Mỹ-NATO sợ bị Nga "chọc mù" nếu chiến tranh: Làm hàng xóm của Gấu, phải thật kiên nhẫn!

QS |

Lục quân Mỹ đang có kế hoạch thử nghiệm các hệ thống GPS chống nhiễu tại châu Âu - một nỗ lực nhằm đối phó với các phương thức tác chiến điện tử của Nga.

Trung đoàn kỵ binh số 2 của Lục quân Mỹ tại Đức dự kiến sẽ nhận được các hệ thống GPS mới vào cuối năm nay.

Động thái trên diễn ra sau khi có một số báo cáo cho rằng Nga đang tìm cách làm gián đoạn hệ thống GPS của Mỹ tại châu Âu.

"Các tín hiệu GPS bị xáo trộn đã lần đầu tiên được phát hiện trong cuộc tập trận quy mô lớn Trident Juncture của NATO tại Na Uy vào cuối tháng 10/2018" - Defense News cho hay.

"Cơ quan tình báo quốc phòng Na Uy cho biết họ đã dò theo nguồn gây nhiễu tín hiệu tới một căn cứ quân sự của Nga đặt tại đảo Kola gần đó. Cơ quan tình báo Phần Lan cũng thu được kết quả tương tự".

Cuối năm 2018, Phần Lan và Na Uy đều đưa ra những lời phàn nàn với Nga về việc gây gián đoán tín hiệu.

"Các chỉ huy hàng không dân sự và quân sự tại Phần Lan và Na Uy đã cảnh báo rằng hệ thống gây nhiễu GPS gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với cả máy bay quân sự và thương mại khi chúng bay vào vùng không phận bị ảnh hưởng ở High North" - Defense News viết.

"Nga đòi bằng chứng, chúng tôi đã đưa cho họ bằng chứng" - Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen nói. Bằng chứng ở đây bao gồm các chỉ số cho thấy tín hiệu đã bị gây nhiễu.

"Nga nói - Cảm ơn các vị, chúng tôi sẽ trở lại sau khi các chuyên gia của chúng tôi xem xét lại các bằng chứng đó', ông Bakke-Jensen cho hay, đồng thời nhận định hành động gây nhiễu này là "có chủ đích".

"Họ đang thực hành rất gần biên giới và họ biết điều này sẽ tác động lên cả những khu vực ở phía bên kia", ông Bakke-Jensen nói, "để làm hàng xóm với Nga, bạn cần phải thật kiên nhẫn".

Hiện Không quân Mỹ đang tăng tốc phát triển các hệ thống dẫn đường GPS kháng nhiễu, hoặc thậm chí không cần tới GPS nữa.

"Họ đang đánh giá các đề xuất phát triển phiên bản nâng cấp thế hệ hai, trong đó hệ thống dẫn đường quán tính được sử dụng như phương án dự phòng nếu hệ thống GPS hoàn toàn không hoạt động được" - Phóng viên Freedberg, Jr. của tờ Breaking Defense cho hay.

Gây nhiễu GPS không phải là vấn đề duy nhất mà NATO gặp phải ở châu Âu. Hiện nay các xe bọc thép Stryker của Lữ đoàn kỵ binh số 2 là lực lượng cơ giới duy nhất của Mỹ được triển khai thường trực tại châu Âu.

Lữ đoàn đổ bộ đường không 173 của Lục quân Mỹ cũng đóng tại châu Âu và hiện đang triển khai một lữ đoàn xe bọc thép tới châu lục này theo thời hạn xoay vòng 9 tháng, bao gồm 90 xe tăng M-1, 130 xe chiến đấu M-2 và 18 pháo tự hành M-109.

"Trang bị cho lữ đoàn kỵ binh số 2 thiết bị mới không chỉ đáp ứng nhu cầu hoạt động cấp thiết, mà còn giúp chương trình này nhanh chóng xác định cái gì phát huy và không phát huy tác dụng" - ông Freedberg nói.

Lữ đoàn của Mỹ đang đối mặt với một đối thủ rất mạnh. Nga hiện duy trì khoảng 760 xe tăng trong các đơn vị tại các vị trí có thể "tấn công nhanh" các quốc gia thành viên NATO ở Baltic.

Các quốc gia NATO đang duy trì khoảng 130 xe tăng trong cùng khu vực, và 90 chiếc trong số đó là các xe tăng M-1 của Mỹ được triển khai luân phiên.

Theo báo cáo năm 2016 của tổ chức tư vấn RAND về cuộc tấn công tiềm năng của Nga vào Baltic, thì các lực lượng Nga sẽ nhanh chóng áp đảo lực lượng NATO được vũ trang hạng nhẹ.

Đồng minh phương Tây sẽ nhanh chóng triển khai trực thăng và các đơn vị di động để đối phó với Nga nhưng các xe tăng NATO đến nơi quá chậm.

"Các xe bọc thép cần thiết để đối phó với lực lượng Nga và ngăn cản bước tiến của họ đã không thể đến kịp thời, chúng trở thành mục tiêu của hỏa lực từ trên không và trên bộ..." - RAND giải thích.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại