Mỹ đang nỗ lực nâng cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn hiện đại và đối phó với bất cứ mối đe dọa nào mà các đối thủ của nước này đặt ra, trong đó có tăng T-14 của Nga.
Một số hãng truyền thông Nga, trong đó có GRU Pycckoe cho biết, hệ thống kính ngắm ảnh nhiệt của tăng T-14 có thể phát hiện ra mục tiêu có kích cỡ tương đương một chiếc xe tăng nằm cách xa tới 5km vào ban ngày. Một số báo cáo khác cho biết, tầm nhìn ban đêm có thể đạt 3,5km.
Mặc dù T-14 Armata được tích hợp phần lớn công nghệ tiên tiến, trong đó có khả năng phòng thủ tự động, tốc độ bắn 12 phát/phút và có pháo nòng trơn 125mm, nhưng vẫn chưa có điều gì đảm bảo các tính năng của nó hoàn toàn vượt trội so với biến thể hiện tại và tương lai của tăng Abrams.
Dàn tăng Abrams của Mỹ diễn tập bắn đạn thật.
Tuy vậy, các nhà sản xuất xe tăng và chế tạo vũ khí của Mỹ vẫn luôn lo ngại về mối đe dọa mà T-14 có thể tạo ra.
Quân đội Mỹ hiện đang phát triển một phiên bản xe tăng Abrams tiêu chuẩn SEPV4 mới, dự kiến đưa vào thử nghiệm năm 2021. Phiên bản này được nâng cấp “khả năng sát thương”, trong tương lai sẽ trở thành mẫu xe tăng hiện đại nhất và nguy hiểm nhất thế giới.
Các nhà phát triển vũ khí của Mỹ cho biết: xe tăng mới sẽ được tích hợp thiết bị xác định tầm bắn bằng laser mới, camera màu, cảm biến khí tượng tiên tiến, hệ thống liên kết dữ liệu đạn dược, máy thu phát cảnh báo laser, khẩu pháo đa năng 120 mm có khả năng sát thương cao.
Theo các nhà phát triển của Mỹ, việc nâng cấp khả năng sát thương, được đưa ra trong đề xuất thay đổi kỹ thuật, là mục tiêu chính, cùng với đó là sự tích hợp các cảm biến ảnh nhiệt thế hệ mới. Hệ thống kính ngắm ảnh nhiệt, đã chứng minh hiệu quả trong Chiến tranh Vùng Vịnh với sự xuất hiện của cả mẫu xe tăng Abrams của Mỹ và T-27 của Nga, có thể tạo ra những lợi thế cho phép tiêu diệt xe tăng của đối phương mà không bị phát hiện.
Theo quân đội Mỹ, với những công nghệ mới, Abrams V4 không chỉ cải thiện tầm bắn và khả năng sát thương của tháp pháo chính mà còn dự đoán được và thích ứng nhanh với sự thay đổi của thời tiết hoặc điều kiện chiến đấu.
“Các cảm biến khí tượng đang được tích hợp vào hệ thống điều khiển hỏa lực. Nó cung cấp thông tin cho các thuật toán điều khiển hỏa lực để giúp tăng độ chính xác của hệ thống vũ khí”, ông Ashley Givens, người phát ngôn của Chương trình phát triển Hệ thống Chiến đấu mặt đất của Lục quân Mỹ cho biết.