Tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc dự kiến sẽ đầy đủ khả năng tác chiến trong năm 2021. Nguồn: Sina.
Theo trang báo cáo của Viện Nghiên cứu Hải quân Mỹ (USNI) mới đây, Tư lệnh Bộ Tư lệnh châu Phi của Mỹ (AFRICOM) Đại tướng Stephen Townsend cho biết, Trung Quốc đang xây dựng một bến cảng dành cho tàu sân bay ở căn cứ hải quân Trung Quốc tại Djibouti.
Khi đề cập đến căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti, Tướng Stephen Townsend nói với Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ rằng, PLA đang mở rộng các cơ sở hải quân ở Djibouti và đang tìm cách thành lập những nơi khác trên lục địa Châu Phi.
Ảnh vệ tinh tháng 3/2020 cho thấy Trung Quốc đang xây dựng bến cảng mới ở căn cứ tại Djibouti. Nguồn: Sina.
"Căn cứ quân sự ở nước ngoài đầu tiên của họ, và là căn cứ duy nhất mà họ hiện có, là ở châu Phi. Họ vừa mở rộng căn cứ này và bổ sung thêm một bến cảng quan trọng, thậm chí có thể được sử dụng để làm nơi neo đậu cho tàu sân bay trong tương lai", ông Stephen Townsend nói.
Ông Townsend cho biết thêm, Trung Quốc cũng đang xem xét "ý định thiết lập các căn cứ hải quân và không quân" ở các khu vực khác của châu Phi.
Theo báo cáo, căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti được xây dựng vào năm 2017 để góp phần tăng cường sự hiện diện và hỗ trợ hoạt động của Trung Quốc ở Vịnh Aden.
Theo các chuyên gia, khả năng của căn cứ đã được mở rộng để cung cấp vật tư hậu cần cho các tàu đổ bộ type 075 mới và tàu sân bay, nhằm hiện thực hóa ước mơ “hạm đội biển xanh” của Trung Quốc.
Báo cáo cũng đề cập rằng, vào tháng 10/2020, các hình ảnh vệ tinh thương mại tiết lộ rằng các cơ sở cầu cảng của căn cứ đang được xây dựng.
Chuyên gia Hải quân H. I Sutton của USNI cho rằng, cầu cảng mới rộng 341 m, đủ để tiếp nhận tàu sân bay mới của TQ cũng như tàu tấn công đổ bộ hoặc các tàu chiến cỡ lớn khác của nước này. Nếu cần, "nó có thể dễ dàng chứa 4 tàu ngầm hạt nhân".
Trước đó, tháng 12/2019, giới truyền thông đã công bố một số thông tin ban đầu về việc PLA sắp hoàn thành bến tàu mới ở căn cứ Djibouti. Sau khi hoàn thành, nó có thể cập các tàu chiến lớn bao gồm cả tàu sân bay Liêu Ninh.
Trong những năm gần đây, Mỹ và Trung Quốc thỉnh thoảng đã xảy ra “tai nạn” ngoài ý muốn ở xung quanh căn cứ Djibouti. Theo cáo buộc của Mỹ, tháng 5/2018, máy bay quân sự của Mỹ đã bị chiếu ánh sáng laser từ căn cứ của Trung Quốc ở Djibouti. Tuy nhiên, sau đó Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ điều này, cho rằng cáo buộc của Mỹ hoàn toàn không đúng thực tế.
Tháng 6/2019, Chuẩn Đô đốc Heidi Berg, người đứng đầu bộ phận tình báo của AFRICOM tiết lộ, căn cứ quân sự của Trung Quốc ở Djibouti đã cố gắng "hạn chế không phận quốc tế" và cấm máy bay bay qua khu vực này.
Quân đội Trung Quốc ở Djibouti có hành động “vô trách nhiệm”, quấy rối lực lượng Mỹ tại căn cứ Camp Lemonnier, khi Lực lượng của PLA đã chiếu Laser vào máy bay Mỹ và triển khai UAV can thiệp vào hoạt động bay của các máy bay này.
Châu Phi là một trong những khu vực cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ. Djibouti giáp với Somalia và nằm tại khu vực Sừng châu Phi, vị trí chiến lược với các tuyến hàng hải quốc tế đi qua kênh đào Suez.
Vịnh Aden là nơi cướp biển Somalia hoành hành, buộc các nước như Mỹ, Nga và Trung Quốc triển khai lực lượng chiến hạm hộ tống tàu chở hàng. Căn cứ của Mỹ mang tên Lemonnier chỉ cách cơ sở Trung Quốc vài km.
Căn cứ của Trung Quốc tại Djibouti gồm các trung tâm nạp nhiên liệu và hậu cần, cũng như cơ sở giải trí cho thủy thủ, phục vụ cho các tàu chiến Trung Quốc hoạt động tại vịnh Aden và những khu vực lân cận. Quy mô căn cứ có thể cho phép Trung Quốc triển khai tại đây tới 10.000 người.
Cựu đại tướng Thomas Waldhauser, từng giữ chức chỉ huy AFRICOM, năm 2017 cho biết việc căn cứ Mỹ gần cơ sở của Trung Quốc "gây ra một số lo ngại đáng kể về an ninh trong hoạt động tác chiến".