thế giới. Điều này càng rõ ràng hơn với chiến lược xoay trục về phía Đông của Mỹ, cũng như tuyên bố "làm nước Mỹ vĩ đại trở lại" của ông D. Trump.
TT Nga Putin so găng với TT Mỹ Trump: Ai sẽ thắng? Ảnh minh họa: Dailystar
Việc rút khỏi INF của Mỹ thực tế có nhiều lý do. Một trong những lý do lớn đó là Washington muốn có INF mới không chỉ với Nga, mà cả với các đối thủ tiềm năng mới, trong đó có Trung Quốc.
"Chúng ta sẽ tiếp tục phát triển các loại vũ khí răn đe, cho tới khi phía Nga chùn tay và điều này có ý nghĩa với cả Trung Quốc. Hãy để họ hiểu rằng, sẽ là thiếu khôn ngoan khi đối đầu với nhau bằng những loại vũ khí như vậy", Tổng thống Trump tuyên bố.
Kể cả bị giới hạn bởi INF, Mỹ cũng đã tìm nhiều cách lách luật. Điển hình rõ ràng nhất là tên lửa hành trình Tomahawk.
Những quy định của INF chỉ giới hạn ở các tổ hợp tên lửa đạn đạo và trên bộ, để lách luật, Mỹ đã phát triển biến thể mới của Tomahawk sử dụng trên biển với tầm bắn tới 2.000km, con số này nằm trong quy định cấm của INF.
Tất cả đều hiểu, với tiềm lực khoa học, kỹ thuật của Mỹ, khi cần, các tên lửa Tomahawk hải quân có thể dễ dàng hoán cải để mang đầu đạn hạt nhân và thực hiện các đợt tấn công phủ đầu chính xác cao.
Đây cũng chính là lý do Nga phản đối việc triển khai các tổ hợp Aegis Ashore ở châu Âu. Bản chất các tổ hợp này là bê nguyên xi tổ hợp Aegis trên chiến hạm của Mỹ lên cạn. Ai có thể biết được trong các giếng phóng thẳng đứng MK 41 của Aegis Ashore trang bị Tomahawk hay đạn tên lửa đánh chặn SM-3.
Tàu chiến Mỹ phóng tên lửa hành trình Tomahawk.
Sự im lặng đáng sợ của của "Gấu Nga"...
Ngay từ khi Mỹ tuyên bố triển khai các thành phần phòng thủ tên lửa tại châu Âu từ đầu những năm 2000, Nga đã lên tiếng phản đối và coi đây là hành động vi phạm INF.
Và với cường quốc có đầy đủ tiềm lực khoa học, kỹ thuật quân sự như Nga, liệu hành động của Washington có bị phớt lờ? Rõ ràng là không. Dù không công bố cụ thể, nhưng Moscow đã lặng lẽ sử dụng chính chiêu bài lách luật INF mà Washington từng áp dụng để đối phó. Nước cờ này có thể khiến châu Âu lo sốt vó.
Không khó để nhận ra đạn tên lửa 9M729 hay R-500 trang bị trên tổ hợp Iskander-M có nhiều nét tương đồng với tên lửa Kalibr-NK vốn là trang bị trên các chiếm hạm của Nga.
Trong chiến dịch chống khủng bố tại Syria, các đạn tên lửa Kalibr-NK đã thể hiện sự tin cậy, chính xác cao và tầm bắn tới gần 2.000km. Vậy phải chăng R-500 chỉ bị giới hạn ở tầm bắn 480km.
Đó là tuân thủ theo INF! Liệu khi cần, R-500 có thể được "nối tầm" lên hàng nghìn km như Kalibr. Không phải ngẫu nhiên mà giới chức Mỹ tin rằng tên lửa hành trình nói trên của tổ hợp Iskander-M có tầm bắn tới 3.000km, bất chấp những tuyên bố từ phía Nga.
Ngoài ra, Nga còn có trong tay một vũ khí đáng sợ khác là tên lửa hành trình sử dụng động cơ hạt nhân với tầm bắn không giới hạn Burevestnik. Như vậy, Nga đã có trong tay các loại vũ khí răn đe hiệu quả khi Mỹ tuyên bố rút khỏi INF và không bị lôi vào vòng xoáy chạy đua vũ trang như dưới thời Liên Xô.
Thực tế, sự sụp đổ của INF đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố từ cuối năm 2017 với việc Mỹ triển khai tổ hợp Aegis Ashore ở Rumania
"Về nguyên tắc, Mỹ đã rút khỏi INF", Tổng thống Nga tuyên bố.
Tên lửa Iskander-M của Nga khai hỏa.
... khiến "bầy cừu" châu Âu lo sốt vó
Về nguyên tắc, INF quy định Liên Xô (sau này này là Nga) và Mỹ triệt thoái các dòng tên lửa tầm ngắn và trung với lý do chính là thời gian phản ứng lại với chúng quá ngắn.
Điều này đặc biệt nguy hiểm với những căng thẳng thời chiến tranh Lạnh và có thể dẫn tới chiến tranh hạt nhân toàn diện nếu xảy ra bất kỳ hiểu nhầm nào dù là nhỏ nhất.
Tuy nhiên, một lý do lớn khác là các tên lửa tầm ngắn và trung Mỹ và Liên Xô chĩa vào nhau đều được đặt trên lãnh thổ châu Âu. Thật là dễ hiểu khi xung đột xảy ra, lục địa già sẽ bị hủy diệt đầu tiên, trước cả siêu cường nằm bên kia đại dương.
Điều này giúp giải thích tại sau phương Tây rất ủng hộ INF và coi đó là hòn đá tảng đảm bảo an ninh cho châu Âu.
Điều gì sẽ xảy ra khi INF tan vỡ? Tất nhiên an ninh châu Âu sẽ bị đe dọa. Lo sốt vó trước nguy cơ bị tập kích từ Nga, để tăng cường an ninh, châu Âu sẽ tăng quy mô quân đội và phụ thuộc hơn vào Mỹ về chính trị và quốc phòng. Đây chính là mong muốn của Washington!
Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã yêu cầu các quốc gia NATO tăng chi tiêu quốc phòng lên trên mức 2% và vấp phải sự phản đối của các quốc gia đồng minh, trong đó có Tây Âu. Vậy liệu việc Tổng thống Mỹ tuyên bố rút khỏi INF có phải nằm trong kế hoạch liên hoàn này.
Rõ ràng việc Mỹ tuyên bố rút khỏi INF sẽ gây ảnh hưởng tới an ninh toàn cầu, tương tự như khi rút khỏi Hiệp ước phòng thủ tên lửa ABM hồi đầu những năm 2000. Tuy nhiên, "mũi tên" INF không nhằm vào Nga, mà có lẽ là nhằm vào chính các đồng minh của Mỹ ở châu Âu!