Mỹ “quay lưng” với Israel

HUỆ BÌNH |

Israel nóng lòng làm việc với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sau khi chỉ trích chính quyền ông Obama

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 23-12 chỉ trích chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Barack Obama vì không phủ quyết nghị quyết được đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (HĐBA LHQ), theo đó yêu cầu nước này chấm dứt hoạt động xây khu định cư trên vùng lãnh thổ chiếm đóng của Palestine.

Động thái bất ngờ

Nghị quyết được thông qua sau khi Mỹ bỏ phiếu trắng còn 14 thành viên còn lại của HĐBA bỏ phiếu thuận. Đây là nghị quyết đầu tiên về Israel và Palestine được HĐBA thông qua trong gần 8 năm. Kết quả này gây không ít bất ngờ bởi Mỹ lâu nay vẫn ra sức bảo vệ đồng minh Israel trước làn sóng chỉ trích tại LHQ.

Không có gì khó hiểu khi văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu ra tuyên bố cứng rắn: “Israel bác bỏ nghị quyết đáng xấu hổ nhằm chống Israel của LHQ và sẽ không tuân thủ các điều khoản trong nghị quyết”.

Tuyên bố cũng chỉ trích chính quyền ông Obama không chỉ không bảo vệ Israel mà còn “thông đồng” với LHQ trong việc đưa nghị quyết ra bỏ phiếu.

Trái lại, người phát ngôn của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho rằng bước đi trên là đòn giáng vào chính sách của Israel, cũng như cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ với giải pháp hai nhà nước.

Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon hoan nghênh nghị quyết nói trên trong khi Đại sứ Nga tại LHQ Vitaly Churkin kêu gọi Israel “tôn trọng luật pháp quốc tế”.

Giải thích lý do Mỹ không dùng quyền phủ quyết, Đại sứ nước này tại LHQ Samantha Power cho biết nghị quyết này phản ánh thực tế rằng việc Israel đẩy nhanh hoạt động xây nhà định cư trên lãnh thổ chiếm đóng của Palestine đe dọa giải pháp hai nhà nước, khiến hai bên ngày càng đối địch và khó có thể chung sống hòa bình.

“Kết quả bỏ phiếu này không hề ảnh hưởng đến chính sách kiên định của Mỹ đối với an ninh của Israel” - bà Power trấn an chính quyền ông Netanyahu.

Nghị quyết trên ban đầu được Ai Cập soạn thảo và đệ trình nhưng bị rút lại sau khi Israel yêu cầu Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump can thiệp.

Dù vậy, New Zealand, Malaysia, Venezuela và Senegal sau đó vẫn tiếp tục đưa nghị quyết ra bỏ phiếu.

Ngoài chỉ trích Mỹ, ông Netanyahu còn cho triệu hồi các đại sứ Israel tại New Zealand và Senegal về nước để tham vấn. Ông cũng hủy chuyến thăm đã được lên kế hoạch trước tới Israel của Bộ trưởng Ngoại giao Senegal và mọi chương trình viện trợ cho Senegal.

Kỳ vọng vào ông Trump

Trái với lập trường của ông Obama, người sắp kế nhiệm ông lại ra mặt ủng hộ đồng minh lâu đời tại Trung Đông ngay cả khi chưa chính thức lên nắm quyền.

“Với LHQ, mọi chuyện sẽ khác đi sau ngày 20-1” - ông Trump viết trên trang Twitter sau cuộc bỏ phiếu.

Đáp lại, ông Ben Rhodes, phó cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, nhắc mọi người nhớ rằng ông Obama hiện vẫn là tổng thống và ông Trump nên đợi đến sau ngày nhậm chức để theo đuổi những chính sách của mình.

Nỗi lo lúc này là tình hình Trung Đông có thể thêm nóng sau khi ông Trump vào Nhà Trắng. Người ta chờ xem ông có hiện thực hóa tuyên bố sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv đến Jerusalem hay không.

Nhiều người lo ngại một hành động như thế có thể chọc giận người Palestine nói riêng và dư luận Ả Rập nói chung, đe dọa khiến bạo lực bùng phát và làm Mỹ mất đi vai trò làm trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine trong tương lai.

Một kịch bản xấu như thế ít nhiều làm xao lãng những ưu tiên khác của ông Trump, cũng như gây thêm rạn nứt trong quan hệ với một số đồng minh châu Âu

Không quá bận tâm về những nguy cơ nói trên, văn phòng ông Netanyahu nhanh chóng bày tỏ mong muốn sớm làm việc với chính quyền sắp tới ở Washington và những nghị sĩ thân Israel tại quốc hội Mỹ để giảm nhẹ “những ảnh hưởng có hại” mà nghị quyết trên gây ra.

Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon cũng hy vọng chính quyền mới của ông Trump và Tổng Thư ký LHQ mới, cựu Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Guterres, sẽ mở ra một kỷ nguyên mới trong mối quan hệ với Israel.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại