Chiến đấu cơ J-16 của quân đội Trung Quốc. (Ảnh: Business Insider)
Tờ Japan Times hôm nay (16/6) đưa tin, phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Supple đã đưa ra lời cảnh báo sau sự việc 28 máy bay quân sự Trung Quốc xuất hiện trong vùng nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Theo ông Supple, những hành động như vậy chỉ làm tăng nguy cơ “gây hiểu nhầm”.
Một số nhà quan sát nghi ngờ chuyến bay này có thể là phản ứng của Trung Quốc sau tuyên bố của G7 về Đài Loan. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, đây là phản ứng của Trung Quốc sau khi nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan của hải quân Mỹ thực hiện tuần tra trên Biển Đông.
“Cam kết của Mỹ với Đài Loan là cứng rắn và đóng góp vào sự duy trì nền hòa bình, cũng như ổn định ở eo biển Đài Loan và trong khu vực. Mỹ sẽ tiếp tục thắt chặt các mối quan hệ an ninh phi chính thức để hỗ trợ Đài Loan đảm bảo năng lực phòng thủ cần thiết”, ông Supple nói thêm.
Các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc gần Đài Loan đang gây bất ổn và làm gia tăng nguy cơ gây hiểu lầm”, ông Supple nhấn mạnh.
Trước đó, chính quyền Đài Loan thông báo 28 máy bay Trung Quốc bao gồm các chiến đấu cơ và máy bay ném bom hạt nhân đã tiến vào ADIZ. Đây là lần xâm nhập với số lượng máy bay quân sự kỷ lục từ phía Trung Quốc.
Trong tuyên bố đăng trên trang web của Cơ quan Quốc phòng Đài Loan, dàn máy bay quân sự Trung Quốc bị tình nghi xâm phạm ADIZ của Đài Loan có 14 chiến đấu cơ J-16, 6 J-11 cùng máy bay chống ngầm và các máy bay ném bom hạt nhân.
Trong những tháng gần đây, Đài Loan liên tiếp ghi nhận sự xuất hiện của các máy bay quân sự Trung Quốc như sự việc 25 máy bay Trung Quốc tiến vào ADIZ hồi tháng Tư. Trước đó vài ngày 10 chiến đấu cơ Trung Quốc cũng đã có mặt trong vùng phòng không của Đài Loan.
Về phần mình, Trung Quốc phủ nhận cáo buộc từ phía Đài Loan. Mới đây, các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 ở Anh đã đưa ra tuyên bố chung “kêu gọi Trung Quốc tôn trọng vấn đề nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”.
Tuyên bố hôm 13/6 của G7 được cho là ám chỉ trực tiếp tới những hành động hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông và Đài Loan. Ngoài ra, G7 còn nhấn mạnh tầm quan trọng của nền hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan.
Sau đó, Trung Quốc nhấn mạnh nước này “vô cùng thất vọng” về tuyên bố của G7. Bắc Kinh còn cho rằng, tuyên bố của G7 “vi phạm nghiêm trọng những quy tắc cơ bản trong các mối quan hệ quốc tế”. Trung Quốc khẳng định các hành động của nước này nhằm “bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của quốc gia”.
Hồi đầu tháng Sáu, Mỹ - Trung đã xảy ra khẩu chiến liên quan tới chuyến thăm tới Đài Loan của 3 Thượng nghị sĩ Mỹ trên máy bay quân sự.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc miêu tả chuyến thăm kéo dài 3 tiếng đồng hồ của 3 quan chức Mỹ là “trò chính trị và khiêu khích chính trị hèn hạ”.
Hôm 15/6, phát biểu tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ sau vài giờ 28 máy bay quân sự Trung Quốc xuất hiện trong ADIZ của Đài Loan, ông Daniel Kritenbrink, ứng viên cho vị trí nhà ngoại giao đứng đầu phụ trách khu vực Đông Á, nhấn mạnh Washington nên phát triển mối quan hệ với Đài Loan trong mọi lĩnh vực.
Sau đó phát ngôn viên đại sứ quán Trung Quốc là ông Liu Pengyu nói rằng Washington nên “dừng nâng cấp mối quan hệ với Đài Loan để tránh gây tổn hại nghiêm trọng tới các mối quan hệ Mỹ - Trung, cũng như nền hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan”.
Lâu nay, Trung Quốc chỉ xem Đài Loan là một tỉnh ly khai và nhiều lần khẳng định Đài Loan là “vấn đề nhạy cảm và quan trọng nhất trong mối quan hệ Mỹ - Trung”.
Dù Washington và Đài Bắc không thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức, nhưng Mỹ hiện là quốc gia ủng hộ mạnh mẽ nhất đối với Đài Loan trên trường quốc tế và còn là nhà cung cấp vũ khí chính cho Đài Loan.