Tần Thủy Hoàng là vị hoàng đế vô cùng nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa cách đây hơn 2.000 năm. Ông được biết tới là người có công lao thống nhất đất nước sau khi đánh bại 6 nước chư hầu trong thời Chiến Quốc, và trở thành hoàng đế đầu tiên trong lịch sử của đất nước tỷ dân.
Nổi tiếng là vị hoàng đế có quyền lực tối thượng, tàn bạo, khao khát trường sinh, nhưng ít ai biết được rằng có một người phụ nữ chiếm trọn trái tim của Tần Thủy Hoàng khiến cho ông cả một đời thương nhớ.
Mặc dù có nhiều chiến tích và công lao hiển hách, nhưng đời sống nơi hậu cung của Tần Thủy Hoàng lại có rất ít ghi chép trong lịch sử. Trên thực tế, nhiều vị hoàng đế của các triều đại, hậu cung luôn là một phần được lưu lại, cho dù có xảy ra ít biến động.
Tuy nhiên, hoàng đế Tần Thủy Hoàng lại là điều ngược lại, thậm chí trong suốt thời gian trị vì đất nước rộng lớn, ông chưa một lần lập hoàng hậu. Điều này vẫn còn là một ẩn số gây nên không ít tranh luận đối với các sử gia, chuyên gia nghiên cứu qua nhiều thời đại.
Bí mật của cung A Phòng, tổ hợp cung điện xa hoa thời nhà Tần, đã khiến nhiều người cho rằng hoàng đế Tần Thủy Hoàng dốc công sức xây dựng công trình này để tưởng nhớ người phụ nữ mà ông yêu thương. Nàng có tên là A Phòng.
Mỹ nhân A Phòng là ai?
Tương truyền, chuyện tình khiến Tần Thủy Hoàng cả đời khắc cốt ghi tâm với mỹ nhân có tên A Phòng bắt đầu xảy ra khi quân đội nước Tần đang chiến đấu với những bộ lạc ở phía Nam. Vào thời điểm đó, để tấn công, quân Tần cần phải vận chuyển được lương thực di chuyển từ phía Bắc xuống phía Nam.
Tuy nhiên, do thời tiết rất nóng bức nên Tần Thủy Hoàng đã hạ lệnh cho đào kênh nối sông Tương và sông Ly (chảy qua tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc ngày nay) để giúp việc vận chuyển lương thực được thuận tiện hơn.
Dù giải quyết được vấn đề nan giải về lương thực, nhưng trên thực tế thì cuộc chiến giữa nước Tần hùng mạnh cùng với những bộ lạc ở phía Nam vẫn kéo dài tới 3 năm. Không may là quân Tần lúc này lại mắc phải một căn bệnh nguy hiểm, đó là dịch hạch.
Trong khi đó, mặc dù nắm bắt cơ hội để giành lấy phần thắng nhưng quân đội của những bộ lạc ở phía Nam lại do dự vì khi đánh quân Tần thì họ rất có thể cũng sẽ bị nhiễm dịch hạch. Đây thực sự là một vận may hiếm có, nhưng cũng là tình thế tiến thoái lưỡng nan, đánh mà cũng như không.
Trong bối cảnh vẫn còn đang do dự không biết liệu đánh hay là không đánh, thủ lĩnh của những bộ lạc ở phía Nam đã nghĩ ra một giải pháp. Đó là đưa một cô gái địa phương hái thuốc trà trộn vào trong doanh trại của quân Tần vừa để thăm dò tình hình, khống chế dịch hạch, nhưng đồng thời cũng có thể tấn công trở lại khi dịch bệnh của quân địch đã được kiểm soát.
Hình tượng nàng A Phòng trong một bộ phim.
Cô gái hái thuốc này chính là mỹ nhân A Phòng, người đã tận tình mang nhiều thảo dược tới doanh trại của quân Tần để giúp điều trị dịch hạch.
Tần Thủy Hoàng khi đó rất cảm kích và muốn cảm ơn vị ân nhân đặc biệt này. Thế nhưng, ngay khi nhìn thấy A Phòng, vị vua trẻ tuổi của nước Tần đã rất đỗi ngạc nhiên vì cô trông rất giống với một nữ nhân mà ông quen từ thuở nhỏ.
Theo đó, khi còn là con tin ở Hàm Đan, nước Triệu (một nước chư hầu thời Chiến Quốc), Tần Thủy Hoàng (tên thật là Doanh Chính) thường bị bắt nạt và đánh đập. Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh khó khăn đó, A Phòng đã xuất hiện, trị thương cho ông và hai người khi đó đã phát sinh tình cảm với nhau.
Nhưng sau khi trở lại nước Tần, hai người cũng không có cơ hội được gặp lại nhau, nên điều này khiến cho Tần Vương vô cùng ngạc nhiên. Sau đó, nhờ có A Phòng thuyết phục mà những bộ lạc ở phía Nam đã quyết định hòa giải với quân Tần.
Trong khi đó, Tần Thủy Hoàng cũng bày tỏ tình cảm của mình với A Phòng và hứa hẹn cho nàng danh phận sau khi ông hoàn thành tham vọng thống nhất Trung Hoa.
Tuy nhiên, lời hứa của Tần Thủy Hoàng và A Phòng đã không thể thực hiện được vì lúc đó quyền lực của nước Tần chủ yếu nằm trong tay của Lã Bất Vi.
