Mỹ phóng tên lửa có thể tiêu diệt bất cứ tàu chiến nào của Trung Quốc trên Biển Đông

Anh Tú |

Các tàu tác chiến duyên hải (LCS) trang bị tên lửa tấn công hải quân (NSM) sẽ cho phép Hải quân Mỹ đối đầu trực diện với Trung Quốc ở bất cứ vùng biển nào trên Biển Đông.

Ngày 1/10/2019, trong cuộc tập trận 2 năm một lần có tên gọi Pacific Griffin tổ chức ở gần đảo Guam, tàu tác chiến duyên hải (LCS) USS Gabrielle Giffords của Hải quân Mỹ đã phóng tên lửa tấn công hải quân (NSM), đánh dấu lần đầu tiên loại tên lửa NSM này được khai hỏa ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Theo kịch bản của cuộc tập trận, cùng với hỏa lực bổ sung từ các lực lượng Mỹ và Singapore, NSM đã đánh chìm tàu ​​khu trục mục tiêu USS Ford đã ngừng hoạt động trên biển Philippines.

Đảm trách sứ mệnh này cùng với Gabrielle Giffords còn có các máy bay trực thăng, tàu chiến và tàu ngầm Hải quân Mỹ và các tàu hải quân Singapore.

"LCS đã giáng một cú đánh mạnh mẽ và đây chính là thông điệp buộc các đối thủ tiềm ẩn của chúng ta phải cảnh giác," Chuẩn đô đốc Joey Tynch cho biết. "Chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn khi phối hợp cùng bạn bè và đối tác của mình. LCS là sự bổ sung quan trọng cho đội hình này."

Mỹ phóng tên lửa có thể tiêu diệt bất cứ tàu chiến nào của Trung Quốc trên Biển Đông - Ảnh 1.

Tên lửa tấn công hải quân (NSM) do Raytheon chế tạo. Ảnh: US Navy

Do Raytheon chế tạo, NSM là dòng tên lửa tàng hình tầm xa có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 100 hải lý. Tên lửa hoạt động ở trần bay thấp, bay bám sát địa hình và có thể trốn tránh các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Đây là lần đầu tiên một tên lửa NSM được Hải quân Mỹ triển khai đến khu vực tác chiến của Hạm đội 7 và Gabrielle Giffords cũng là tàu tác chiến duyên hải đầu tiên trang bị NSM.

Theo CNN, tới đây toàn bộ hạm đội tàu tác chiến duyên hải (LCS) của Hải quân Mỹ sẽ được triển khai tên lửa NSM. Các tàu chiến LCS và tên lửa NSM sẽ cho phép Hải quân Mỹ đối đầu trực diện với Trung Quốc trên Biển Đông.

"Với NSM, bạn có thể tấn công hầu hết các khu vực ở Biển Đông", Bryan Clark, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm Đánh giá Ngân sách và Chiến lược bình luận.

Nếu so với DF-21, loại tên lửa vẫn được ví như "sát thủ tàu sân bay" của Trung Quốc thì NSM có tầm bắn ngắn hơn nhưng lại có khả năng tấn công chính xác tốt hơn. Vì vậy, tên lửa có thể tấn công và tiêu diệt tàu địch ngay lập tức thay vì chỉ làm hư hỏng như DF-21.

Các tàu tác chiến duyên hải của Mỹ có thể mang theo trực thăng MH-60R/S Seahawk, máy bay không người lái (UAV) cũng như pháo Mark 110 57 mm và súng máy cỡ nòng .50 caliber. Nhiều tàu LCS được trang bị tên lửa Harpoon nhưng tầm tấn công của chúng không xa bằng NSM.

Theo Hải quân Mỹ, LCS được thiết kế để hoạt động ở cả những vùng biển khơi gần bờ và trong vùng duyên hải. Chúng thường được sử dụng cho các sứ mệnh tác chiến kháng mìn, chống tàu ngầm và tác chiến mặt nước nhưng cũng có khả năng thực hiện thêm nhiều nhiệm vụ khác nữa.

Tàu tác chiến duyên hải USS Gabrielle Giffords (LCS 10) phóng tên lửa NSM trong cuộc tập trận Pacific Griffin

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại