Mỹ quyết định không bắn hạ tên lửa Triều Tiên ư? Hãy nói trắng ra là "Không thể!"

Linh Lâm |

Theo nhà phân tích Joe Cirincione, đã đến lúc các nhà cầm quyền Mỹ nói thật về hệ thống phòng thủ tên lửa của mình.

Trong bài viết trên tờ Defense One, nhà phân tích Joe Cirincione cho rằng, lý do số 1 khiến Mỹ không bắn hạ tên lửa Triều Tiên chính là vì "KHÔNG THỂ".

Các hệ thống phòng thủ Mỹ-Nhật bất lực

Giới chức của các bên liên quan thường trấn an công chúng về khả năng phòng thủ trước tên lửa Triều Tiên, như Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga tuyên bố sau cuộc thử nghiệm tên lửa của Bình Nhưỡng vào tuần trước: "Chúng tôi không đánh chặn tên lửa do không có mối đe dọa về thiệt hại đối với lãnh thổ Nhật Bản".

Triều Tiên tung video phóng tên lửa ngang qua Nhật Bản hôm 15/9

Theo ông Cirincione, tuyên bố này chỉ có một nửa là thật. Tên lửa Triều Tiên đã không gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nhật Bản. Nó "bay qua" đảo Hokkaido của Nhật Bản và rơi xuống khu vực cách vị trí phóng (gần thủ đô Bình Nhưỡng) 3.700km.

Từ khóa ở đây là "bay qua". Tại điểm cao nhất trong hành trình bay qua Nhật Bản, tên lửa Triều Tiên đã đạt độ cao 770km. Cả Mỹ và Nhật Bản đều không thể bắn hạ tên lửa này, bởi không hệ thống phòng thủ nào của họ hiện nay có thể đạt tới độ cao ấy.

Độ cao 770km là quá cao đối với hệ thống đánh chặn Aegis triển khai trên các tàu chiến ngoài khơi Nhật Bản, và cả hệ thống THAAD mà Mỹ triển khai tại Hàn Quốc, Guam. Đó là chưa kể tới các hệ thống phòng thủ Patriot tại Nhật Bản.

Về cơ bản, tất cả những hệ thống này đều được thiết kế để đánh chặn tên lửa ở giai đoạn cuối, khi tên lửa đang lao xuống theo hướng thẳng hoặc chệch đi một chút so với hệ thống phòng thủ.

Mỹ quyết định không bắn hạ tên lửa Triều Tiên ư? Hãy nói trắng ra là Không thể! - Ảnh 2.

Mô phỏng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD (cắt từ You Tube)

Hệ thống Patriot chỉ có thể bảo vệ một diện tích tương đối nhỏ như cảng hoặc căn cứ không quân, trong khi THAAD có thể bao phủ phạm vi rộng lớn hơn, còn hệ thống tiên tiến Aegis, về mặt lý thuyết, có thể phòng thủ một khu vực rộng tới hàng nghìn km2.

Nhưng liệu có thể đánh chặn tên lửa Triều Tiên trước khi nó đạt đến độ cao đó hay không? Theo ông Cirincione, câu trả lời là "gần như không có cơ hội" đánh chặn tên lửa Triều Tiên khi nó đang phóng lên cao, trừ phi có một tàu Aegis được triển khai rất gần với địa điểm mà Bình Nhưỡng tiến hành vụ phóng, có thể là trong vùng biển của Triều Tiên.

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp đó, tên lửa đánh chặn vẫn phải truy đuổi tên lửa Triều Tiên, đây là một cuộc đua mà nó không chắc giành phần thắng. Trong thời gian cảnh báo chỉ từ 1-2 phút, cơ hội đánh chặn thành công gần như bằng 0.

"Khi vọt qua Nhật Bản, tên lửa Triều Tiên đã bay quá cao, ngoài tầm đánh chặn" - ông Jonathan McDowell, chuyên gia tại Trung tâm Vật lý thiên văn Smithsonia Harvard, viết trên twitter - "Phải bố trí Aegis ngay ngoài khơi Triều Tiên thì mới có cơ hội".

"Gần như không thể bắn hạ một tên lửa đang bay lên cao" – Gerry Doylem, phó biên tập mảng châu Á của tờ New York Times nói thêm – "Chỉ có thể bắn hạ tên lửa ở giai đoạn giữa hoặc giai đoạn cuối".

