Đài RT dẫn lời Bộ Quốc phòng Nga ngày 24-11 cho biết tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain của Mỹ đã đi hơn 2 km vào vùng biển của Nga, ngoài khơi TP Vladivostok thuộc vùng Viễn Đông sáng cùng ngày.
Theo Moscow, tàu USS John S. McCain bị tàu khu trục Đô đốc Vinogradov lớp Udaloy cảnh báo do "hoạt động trái phép trong lãnh hải Nga ở vùng biển Nhật Bản". Thủy thủ đoàn tàu Đô đốc Vinogradov đã yêu cầu tàu USS John S. McCain "tránh xa khu vực và đe dọa đâm tàu nếu cần thiết".
Sau khi nhận được cảnh báo, tàu USS John S. McCain "lập tức quay trở lại vùng biển trung lập", theo Bộ Quốc phòng Nga.
Hải quân Mỹ cho rằng tuyên bố của Nga về trường hợp kể trên là sai sự thật và khẳng định: "Nhiệm vụ của tàu USS John S. McCain diễn ra tại vùng biển quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế. Nhiệm vụ này nhằm bảo vệ quyền, sự tự do và sử dụng lãnh hải một cách hợp pháp".
Mỹ cũng nhắc lại rằng Vịnh Peter Đại đế, nơi tàu USS John S. McCain hoạt động, bị Liên Xô cũ "tuyên bố chủ quyền một cách không chính đáng vào năm 1984".
Đây không phải lần đầu tiên tàu USS John S. McCain dính vào sự cố trên biển. Vào năm 2017, 10 thủy thủ Mỹ thiệt mạng sau khi tàu này va chạm với một tàu chở dầu mang cờ Liberia, khiến nó phải ngừng hoạt động cho đến tháng 10-2019. Nguyên nhân sau đó được xác định là "hệ thống màn hình cảm ứng quá phức tạp cũng như thủy thủ đoàn tàu USS John S. McCain chưa được đào tạo đầy đủ".
Reuters bình luận những sự cố như vậy hiếm khi xảy ra nhưng cho thấy mối quan hệ ngoại giao và quân sự không ổn định giữa Nga và Mỹ, hai nước có quan hệ bị suy yếu thời hậu chiến tranh lạnh.