Mỹ phát triển tàu ngầm “sát thủ” nguy hiểm chưa từng thấy

Trung Phạm |

Trong trường hợp phải đối diện với một mối đe dọa hiện hữu, chỉ cần vài chiếc SSBN của Mỹ cũng đủ “dội mưa bom hạt nhân” xuống thành phố hoặc căn cứ quân sự của quốc gia đối thủ.

Tháng 9/2017, Tập đoàn đóng tàu Electric Boat nhận được hợp đồng trị giá 5 tỷ USD để xúc tiến giai đoạn thiết kế các tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo hạt nhân (SSBN) thế hệ kế tiếp cho Hải quân Mỹ.

Dự kiến, hàng chục tàu SSBN lớp Columbia sẽ bắt đầu thay thế cho 14 chiếc lớp Ohio hiện vẫn đang giữ vai trò như hệ thống vũ khí đáng gờm nhất trong kho vũ khí của Mỹ.

Thực vậy, trong trường hợp Mỹ phải đối diện với một mối đe dọa hiện hữu, chẳng hạn như một vụ tấn công hạt nhân, thì chỉ cần vài chiếc SSBN cũng đủ "dội mưa bom hạt nhân" xuống mỗi thành phố hoặc căn cứ quân sự của quốc gia đối thủ.

Điều này là bởi vì mỗi chiếc SSBN có thể mang theo hơn một chục quả tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) có thể phóng lên khỏi mặt nước tấn công các mục tiêu trên khắp hành tinh.

Trong quá trình bay, các tên lửa Trident phóng lên từ tàu ngầm lớp Columbia mới sẽ tách ra thành các đầu đạn phân hướng độc lập (MIRV) có thể tấn công từng mục tiêu riêng rẽ.

Với vai trò răn đe hạt nhân, tàu ngầm giữ vị thế như chiếc chân kiềng đáng tin cậy nhất trong trụ cột bộ 3 hạt nhân của Mỹ. Bởi vì, nếu một đối thủ có thể làm tê liệt các máy bay ném bom vũ trang hạt nhân và các hầm ngầm tên lửa đặt trên đất liền bằng một đòn tấn công bất ngờ đầu tiên, họ cũng không thể nào định vị được tất cả các SSBN của Mỹ nằm rải rác khắp toàn cầu, chạy êm ru ở sâu dưới lòng biển nhiều tháng trời mà không cần nhô lên khỏi mặt nước.

Hải quân Mỹ thậm chí còn duy trì một phi đội máy bay được giao nhiệm vụ đặc biệt là chuyển tải các mã phóng hạt nhân xuống cho các tàu ngầm thông qua sóng vô tuyến tần số thấp ngay cả trong tình huống khẩn cấn.

Các tàu ngầm lớp Ohio hiện tại thực hiện tốt vai trò như những hầm tên lửa hạt nhân cơ động và có mức độ tàng hình cao. Được chế tạo với khả năng phóng 24 quả SLBM, loại tàu ngầm này tỏ ra là lớp tàu ngầm được vũ trang ‘khủng" nhất mà Mỹ từng chế tạo.

Do công thức cơ bản về một tàu ngầm tên lửa đạn đạo hiện đã được thiết lập, các tàu SSBN lớp Columbia sẽ tiếp tục đảm trách sứ mệnh này hiệu quả hơn và thậm chí còn âm thầm theo đuổi ứng dụng những tiến bộ mới nhất trong tác chiến chống ngầm.

Số lượng tên lửa đạn đạo trang bị cho Columbia sẽ giảm từ 24 xuống còn 16 chiếc. Nhưng đây thực tế không phải là con số cắt giảm quá lớn vì theo các điều khoảng của Hiệp ước START, số các ống phóng tên lửa hoạt động trên tàu ngầm lớp Ohio cũng đã giảm xuống còn 12 và mỗi tên lửa cũng mang ít đầu đạn hơn.

Những chiếc tàu ngầm lớp Columbia mới sẽ vẫn duy trì số thủ thủy đoàn (155 sĩ quan và thủy thủ), chiều dài (170 m) và chiều rộng lớn nhất (tăng từ 42 feet lên 43 feet) như tàu ngầm lớp Ohio và lượng choán nước nhiều hơn khoảng 11%, ở mức 20.815 tấn khi lặn.

Không gian tiết kiệm được từ việc bố trí số tên lửa ít hơn nhiều khả năng sẽ dành cho việc lắp đặt thêm các thiết bị tàng hình chủ động trong tương lai, mặc dù Hải Quân Mỹ vẫn rất kín tiếng về việc sẽ dùng loại nào.

Thiết kế của các tàu lớp Columbia sẽ dựa chủ yếu theo mẫu tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia, hiện đang trở thành xương sống của lực lượng tàu ngầm hạt nhân Hải quân Mỹ. Các tàu SSBN lớp Columbia sẽ ứng dụng nhiều hệ thống trang bị cho lớp Virginia như hệ thống đẩy phản lực dòng nước pump-jet, lò phản ứng hạt nhân S9G, sonar kéo khẩu độ lớn…

Mỹ phát triển tàu ngầm “chết người” chưa từng thấy, hàng triệu người có thể thiệt mạng - Ảnh 1.

Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Virginia của Mỹ. Ảnh: Naval Technology

Không giống như các tàu ngầm hạt nhân Mỹ thế hệ trước, trong suốt vòng đời hoạt động, các tàu Columbia sẽ không cần tới việc tái tiếp nhiên liệu hạt nhân giữa chừng với chi phí đắt đỏ và cực kỳ tốn thời gian.

Một hạng mục mới nữa là động cơ điện. Hiện nay, các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân sử dụng bộ giảm tốc để giảm tốc độ quay của các turbine xuống số lượng vòng quay/phút phù hợp với hệ thống đẩy tàu ngầm. Thay vào đó, hệ thống của Columbia sẽ sử dụng turbine hơi nước để phát điện giúp trục truyền động chạy êm hơn, ngoài ra còn cung cấp năng lượng cho các bộ phận khác của tàu.

Lớp tàu ngầm hạt nhân mới của Hải quân Mỹ cũng sẽ nổi bật với đuôi hình chữ X, giúp mang lại khả năng cơ động tối ưu và cải thiện khả năng tàng hình sóng âm.

Công việc đóng tàu Columbia dự kiến sẽ bắt đầu thực hiện vào năm 2021 nhưng sẽ chưa được đưa vào hoạt động cho tới năm 2031.

Trong giai đoạn từ 2030 đến 2040, Hải quân Mỹ dự kiến sẽ mua 12 chiếc SSBN lớp Columbia để thay thế cho 14 chiếc SSBN lớp Ohio hiện tại. Mỗi chiếc tàu ngầm mới dự kiến sẽ có vòng đời phục vụ 42 năm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại