Động thái chưa từng có của Mỹ
Mỹ đang chuẩn bị một gói viện trợ quân sự cho Ấn Độ để làm sâu sắc hơn mối quan hệ an ninh và giảm sự phụ thuộc của nước này vào vũ khí Nga, India Times dẫn lời những người am hiểu vấn đề cho biết.
Theo đó, gói tài trợ đang được xem xét sẽ bao gồm khoản tài trợ quân sự nước ngoài lên tới 500 triệu USD, điều này sẽ biến Ấn Độ trở thành một trong những nước nhận viện trợ lớn nhất sau Israel và Ai Cập.
Không rõ khi nào thỏa thuận sẽ được công bố, hoặc những loại vũ khí nào sẽ nằm trong danh sách.
Nỗ lực này là một phần trong sáng kiến tầm cỡ của chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm đề nghị Ấn Độ trở thành đối tác an ninh lâu dài, bất chấp việc nước này đã nhiều lần ủng hộ Nga trong một số vấn đề, theo một quan chức cấp cao của Mỹ.
Quan chức này cho biết thêm, Washington muốn được coi là đối tác đáng tin cậy của Ấn Độ và chính quyền đang làm việc với các quốc gia khác, bao gồm cả Pháp để đảm bảo chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi có trang thiết bị cần thiết.
Quan chức này cho biết, trong lúc Ấn Độ đang đa dạng hóa các nền tảng quân sự, tránh phụ thuộc vào Nga, Mỹ muốn giúp điều đó diễn ra nhanh hơn.
Thách thức lớn vẫn là làm thế nào để cung cấp cho Ấn Độ những nền tảng chính như máy bay chiến đấu, tàu hải quân và xe tăng chiến đấu. Gói tài chính đang được thảo luận sẽ không giúp ích gì nhiều khi những hệ thống này có thể trị giá đến hàng tỷ hoặc hàng chục tỷ USD.
Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã không bình luận gì về thông tin này. Các quan chức tại Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Mỹ ở New Delhi cũng không trả lời câu hỏi.
Ấn Độ là nước mua vũ khí Nga lớn nhất thế giới, mặc dù cả hai đã thu hẹp lại mối quan hệ từ khá lâu. Trong thập kỷ qua, Ấn Độ đã mua hơn 4 tỷ USD trang thiết bị quân sự từ Mỹ và hơn 25 tỷ USD từ Nga, theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, cơ quan thu thập dữ liệu về chuyển giao vũ khí.
Việc Ấn Độ phụ thuộc vào vũ khí Nga để cân bằng với các nước láng giềng Trung Quốc và Pakistan cũng được cho là một phần lý do nước này vẫn ủng hộ Moscow ở một số vấn đề khúc mắc với phương Tây.
Phụ thuộc vào Nga
Trong khi Mỹ và các đồng minh ban đầu tỏ ra thất vọng với Ấn Độ, các nước bắt đầu tìm cách thu hút chính quyền của Thủ tướng Modi trong vai trò đối tác an ninh quan trọng - bao gồm cả việc xây dựng mặt trận đối đầu với Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Modi chuẩn bị tham gia hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Biden vào tuần tới tại Hàn Quốc. Cuộc họp sẽ bao gồm các nhà lãnh đạo của nhóm Bộ tứ, mối quan hệ đối tác giữa Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Australia .
Ông Modi cũng nhận được lời mời tham gia Nhóm G7 ở Đức vào tháng tới
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã nêu quan điểm về Trung Quốc trong cuộc họp báo hồi tháng 4 với Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Rajnath Singh và Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar.
Ông Austin cho biết: "Chúng tôi đang làm tất cả những điều này vì Mỹ ủng hộ Ấn Độ với tư cách là nhà lãnh đạo công nghiệp quốc phòng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và là nhà cung cấp mạng lưới an ninh trong khu vực.
"Và tất cả chúng tôi đều hiểu những thách thức phải đối mặt ở đó".
Liên kết giữa Mỹ và Ấn Độ đã tăng dần trong hai thập kỷ qua, với việc hai bên đạt được các thỏa thuận cho phép tăng khả năng tương tác giữa các nền tảng quân sự đôi bên.
Việc ủng hộ Ấn Độ là một điểm hiếm hoi có sự thống nhất lưỡng đảng ở Washington và chính quyền Biden đã ra hiệu rằng họ không quan tâm đến việc trừng phạt New Delhi vì quyết định mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 từ Nga gần đây.
Trước đó, việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống này đã làm tổn hại sâu sắc đến mối quan hệ của Mỹ với đồng minh NATO.
Tuy nhiên, vẫn còn phải xem Ấn Độ sẽ đi bao xa trong việc chấp nhận hỗ trợ quân sự của Mỹ. Trước đây, Nga đã cung cấp phần lớn khí tài quân sự cho Ấn Độ, bao gồm máy bay chiến đấu và tên lửa, cũng như hầu hết các loại xe tăng và máy bay trực thăng của nước này.
Theo những người am hiểu tình hình, chính phủ Modi đã nói với Mỹ rằng các giải pháp để thay thế hoàn toàn nhập khẩu vũ khí Nga là quá đắt đỏ.