Việc Nga ngày càng tăng cường sức mạnh cho hạm đội tàu ngầm của mình và triển khai chúng áp sát các quốc gia châu Âu khiến Mỹ và NATO đang đặc biệt lo ngại.
Để đối phó với xu hướng này, Hải quân Mỹ đã lên kế hoạch tập trung sức mạnh nhiều hơn vào khu vực Đại Tây Dương, đặc biệt là các vùng biển phía Bắc Đại Tây Dương gần căn cứ Hạm đội phương Bắc của Nga trên biển Barents.
Cuối tháng 9/2019, sau 5 năm bị ngừng hoạt động, Hải quân Mỹ đã quyết định tái lập Biên đội tàu ngầm Số 2 ở Norfolk, Virginia. Một điểm rất đáng chú ý là động thái này của Washington diễn ra chỉ hơn một năm sau khi Hải quân Mỹ tái lập Hạm đội 2 với mục tiêu gia tăng khả năng giám sát từ nửa phía Tây Đại Tây Dương kéo lên vùng cực Bắc.
Thông cáo báo chí của Hải quân Mỹ viết: "Việc tái lập Biên đội tàu ngầm Số 2 là để cường năng lực chỉ huy và kiểm soát các lực lượng tác chiến dưới biển một cách liền mạch trên toàn bộ khu vực Đại Tây Dương, từ vùng biển phía Đông nước Mỹ đến vùng Biển Barents và thậm chí là cả Nam Đại Tây Dương nếu thấy cần thiết".
Tàu ngầm USS Rhode Island trở về căn cứ hải quân Kings Bay ở Georgia sau 3 tháng hoạt động trên biển. Ảnh: US Navy
Phó Đô đốc Charles Richard, Tư lệnh lực lượng tàu ngầm Mỹ ở Đại Tây Dương cũng nhấn mạnh: "Để duy trì ưu thế dưới đáy biển, Mỹ cần phải tăng cường sức mạnh hải quân và sẵn sàng cho mọi cuộc chiến tranh ngoài biển khơi. Cách thức tổ chức sẽ là yếu tố quyết định thành công của chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta tái lập Biên đội tàu ngầm Số 2 này".
Việc biển Barents được đề cập tới khi Hải quân Mỹ tái lập Biên đội tàu ngầm Số 2 đã cho thấy Mỹ và các đồng minh trong khối quân sự NATO đang hết sức lo ngại trước mối đe dọa đến từ các tàu ngầm của Nga. Barents là vùng biển tiếp giáp với Hạm đội phương Bắc Hải quân Nga cũng như các lực lượng hạt nhân chiến lược trên Bán đảo Kola.
Những lo lắng nêu trên của Mỹ và NATO không phải không có cơ sở, nhất là trong bối cảnh Nga không ngừng củng cố sức mạnh cho hạm đội tàu ngầm tấn công của nước này bằng các loại tên lửa mới có khả năng tiêu diệt mọi mục tiêu ở châu Âu lục địa.
Đô đốc James Foggo, chỉ huy các lực lượng hải quân Mỹ ở châu Âu và châu Phi từng nhận xét vào cuối năm 2018 rằng: "Nga đã cho thấy họ có khả năng tấn công hầu hết các thủ đô ở châu Âu từ bất cứ vùng biển nào tiếp giáp lục địa này".
"Tên lửa hành trình Kalibr đã được Nga phóng đi từ các hệ thống phòng thủ bờ biển, máy bay tầm xa và từ các tàu ngầm neo đậu ngoài khơi bờ biển Syria".
Bình luận về vấn đề này, Bryan Clark, chuyên gia nghiên cứu cấp cao thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (Washington, Mỹ) cũng cho rằng "mối đe dọa đến từ các tên lửa hành trình phóng từ tàu ngầm Nga chắc chắn là một phần mà Biên đội tàu ngầm Số 2 phải giải quyết. Lực lượng này sẽ giúp hoạt động chỉ huy - điều khiển và công tác hiệp đồng tác chiến tốt hơn".
Thực tế, khi Hải quân Nga triển khai tàu ngầm với tần suất ngày càng thường xuyên hơn đã khiến Mỹ phải gia tăng hoạt động ở Đại Tây Dương, trong đó có việc điều động thêm các máy bay tuần thám biển P-8 tới Iceland.
Những máy bay này, theo chuyên gia Bryan Clark, một phần cũng được đặt dưới sự quản lý của Biên đội tàu ngầm Số 2.
Các tàu ngầm “Quái vật Đại Dương” khủng khiếp nhất của Nga