Học giả TQ: Không làm điều đúng đắn, Bắc Kinh hãy chuẩn bị cho cuộc suy thoái sau thương chiến với Mỹ

Minh Khôi |

Dù có thỏa thuận hay không có thỏa thuận, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang diễn ra đã gây thiệt hại cho nền kinh tế Trung Quốc.

Mỹ đang ở thế "trên cơ"

Bằng chứng mới nhất là sự sụt giảm lợi nhuận trong ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu của Trung Quốc. Trong 2 tháng đầu năm, lợi nhuận các công ty công nghiệp Trung Quốc đã giảm 14% so với năm ngoái, xuống còn 708 tỷ Nhân dân tệ (105 tỷ USD), theo dữ liệu mới nhất từ ​​Cục Thống kê Quốc gia.

Một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề hơn các ngành khác. Lợi nhuận của ngành ô tô đã giảm 42% trong 2 tháng đầu năm, do doanh số bán xe giảm trong 8 tháng liên tiếp tính đến tháng Hai. Lợi nhuận từ việc sản xuất máy tính, thông tin liên lạc và các thiết bị điện tử khác giảm 21,6%.

Đây là đợt giảm mạnh nhất kể từ năm 2009. Rõ ràng, cuộc chiến thương mại với Mỹ đã giáng một đòn nặng nề vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Bắc Kinh cũng hạ mục tiêu tăng trưởng năm nay xuống 6 - 6,5%, là mức GDP thấp nhất kể từ năm 1990. Các nhà kinh tế cũng ước tính, tăng trưởng thực của Trung Quốc đã giảm xuống còn 5,3% trong 2 tháng đầu năm.

Chắc chắn, cuộc chiến thương mại không chỉ gây tổn hại cho các ngành sản xuất, mà còn gây cản trở đầu tư, gây bất ổn thị trường tài chính... Tất cả đều đi ngược lại mục tiêu chính sách đảm bảo "6 ổn định" trong năm nay, trong các lĩnh vực việc làm, tài chính, ngoại thương, đầu tư nước ngoài, đầu tư trong nước và kỳ vọng thị trường.

Điều này giải thích tại sao các cuộc đàm phán thương mại đang tăng tốc và diễn ra tốt hơn mong đợi. Đặc biệt, Phó Thủ tướng Lưu Hạc đang có chuyến thăm tới Washington và có thể sắp hoàn tất một thỏa thuận.

Trung Quốc có thể trả giá bằng một cuộc suy thoái

Trong khi đó, Minxin Pei, GS tại trường Claremont McKenna College và là chuyên gia cao cấp tại Quỹ Marshall của Mỹ, việc Trung Quốc không nắm lấy cơ hội làm điều đúng đắn trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ có thể khiến nước này phải trả giá bằng một cuộc suy thoái.

Cho đến nay, Trung Quốc vẫn không cho thấy rằng, họ đang tận dụng cơ hội để làm điều đúng đắn. Trung Quốc sẵn lòng nhượng bộ bằng cách mua thêm hàng hóa, cải thiện việc bảo vệ sở hữu trí tuệ, nhưng điều đó không cải thiện cấu trúc nền kinh tế của Trung Quốc, ông Minxin Pei nói.

"Càng trì hoãn, chi phí sẽ càng lớn. Cuộc suy thoái tiếp theo sẽ trở thành cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử Trung Quốc", GS tại Claremont McKenna College nhấn mạnh.

"Không có dấu hiệu cho thấy Trung Quốc cởi mở hơn cho thế giới bên ngoài, và thậm chí cho các doanh nhân trong nước", ông Pei nói thêm.

Theo ông, Trung Quốc đã nắm bắt cơ hội vào cuối những năm 1990 khi tăng trưởng kinh tế của đất nước chậm lại đáng kể sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á khi đóng cửa các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả và gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Tuy nhiên, thời điểm năm 2019 khác so với 1990. Vào cuối những năm 1990, Trung Quốc có cấu trúc nhân khẩu học trẻ hơn, chi phí lao động thấp hơn và mức nợ cũng ít hơn đáng kể, trong khi về đối ngoại, mối quan hệ với Mỹ ít căng thẳng hơn hiện nay.

Trung Quốc và Mỹ có thể sẽ đạt được thỏa thuận thương mại khi Phó Thủ tướng Lưu Hạc đến Washington trong tuần này nhưng thỏa thuận này sẽ chỉ cung cấp một biện pháp ngắn hạn cho quan hệ song phương chứ không phải là một cấu trúc giải pháp cho sự cạnh tranh giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông Pei nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại