Chiến đấu cơ Nga tại Syria.
Theo Vadim Kulit, Phó Giám đốc Trung tâm Hòa giải các bên đối lập ở Syria, Bộ Quốc phòng Nga, cho biết cuộc không kích diễn ra hôm 15 tháng 3.
"Vào ngày 15 tháng 3, lực lượng hàng không vũ trụ Nga đã thực hiện một cuộc tấn công vào căn cứ của phiến quân ở khu vực Al-Tanf và trú ẩn ở những khu vực khó tiếp cận thuộc dãy núi Jebel Bishri ở tỉnh Deir Ez-Zor.
Kết quả là, những kẻ khủng bố đã phải chịu tổn thất đáng kể về tài sản vật chất và nhân lực", phó giám đốc Kulit tuyên bố.
Theo NBC News, gần như tất cả hoạt động tấn công của lực lượng Nga ở Deir Ez-Zor đều nằm trong tầm giám sát của căn cứ Mỹ gần đó.
Thông tin này đã được Trung tướng Alexus Grynkewich, chỉ huy bộ phận không quân phối hợp của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), nói, chiến đấu cơ Nga bay qua Al-Tanf thường xuyên từ đầu tháng 3.
"Máy bay chiến đấu Nga đã xâm phạm vùng trời tại Al-Tanf khoảng 25 lần trong tháng này so với không lần nào trong tháng 2 và 14 lần trong tháng 1.
Trong số những máy bay Nga tiếp cận căn cứ Al-Tanf, cường kích Su-34 xuất hiện nhiều nhất. Trong những chuyến bay đó, Su-34 thường mang theo cả tên lửa đánh chặn và tên lửa đối đất", tướng Alexus Grynkewich nói.
Điều đặc biệt theo NBC News, phiến quân tại Al-Tanf vừa bị Nga không kích là một trong những nhóm đang được Mỹ hậu thuẫn hoạt động ở Syria.
Căn cứ Al-Tanf nằm ở phía Nam Syria, được Mỹ thành lập từ năm 2016 trong khuôn khổ chiến dịch do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Căn cứ này nằm ở khu vực chiến lược gần cửa khẩu Tanf của Syria với Iraq và Jordan.
Kể từ đó đến nay, Al-Tanf luôn là mục tiêu bị tấn công của những chiếc máy bay không người lái, đạn phản lực bí ẩn. Đây chính là nguyên nhân khiến CENTCOM triển khai hệ thống phòng không Avenger tại căn cứ quân sự này từ đầu năm 2021.
Avenger là hệ thống phòng không tầm ngắn gồm hai bệ phóng, mỗi bệ được trang bị 4 tên lửa vác vai FIM-92 Stinger và một súng máy M3P cỡ nòng 12,7mm. Bệ phóng thường đặt trên khung gầm xe đa dụng Humvee, nhưng cũng có thể bố trí ở trận địa cố định hoặc trên nóc các tòa nhà.
Việc Mỹ xây dựng căn cứ Al-Tanf và kiểm soát vùng Đông Bắc Syria hiện nay đã làm giảm đi 90% nguồn tài nguyên dầu khí của Damascus, đồng thời tước đi nguồn vốn rất cần thiết của quốc gia này để tái thiết sau cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ.
Khác với cựu Tổng thống Donald Trump, người công khai thừa nhận các lực lượng Mỹ đóng quân ở Syria để giữ dầu mỏ và đã cân nhắc về việc rút quân vào cuối nhiệm kỳ của mình, chính quyền Tổng thống Joe Biden khẳng định quân đội Mỹ ở Syria chỉ để ngăn chặn sự hồi sinh của tổ chức khủng bố IS.
Clip Nga không kích phiến quân tại Al-Tanf.