Dù vậy, nhưng mối lương duyên của Tần Thủy Hoàng và A Phòng lại bị dang dở khi quyền lực của nước Tần lúc đó chủ yếu nằm trong tay của tướng quốc Lã Bất Vi. Đáng tiếc, sau khi Tần vương đánh bại 6 nước chư hầu, thống nhất Trung Hoa và hoàn toàn nắm đại quyền của nhà Tần, mỹ nhân A Phòng đã không may qua đời.
Chính vì vậy, để tỏ lòng thương nhớ nữ nhân mà mình rất mực yêu thương, hoàng đế Tần Thủy Hoàng đã không tiếc tiền bạc, của cải, huy động một số lượng nhân công khổng lồ để xây dựng lên cung A Phòng, một tổ hợp cung điện vô cùng xa hoa và cũng rất bí ẩn trong lịch sử.
Cung A Phòng: "Lầu vàng" của Tần Vương và sự thật về "lửa cháy 3 tháng không dứt"
Tần Thủy Hoàng là một nhân vật quan trọng trong lịch sử Trung Hoa. Mặc dù có không ít ghi chép về cuộc đời của vị hoàng đế quyền lực, nhưng thế giới hậu cung của ông vẫn còn là một bí ẩn. Cung A Phòng chính là một trong số ít bằng chứng cho thấy quyền lực và phần nào hé mở về Tần Thủy Hoàng.
Được xây dựng để làm nơi nghỉ mát vào mùa hè, cung A Phòng là công trình kiến trúc "khổng lồ" nằm bên bờ sông Vị, ước tính nằm cách thành Trường An, ngày nay là thành phố Tây An (thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc) khoảng 30km về phía Tây.
Theo cuốn "Quát Địa Chí", cung A Phòng của nhà Tần được gọi là thành A và vì nằm gần cung thất nên công trình này được thiên hạ gọi là cung A Phòng.
Tranh vẽ minh họa về Cung A Phòng, công trình kiến trúc khổng lồ chưa được hoàn thành trong thời nhà Tần.
Theo Tần Thủy Hoàng bản kỷ của sử gia Tư Mã Thiên, cung A Phòng có quy mô rất lớn, bắt đầu được xây dựng từ năm 212 TCN. Tuy nhiên, khi Tần Thủy Hoàng còn sống, công trình mới chỉ xây xong được một tòa tiền điện. Ghi chép của Tư Mã Thiên chỉ ra rằng, riêng phần tiền điện này đã có diện tích rất lớn và sức chứa của nó có thể lên tới hàng vạn người.
Sau khi hoàng đế Tần Thủy Hoàng qua đời (210 TCN), hầu hết những người tham gia xây dựng công trình này đều được điều động tới tham gia hoàn thành lăng mộ. Tần Nhị Thế, con trai của Tần Thủy Hoàng, đồng thời là người kế vị của ông, đã ra lệnh tiếp tục tiến hành xây dựng cung A Phòng. Việc này cũng đã được ghi chép trong lịch sử.
Cụ thể, theo Hán thư của Ban Cố, sử gia nổi tiếng thời nhà Hán, Tần Nhị Thế đã cho xây tiếp cung A Phòng, nhưng chưa xong thì nhà Tần đã bị diệt vong.
Trên thực tế, Tần Nhị Thế cũng tự sát vào năm 207 TCN sau 3 năm tại vị hoàng đế thứ hai của nhà Tần.
Công trình xa hoa hao tốn tiền của này cũng vì thế mà còn dang sở và chưa được hoàn thành. Minh chứng là qua nhiều lần tiến hành khảo sát và khai quật trong giai đoạn 2002-2003, nhiều chuyên gia khảo cổ ở Viện Khoa học xã hội Trung Quốc, chỉ tìm thấy những hiện vật thuộc thời nhà Hán tại địa điểm được cho là nơi xây dựng cung A Phòng bên bờ sông Vị.
Điều này cho thấy cung A Phòng đúng là chỉ mới được xây dựng trong bước đầu và chưa được hoàn thành.
Thậm chí, nghi vấn cung A Phòng bị Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ đốt cháy hóa ra cũng có thể chỉ là một lời đồn đại trong dân gian khi các chuyên gia khảo cổ không hề phát hiện thấy dấu vết của công trình này từng bị lửa cháy.
Cung A Phòng không hề bị đốt cháy như lời đồn đại.
Trong cuốn "Sử ký" của Tư Mã Thiên cũng từng có ghi chép lại việc Hạng Vũ đã đốt cung thất của nhà Tần ở Hàm Dương và "lửa cháy ba tháng mới tắt", nhưng cũng không hề chỉ rõ là cung A Phòng bị đốt cháy và trên thực tế thì tổ hợp cung điện này nằm ở phía nam của sông Vị.
Dù vậy, sau hơn 2.000 năm, không chỉ lăng mộ Tần Thủy Hoàng, mà ngay cả cung A Phòng, công trình gắn liền với nhiều câu chuyện, ghi chép bí ẩn về thời nhà Tần, đặc biệt là về người con gái tên là A Phòng, vẫn còn là một trong những bí ẩn khó lý giải về vị hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.
Tham khảo ảnh/nguồn: Sohu, Baidu