Trong các tác phẩm của Kim Dung, nhiều cao thủ chỉ được nhắc tới tên mà chẳng ai biết mặt. Họ có tới hàng ngàn chiêu thức kỳ lạ, thậm chí, nhiều nhân vật trong tiểu thuyết chỉ cần học một trong số chúng đã có thể trở thành cao thủ.
Quách Tương - Mỹ nhân hội tụ đủ tính cách của nữ chính
Đại đa số người hâm mộ chỉ nhớ tới các nhân vật nam với võ công cao cường. Họ đã quên trong thế giới kiếm hiệp của Kim Dung từng có một nhân vật nữ có thể nói là sánh ngang với Trương Tam Phong. Sở dĩ, mỹ nhân này được đánh giá cao là bởi nàng cũng thành lập môn phái nổi tiếng không kém Võ Đang. Người đó chính là Quách Tương.
Quách Tương là nhân vật trong tiểu thuyết Thần điêu hiệp lữ của Kim Dung. Nàng cũng xuất hiện trong phần đầu của bộ truyện Ỷ Thiên Đồ Long ký. Quách Tương là con thứ 2 của cặp vợ chồng Quách Tĩnh, Hoàng Dung nhưng nàng kém Quách Phù tới mười sáu tuổi. Nàng có một người em trai song sinh là Quách Phá Lỗ.
Quách Tương có rất nhiều điểm giống mẹ, thông minh, khôn ngoan, lanh lợi, bướng bỉnh và cũng rất si tình. Khác với người chị ích kỷ, kiêu căng, ngạo mạn là Quách Phù, Quách Tương hiểu đời lại có tinh thần trọng nghĩa. Nàng hội tụ đủ những nét tính cách của một nữ chính điển hình, song đáng tiếc, cố nhà văn Kim Dung không đôn nàng lên làm trung tâm chính của câu chuyện.
Nàng yêu Dương Quá ngay từ lần đầu gặp ở bến phà Phong Lăng. Quách Tương tuy buồn vì tình cảm đơn phương dành cho Dương Quá không được đón nhận nhưng nàng vẫn thật tâm mong Dương Quá và Tiểu Long Nữ có thể trùng phùng sống hạnh phúc bên nhau.
Chuyện tình cảm không thành, Quách Tương còn gặp cảnh tan nhà nát cửa khi thành Tương Dương thất thủ, cha mẹ, chị gái và em trai đều tự sát. Nàng quyết định đi tìm Dương Quá và Tiểu Long Nữ nhưng đi khắp thiên hạ không tìm được tung tích của họ. Cuối cùng vào năm 40 tuổi, Quách Tương đại triệt đại ngộ, xuất gia tu hành trên núi Nga Mi, trở thành tổ sư khai sáng của phái Nga Mi. Nàng cũng là chủ nhân sở hữu đầu tiên của Ỷ Thiên Kiếm.
Môn phái vang danh sánh ngang Thiếu Lâm, Võ Đang
Phái Nga Mi của Quách Tương là một trong ba môn phái lớn của Trung Hoa cùng với Thiếu Lâm và Võ Đang. Danh tiếng và thực lực của Nga Mi được coi là vượt xa cả Ngũ Nhạc kiếm phái.
Theo mô tả của Kim Dung, Ngũ Nhạc kiếm phái là một liên minh bao gồm 5 phái: Tây Nhạc Hoa Sơn, Bắc Nhạc Hằng Sơn, Nam Nhạc Hành Sơn, Đông Nhạc Thái Sơn và Trung Nhạc Tung Sơn. Tuy nhiên, về trình độ võ công và thực lực, Ngũ Nhạc kiếm phái không được Kim Dung xây dựng như một môn phái mạnh trong vũ trụ kiếm hiệp của ông. Mặc dù đông nhưng Ngũ Nhạc kiếm phái chưa bao giờ mạnh trong các trận đại chiến. Do đó, thực lực của những môn phái này được xếp sau Nga Mi.
Hầu hết đệ tử của Nga Mi phái đều là nữ và những người giữ chức vụ quan trọng như chưởng môn đều phải là trinh nữ. Nga Mi cũng chính là môn phái có tiếng nói lớn trong giới võ lâm giang hồ.
Nga Mi là sự kết hợp độc đáo giữa Phật gia và Đạo gia cùng sự sáng tạo giữa tĩnh và động để tạo nên bộ công phu luyện công vô cùng mới lạ. Giữa Nga Mi với Thiếu Lâm và Võ Đang có ba điểm khác nhau trong việc luyện công, đó là "Nội ngoại", "Cương nhu" và "Trường đoản".
Võ công của Nga Mi gồm 5 tuyệt kỹ: Cửu âm bạch cốt trảo, Hồi phong phất liễu, Tiệt thủ cửu thức, Phiêu tuyết xuyên vân, Phổ độ từ hàng, trong đó tuyệt kỹ đầu tiên là được coi là nổi bật nhất.
Trong các tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, đệ tử phái Nga Mi là những cô nương dung mạo thanh nhã, tưởng chừng liễu yếu đào tơ nhưng lại sở hữu nội công thâm hậu. Các đệ tử nổi bật của phái Nga Mi là Phong Lăng sư thái, Diệt Tuyệt sư thái, Chu Chỉ Nhược, Kỷ Hiểu Phù. Chu Chỉ Nhược đã luyện được môn Cửu Âm bạch cốt trảo.
Phái Nga Mi do đệ tử toàn nữ nên muốn có được chỗ đứng trong võ lâm họ sẽ gặp nhiều khó khăn hơn nhiều so với Võ Đang hay Thiếu Lâm. Tuy nhiên, rất nhiều đệ tử của Nga Mi là cao thủ nổi tiếng khắp giang hồ với các tuyệt kỹ của bản môn. Do đó, ta có thể nói rằng nền tảng võ thuật của Quách Tương không hề tầm thường mới đạt được chỗ đứng cao như vậy trong giới võ lâm. Thậm chí, nhiều người còn cho rằng, võ công của Quách Tương có thể ngang với cao thủ thế hệ trước – Lâm Triều Anh.
*Bài viết tổng hợp dựa trên các ý kiến chia sẻ quan điểm về những tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung từ trang tin Sina, Sohu.