Mỹ “rục rịch” nghiên cứu chế tạo tên lửa hạt nhân mới

Anh Tuấn |

Các hãng quốc phòng lớn của Mỹ đang bắt đầu gửi ý tưởng về loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) mới để thay thế tên lửa Minuteman III, trong khuôn khổ chương trình Vũ khí Chiến lược Trên bộ (GBSD).

Mặc dù dự án thay thế tên lửa Minuteman III, vốn là loại vũ khí được chế tạo từ những năm 1960, sẽ khá tốn kém, song Mỹ vẫn cần phải thay thế loại vũ khí này trong thời gian sớm nhất. 

“Nếu chúng ta không có biện pháp nhanh chóng, tên lửa sẽ ngày càng cũ và việc vận hành sẽ trở nên không an toàn và không hiệu quả”, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cho biết.

Mỹ “rục rịch” nghiên cứu chế tạo tên lửa hạt nhân mới - Ảnh 1.

Tên lửa hạt nhân đóng vai trò rất quan trọng đối với nền an ninh Mỹ

“Vấn đề là, phần lớn các hệ thống tên lửa hạt nhân của chúng ta đều đã quá thời hạn sử dụng nhiều thập kỷ. Đây đã trở thành một vấn đề sống còn mà nếu chúng ta không thực hiện ngay, khả năng của những loại vũ khí này sẽ không còn đáng tin cậy và đây là điều không thể chấp nhận được vào thời điểm hiện tại”, ông Carter nói thêm.

Dự kiến trị giá gói thầu của chương trình GBSD có thể sẽ lên đang hàng chục tỉ USD. Hãng Boeing, đơn vị đã chế tạo tên lửa Minuteman, đã đồng ý tham gia đấu thầu dự án này.

“Công ty Boeing đã hồi đáp lời mời thầu từ Không quân Mỹ và đã chấp nhận tham gia vào dự án GBSD để cung cấp một loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa an toàn, đáng tin cậy và hiệu quả trong hoạt động nhằm đề phòng những hiểm họa hạt nhân đang nổi lên”, một tuyên bố của hãng Boeing viết. 

“Boeing đã chế tạo tên lửa Minuteman vào năm 1958 và chúng tôi một lần nữa đã sẵn sàng phát triển một loại tên lửa ICBM mới có thể sử dụng cho đến năm 2075 và thỏa mãn những yêu cầu mà Không quân Mỹ đề ra”.

Hãng Northrop Grumman cũng đã gửi thư đề nghị tham gia đấu thầu chương trình GBSD. Một trong số những công ty con của Northrop là TRW trước đây đã đóng vai trò rất quan trọng trong dự án Minuteman của Mỹ. Trong khi đó, tập đoàn Lockheed Martin cũng đang bày tỏ mối quan tâm của mình đối với chương trình GBSD.

Không quân Mỹ ước tính rằng chương trình này sẽ có chi phí là 62 tỉ USD, song Lầu Năm Góc tin rằng con số này có thể còn lên đến 85 tỉ USD. Dự án này được công bố trong bối cảnh Không quân Mỹ đang gặp khó khăn trong việc cân bằng chi phí từ các oanh tạc cơ hiện đại B-21 cùng các loại tên lửa hành trình tầm xa mà máy bay này được trang bị.

Không quân Mỹ đã yêu cầu Quốc hội Mỹ cho phép kết hợp quỹ ngân sách của hai dự án này với ngân sách của chương trình phát triển tàu ngầm thay thế lớp Ohio, bởi động thái này sẽ giúp họ có thể điều chỉnh vốn cho các dự án vũ khí hạt nhân trong tương lai.

Việc bảo trì cho các hệ thống trang bị đầu đạn hạt nhân của Mỹ cũng rất tốn kém, song Mỹ vẫn phải chấp nhận khi Nga và Trung Quốc đang trở thành những thế lực quân sự đáng gờm. 

Mỹ đang đảm bảo sở hữu 400 ICBM, 60 máy bay ném bom chiến lược và 240 tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân để có trong tay đúng 700 phương tiện mang vũ khí hạt nhân theo quy định của Hiệp định START mới được ký kết với Nga, sẽ có hiệu lực vào ngày 5/2/2018.

Vũ khí hạt nhân vẫn sẽ đóng vai trò rất quan trọng đối với chính sách an ninh của Mỹ. “Nó là nền tảng an ninh của chúng ta và sau nhiều năm không được đầu tư đúng mức, chúng ta phải sửa sai ngay lập tức để đảm bảo có số lượng vừa đủ vũ khí hạt nhân trong thế kỷ 21”, ông Carter nói.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại