Thổ Nhĩ Kỳ tự cung tự cấp cho chiến dịch Syria
Một số đồng minh NATO đã đình chỉ bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ như một động thái trả đũa chiến dịch quân sự của nước này ở Syria. Tuy nhiên, các nhà phân tích đang đánh giá thấp lệnh cấm vận, nói rằng động thái như vậy sẽ không mang lại hiệu quả.
Một số quốc gia, bao gồm Pháp, Thụy Điển, Cộng hòa Séc, Na Uy, Hà Lan, Phần Lan, Tây Ban Nha và Đức, đã áp đặt các lệnh cấm vận vũ khí chống lại Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ sau khi quân đội nước này tiến vào Syria để tấn công dân quân người Kurd.
Chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố các lệnh trừng phạt của riêng mình đối với Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu tháng này về cuộc tấn công ở Syria. Thậm chí Tổng thống Donald Trump còn đe dọa sẽ xóa sổ nền kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ nếu có bất kỳ hành động nào mà ông coi là vượt quá giới hạn.
Về phần mình, giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không cảm thấy quá lo lắng về điều này.
"Nhập khẩu vũ khí của chúng tôi từ những quốc gia đó đã bị hạn chế. Nhưng họ không độc quyền bất kỳ vũ khí nào và chúng tôi có thể dễ dàng mua từ các nhà cung cấp khác", một nhà ngoại giao cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ nói với Defense News. "Các nhà cung ứng khác rất muốn thay thế các nhà sản xuất phương Tây".
Ismail Demir, quan chức phụ trách mua sắm quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, cũng đánh giá thấp tác động tiềm tàng của lệnh cấm vận. "Không lệnh trừng phạt nào trong số đó sẽ ảnh hưởng đến chúng tôi", ông nói. "Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp dự phòng liên quan đến các nguồn thay thế khác nhau".
Bên cạnh đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng tự hào khi có thể tự sản xuất một số vũ khí và đạn dược cần thiết cho chiến dịch đang tiến hành ở Syria. Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sản xuất nội địa hiện đáp ứng 70% yêu cầu của quân đội, so với 20% của 15 năm trước.
Ông Demir cho biết, hầu hết các hệ thống được sử dụng trong chiến dịch bao gồm máy bay trực thăng, đầu đạn thông minh, tên lửa, súng trường bộ binh, xe bọc thép và hệ thống tác chiến điện tử đều được cung cấp bởi ngành công nghiệp quốc phòng trong nước.
Tuy nhiên, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng rơi vào cảnh thiếu đạn tạm thời, một quan chức an ninh Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên nói với Defense News. "Một số loại đạn mua từ phương Tây đã nhanh chóng được thay thế bằng nguồn cung cấp của Nga", người này nói.
Nhà cung ứng thay thế
Hai nhà lãnh đạo Nga-Thổ tại triển lãm hàng không MAKS 2019.
Một nhà phân tích quốc phòng từng chỉ ra rằng, Ukraine, Belarus, Pakistan, Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ là nguồn thay thế đạn dược cho Ankara. Đặc biệt, Trung Quốc sẽ sẵn sàng bán hầu hết mọi hệ thống vũ khí.
Không khó để tưởng tượng rằng Nga cũng sẽ là quốc gia nhanh chân lấp đầy khoảng trống phương Tây để lại đối với các hệ thống vũ khí công nghệ cao.
Sau khi Mỹ đình chỉ hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong chương trình phát triển tiêm kích tàng hình F-35 để trả đũa thương vụ mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 do Nga chế tạo, Ankara đã quay sang Moscow để tìm kiếm giải pháp củng cố hạm đội máy bay chiến đấu của mình.
Tổng thống Erdogan đã có chuyến thăm triển lãm hàng không MAKS ở Nga vừa qua cùng Tổng thống Vladimir Putin. Không có thỏa thuận nào được công bố, nhưng hai nhà lãnh đạo đã có những khoảnh khắc thân tình với nhau như ăn kem và chụp một bức ảnh với máy bay chiến đấu tàng hình Su-57.
Theo nhà phân tích chính trị Nga Vladimir Frolov, lợi ích của Moscow sẽ gia tăng sau khi Washington bị chỉ trích về việc bỏ rơi người Kurd ở miền Bắc Syria, và điều thú vị hơn đối với Điện Kremlin lúc này là làm hỏng mối quan hệ của Mỹ với các đồng minh NATO.
"Điều hợp lý hiện tại là bán cho Erdogan bất cứ thứ gì ông ấy muốn, miễn là nó làm sâu sắc thêm mâu thuẫn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và NATO", nhà phân tích người Nga nói.
Nhưng tình hình phát triển gần đây ở Syria đã thêm vào một số yếu tố phức tạp cho các hợp đồng tiềm năng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Nga.
Chiến dịch tiến công mới nhất của Thổ Nhĩ Kỳ ở miền Bắc Syria là mâu thuẫn với các mục tiêu của chính Nga, trong đó quan trọng nhất là khôi phục quyền kiểm soát của Tổng thống Syria Bashar Assad đối với toàn bộ lãnh thổ đất nước.
Trước đó, Tổng thống Erdogan đã bay tới thị trấn nghỉ mát Sochi của Nga vào ngày 22/10 để gặp người đồng cấp Putin và thảo luận về tình hình ở Syria.
Trước cuộc họp, phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lưu ý rằng cuộc thảo luận về vấn đề này sẽ lâu dài và phức tạp. Ông cũng nhắc lại quan điểm của Nga về việc chỉ có quân đội Nga – đến theo lời mời của Tổng thống Assad – mới được phép hoạt động ở Syria.
Tuy nhiên, ông Peskov cho biết Nga không thể làm gì để ngăn chặn quân đội Thổ Nhĩ Kỳ xâm nhập vào quốc gia Trung Đông.