"Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận bán cho Ba Lan 96 máy bay trực thăng tấn công AH-64E Apache và các thiết bị liên quan, bao gồm 1.844 tên lửa AGM-114R2 Hellfire, 508 tên lửa Stinger. Thương vụ trị giá 12 tỉ USD" – Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng của Lầu Năm Góc cho biết hôm 21-8 (giờ Mỹ)
Thương vụ đã được Bộ Ngoại giao Mỹ chấp thuận nhưng thông báo không cho biết hợp đồng đã được ký kết hoặc các cuộc đàm phán đã kết thúc hay chưa.
Hình ảnh trực thăng tấn công AH-64E Apache mà Mỹ đồng ý bán cho Ba Lan. Ảnh: Military
Ba Lan là quốc gia thành viên NATO, rất muốn nâng cấp vũ khí trang bị theo chuẩn của khối và tiêu hủy tất cả vũ khí còn sót lại dưới thời Liên Xô (cũ).
TVP World cho hay Warsawa đã ưu tiên tăng cường sức mạnh quân sự kể từ sau khi xảy ra xung đột Nga – Ukraine hồi cuối tháng 2 năm ngoái.
Cơ quan Hợp tác An ninh quốc phòng Lầu Năm Góc đã gửi thông báo cho Quốc hội Mỹ về thoả thuận bán lô trực thăng AH-64E Apache cho Ba Lan. Theo quy định, Quốc hội Mỹ có 30 ngày để xem xét, phê chuẩn hợp đồng cho đối tác.
Trực thăng tấn công AH-64E Apache của Mỹ có tốc độ tối đa 300 km/h. Với sự cải tiến về thân vỏ, trực thăng này thích ứng với các nhiệm vụ tác chiến tại khu vực có môi trường nhiệt độ cao.
AH-64E Apache được trang bị hoả lực mạnh với tên lửa không đối đất AGM-114R2 Hellfire, tên lửa không đối không AIM-9 Sidewinder, tên lửa Stinger, Mistral hoặc Sidearm...
Khi tấn công tầm gần, AH-64E Apache còn trang bị pháo tự động 30 mm với tốc độ bắn 625 phát/phút. Định hướng cho hệ thống vũ khí này là radar M-TADS và FLIR, cho phép AH-64E Apache tấn công trong mọi điều kiện thời tiết và thời gian.
Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Joe Biden hôm 21-8 cũng kêu gọi công dân Mỹ đang ở Belarus ngay lập tức rời đi, đồng thời không nhập cảnh vào nước này.
Tờ The Hill dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết họ đã xếp Belarus vào quốc gia có mức rủi ro Cấp độ 4, tức mức cảnh báo an ninh cao nhất.
Lý do để Mỹ đưa ra lời cảnh báo trên bao gồm việc Nga tăng cường lực lượng quân sự ở Belarus, Đại sứ quán Mỹ không có nhiều khả năng hỗ trợ công dân ở Belarus…
Binh sĩ Lithuania trải hàng rào thép gai ở biên giới với Belarus. Ảnh: Reuters
Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đang nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ. Phái đoàn ngoại giao Mỹ tại Belarus đã giảm quy mô và chỉ xử lý các dịch vụ công dân Mỹ khẩn cấp.
Cảnh báo mới nhất về việc đi lại tới Belarus được đưa ra sau khi các quốc gia có chung biên giới với Belarus là Lithuania, Latvia và Ba Lan tăng cường an ninh dọc biên giới do lo ngại lực lượng Wagner đang có mặt ở Belarus.
Thực tế, Lithuania tuần trước đã đóng cửa 2 trong số 6 cửa khẩu biên giới với Belarus. Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi công dân nước này đi qua các cửa khẩu biên giới vẫn mở, đồng thời cảnh báo các nước Ba Lan, Lithuania và Latvia có thể tiếp tục đóng cửa các cửa khẩu biên giới với Belarus.