Động thái điều quân được đưa ra không lâu sau khi Mỹ tung thêm bằng chứng tố cáo Iran tấn công tàu dầu tại vịnh Oman, mặc dù quốc gia Hồi giáo này đến nay vẫn phủ nhận có dính líu tới vụ việc.
Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan hôm qua (17/6) tuyên bố sẽ điều hơn 1.000 binh sĩ đến Trung Đông để đối phó với mối đe dọa “trên không, trên biển và trên đất liền” tại khu vực này.
Ông Shanahan vẫn khẳng định Mỹ không muốn gây chiến với Iran, đồng thời lý giải hành động mới nhất của Mỹ chỉ nhằm mục đích đảm bảo sự an toàn cho các lực lượng quân sự Mỹ làm việc trong khu vực cũng như để bảo vệ các lợi ích quốc gia.
Song bước đi này của Mỹ rõ ràng sẽ làm rạn nứt thêm mối quan hệ với Iran vốn đang căng thẳng ở mức cao độ. Chưa kể, Mỹ lại tiếp tục gây sức ép quyết liệt và mạnh mẽ nhằm vào Iran khi Lầu Năm góc hôm qua công bố thêm những hình ảnh mới tố việc tàu của Iran tiếp cận, gỡ mìn chưa phát nổ khỏi một trong hai tàu chở dầu bị tấn công ở vịnh Oman hôm 13/6 vừa qua.
Bất chấp những cáo buộc cùng bằng chứng có vẻ như cụ thể được đưa ra từ phía Mỹ, Iran vẫn một mực cho rằng, đứng đằng sau các cuộc tấn công có thể là các kẻ thù của Iran đang cố gắng vu oan cho nước này, đồng thời kêu gọi đối thoại khu vực.
Hiện ngày càng thấy rõ hơn chính sách gây sức ép tối đa của Mỹ nhằm vào Iran. Giới chức Mỹ thừa nhận vẫn đang cân nhắc nhiều phương án đối phó với cuộc khủng hoảng Iran, trong đó không loại trừ khả năng sử dụng biện pháp quân sự.
Liên tiếp đưa ra những hành động cứng rắn gây sứt mẻ quan hệ, có vẻ như Mỹ vẫn đang muốn Iran nhượng bộ chấp nhận những điều kiện mà nước này đặt ra, cũng như ép quốc gia Trung Đông này ngồi vào bàn đàm phán thỏa thuận hạt nhân mới.
Giới phân tích còn cho rằng, với những động thái công khai làm leo thang mâu thuẫn, Mỹ muốn tranh thủ gia tăng tầm ảnh hưởng của mình cũng như thiết lập trật tự mới tại khu vực Trung Đông. Mặc dù vậy, ngoài miệng Mỹ vẫn liên tục khẳng định rằng không muốn gây chiến với Iran.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo mới đây nhấn mạnh: “Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm mọi thứ để tránh một cuộc chiến. Chúng tôi không muốn chiến tranh xảy ra và chúng tôi đã làm những gì có thể để ngăn chặn viễn cảnh này. Nhưng người dân Iran cũng nên hiểu rõ rằng chúng tôi sẽ tiếp tục có những hành động để ngăn chặn cách Iran hành xử như hiện nay”.
Không chỉ Mỹ, Iran cũng khẳng định không muốn tình hình vượt tầm kiểm soát dẫn tới xung đột quân sự với Mỹ và tuyên bố vẫn để ngỏ cánh cửa đối thoại. Song những hành động thực tế của cả Mỹ và Iran dường như lại đi ngược lại với những tuyên bố có vẻ đầy thiện chí hướng tới xoa dịu căng thẳng giữa hai bên. Bản thân Iran cũng đang từng bước đáp trả chính sách của Mỹ một cách tương đối thận trọng.
Khó có thể dự đoán những diễn biến căng thẳng khó lường trong mối quan hệ Mỹ-Iran hiện tại liệu có thể dẫn tới việc hai bên đối đầu trực tiếp về quân sự hay không. Song rõ ràng, một khi mâu thuẫn bị đẩy lên tới đỉnh điểm thổi bùng thành một cuộc chiến thì rõ ràng hậu quả sẽ là khôn lường, không chỉ tác động tới 2 bên can dự trực tiếp, mà gây biến động lớn cho tình hình chính trị an ninh của khu vực và thế giới./.