Mỹ quyết định không bắn hạ tên lửa Triều Tiên ư? Hãy nói trắng ra là Không thể! - Ảnh 3.

Ông Kim Jong-un cùng tướng lĩnh Triều Tiên hân hoan sau khi thực hiện thành công vụ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 15/9, được cho là Hwasong-12. Ảnh: AP

Điều đó có nghĩa nếu tên lửa hướng về đảo Guam thì THAAD sẽ có cơ hội đánh chặn, mặc dù hệ thống này mới chỉ có một lần thử nghiệm đánh chặn tên lửa tầm xa như vậy.

Đối với các vụ thử nghiệm tên lửa bay qua Nhật Bản thì cơ hội đánh chặn duy nhất là ở phía đông Nhật Bản, khi tên lửa đang hạ độ cao xuống.

Tuy nhiên, Mỹ sẽ gặp những khó khăn khổng lồ về hậu cần nếu muốn bố trí các tàu tuần dương và tàu khu trục Aegis tại khu vực này để trực chờ sẵn vụ phóng tên lửa của Triều Tiên (mà không chắc có được tiến hành hay không).

Việc triển khai tên lửa đánh chặn từ các tàu Aegis cũng sẽ là "một nhiệm vụ đòi hỏi cao và phải phỏng đoán rất nhiều, do những con tàu này phải được bố trí đúng vị trí, đúng thời điểm mới có thể ngăn chặn vụ phóng" – chuyên gia Kingston Reif tại Hiệp hội kiểm soát vũ khí nhận định.

Tất nhiên, đó là nếu những hệ thống này hoạt động hiệu quả như quảng cáo, bởi trên thực tế, chúng chưa hề được thử nghiệm trong điều kiện căng thẳng của thực chiến.

THAAD, Patriot và đặc biệt là Aegis đã thể hiện khá tốt trong các cuộc thử nghiệm, tuy nhiên, đây là những thử nghiệm đã được lên kế hoạch tỉ mỉ, được đơn giản hóa và phần lớn sử dụng tên lửa tầm ngắn.

Ông Reif cho biết, hệ thống Aegis mới chỉ có một lần thử nghiệm đánh chặn mục tiêu tầm trung.

Trông chờ gì vào GMD?

Vậy còn hệ thống phòng thủ GMD (Ground-Based Midcourse Defense) mà Mỹ bố trí ở Alaska và California thì sao?

Kết quả thử nghiệm thậm chí còn tệ hại hơn, ngay cả trong điều kiện lý tưởng, tức là kíp vận hành biết được thời gian, hướng bay, quỹ đạo của tên lửa mục tiêu, cũng như thông tin chi tiết về hình dạng của nó, nhiệt độ môi trường…

"Tỷ lệ thành công của hệ thống GMD trong các cuộc thử nghiệm đánh chặn rất tệ" – ông Philip Coyle, cựu giám đốc thử nghiệm hoạt động của Lầu Năm Góc cho hay.

"Cơ hội để chúng tôi đánh chặn tên lửa, ngay cả trong điều kiện lý tưởng nhất, chỉ may rủi như tung đồng xu" – trung tướng Trey Obering, cựu giám đốc cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ thừa nhận.

Mỹ quyết định không bắn hạ tên lửa Triều Tiên ư? Hãy nói trắng ra là Không thể! - Ảnh 4.

Thử nghiệm hệ thống phòng thủ GMD. Nguồn: Boeing

Ấy vậy mà, theo nhà phân tích Cirincione, cánh truyền thông khi đưa tin lại thường dùng những từ ngữ hoành tráng như "lá chắn thép" hay "vòm sắt" để mô tả khả năng phòng thủ của Mỹ, tạo ra một ấn tượng sai lầm về năng lực an ninh.

Các quan chức Mỹ lại đẩy mọi chuyện đi xa hơn nữa khi cứ mạnh miệng tuyên bố rằng "quân đội Mỹ có thể chống lại một cuộc tấn công hạn chế của Triều Tiên nhằm vào Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ", như Tướng Joseph Dunford – Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ đã tuyên bố tại Diễn đàn an ninh Aspen hồi tháng Bảy năm nay.

Tuyên bố này có đúng hay không? Điều đó còn phụ thuộc quan điểm của từng người về từ "hạn chế".

Nếu Triều Tiên "hợp tác" và cảnh báo cho Mỹ trước khi phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Hwasong-14 để Washington có đủ thời gian chuẩn bị, nếu đầu đạn tên lửa này di chuyển theo đúng hướng mà Mỹ dự kiến, nếu Triều Tiên chỉ phóng 1 tên lửa và không tìm cách đánh lừa hệ thống phòng thủ bằng các loại mồi bẫy, hay gây nhiễu chúng… thì có lẽ điều này đúng.

Trong trường hợp đó, Mỹ sẽ có cơ hội 50-50 đánh chặn tên lửa Triều Tiên.

Tuy nhiên, khả năng Bình Nhưỡng chịu hợp tác là vô cùng thấp. Thay vào đó, họ sẽ làm mọi cách để áp chế các hệ thống phòng thủ của Mỹ.

Bản đánh giá tình báo về mối đe dọa tên lửa đạn đạo đối với Mỹ năm 1999 đã lưu ý rằng:

Bất cứ quốc gia nào đủ khả năng thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa sẽ đều "phụ thuộc vào các công nghệ sẵn có trong giai đoạn đầu – bao gồm công nghệ phân tách, tái định hướng đầu đạn, vật liệu hấp thụ radar, gây nhiễu thấp, các loại mồi bẫy đơn giản… để phát triển các phương thức hỗ trợ xâm nhập và đối phó (hệ thống phòng thủ của đối phương)".

Trong khi ấy, các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ chưa từng được thử nghiệm thực tế để ứng biến với các biện pháp đối phó đơn giản này.

Đây là một trong những lý do khiến giám đốc đương nhiệm phụ trách thử nghiệm hoạt động của Lầu Năm Góc thận trọng hơn trong các đánh giá của mình.

"GMD đã cho thấy năng lực hạn chế trong việc phòng thủ lục địa Mỹ trước một số lượng nhỏ các tên lửa đạn đạo tầm trung đơn giản hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa của Triều Tiên/Iran.

Mức độ tin cậy và sẵn sàng của các tên lửa đánh chặn trên bộ rất thấp, cơ quan phòng thủ tên lửa (MDA) vẫn tiếp tục phát hiện được những vấn đề mới trong quá trình thử nghiệm" – ông nói.

Đã đến lúc Mỹ đối diện sự thật

Mỹ đã rót 40 tỷ USD cho hệ thống GMD và hơn 320 tỷ USD cho nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa khác trong vài thập kỷ qua.

Ông Cirincione cho rằng, đã đến lúc Mỹ cần phải xác định chính xác xem những cuộc thử nghiệm này để làm gì: Để mang lại cho binh sĩ sự bảo vệ mà họ cần hay để mang lại cho các nhà thầu quốc phòng một khoản thù lao mới?

Vị chuyên gia kêu gọi Mỹ hãy ngừng những cuộc thử nghiệm chỉ để ghi thành tích, thay vào đó, hãy bắt đầu tiến hành thử nghiệm khả năng thật sự, như thử nghiệm "quân xanh – quân đỏ" (một bên mô phỏng lực lượng đối địch).

Ngoài ra, Mỹ có thể yêu cầu tiến hành đánh giá khoa học khách quan. Chẳng hạn, Hiệp hội vật lý Mỹ từng thực hiện một cuộc kiểm tra xuyên suốt tính khả thi và hiệu quả hoạt động của các loại vũ khí phòng thủ sử dụng động năng, hay cuộc khảo sát các loại vũ khí năng lượng định hướng vào năm 1987.

Nghiên cứu này đã bóc trần những tuyên bố sai sự thật về các loại vũ khí trên (vốn là nền tảng ban đầu cho chương trình Star War do cố Tổng thống Reagan khởi xướng) và kết luận rằng phải mất nhiều thập kỷ nữa mới biết được chúng có khả thi hay không.

Theo ông Cirincione, cần nhấn mạnh lại rằng, mối đe dọa tên lửa đạn đạo từ Triều Tiên là có thật và người Mỹ cần biết rằng các hệ thống phòng thủ tên lửa của họ có năng lực thật hay không.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại