Mỹ nắm trong tay "cơ hội vàng" để "ly gián" Nga-Thổ: Tổng thống Putin liệu có ngồi yên nhìn "bàn cờ Syria sụp đổ"?

Mạnh Kiên |

Vụ việc binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng ở Syria có thể là cơ hội giúp Mỹ xoay chuyển tình thế trong quan hệ với Ankara sau đòn đánh S-400 của Nga.

Cơ hội cho Mỹ

Câu hỏi về tương lai mối quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đang gia tăng sau vụ việc binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng do pháo kích của lực lượng Chính phủ Syria hôm 4/2.

Đây được coi là một tình tiết mang tính bước ngoặt ở chiến trường Syria. Đặc biệt khi căng thẳng Nga-Thổ Nhĩ Kỳ bùng nổ lúc này có thể được coi là cơ hội cho Mỹ cải thiện mối quan hệ đang đầy những rạn nứt với Ankara.

Mỹ nắm trong tay cơ hội vàng để ly gián Nga-Thổ: Tổng thống Putin liệu có ngồi yên nhìn bàn cờ Syria sụp đổ? - Ảnh 1.

Mỹ đang có cơ hội hàn gắn rạn nứt với Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bước đi mới nhất, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tận dụng chuyến công du hai ngày tới Ukraine để tăng áp lực lên Moscow. Trong chuyến thăm này, ông Erdogan đã chỉ trích việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea và ký một thỏa thuận quân sự với Kiev.

"Với tình thế hiện tại của Nga, cùng với cuộc khủng hoảng đang gia tăng, cũng như chuyến thăm Ukraine của Thổ Nhĩ Kỳ - mọi thứ đã đạt đến điểm giới hạn", giáo sư quan hệ quốc tế Huseyin Bagci thuộc Đại học Kỹ thuật Trung Đông của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.

"Vì vậy, người Nga đang lâm vào thế khó. Trong khi Mỹ dường như là người tận hưởng chiến thắng", Bagci nói thêm.

Mối quan hệ sâu sắc giữa Ankara với Moscow trong vài năm trở lại đây đã gây lo ngại cho các đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ, đặc biệt là Mỹ. Nổi bật trong đó là các biện pháp trừng phạt mà Mỹ đưa ra với Thổ Nhĩ Kỳ xoay quanh thương vụ S-400.

Nhưng vụ việc quân đội Syria pháo kích làm thiệt mạng binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria có thể mở ra cơ hội thiết lập lại với Washington.

"Rất có thể, chúng ta sẽ sớm chứng kiến Tổng thống Erdogan thay đổi định hướng trong chính sách đối ngoại của mình", cựu đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ - Aydin Selcen, nêu quan điểm.

Tuy nhiên, bất chấp những gì đã xảy ra, Tổng thống Erdogan dường như đang ngăn chặn bất kỳ sự rạn nứt nào với Moscow.

"Chúng tôi không cần phải tham gia vào một cuộc xung đột hoặc mâu thuẫn nghiêm trọng với Nga trong giai đoạn này", Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói với các phóng viên trong khi trở về từ Ukraine.

"Chúng tôi không thể bỏ qua các quan hệ đối tác chiến lược với Nga. Đó là lý do tại sao chúng tôi sẽ ngồi lại và thảo luận mọi thứ, không phải trong sự tức giận vì điều đó sẽ chỉ gây hại", ông Erdogan nói thêm.

Khó thay đổi

Mỹ nắm trong tay cơ hội vàng để ly gián Nga-Thổ: Tổng thống Putin liệu có ngồi yên nhìn bàn cờ Syria sụp đổ? - Ảnh 3.

Tổng thống Putin sẽ không nhượng bộ Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo các nhà phân tích, mối quan hệ giữa Tổng thống Erdogan với Tổng thống Putin là động lực chính thúc đẩy mối quan hệ của hai nước. Điều này sẽ giúp cho họ giải quyết bất kỳ sự căng thẳng nào mà không gây ảnh hưởng đến chính sách.

"Chính sách ngoại giao của hai nhà lãnh đạo này là động cơ trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ", Selcen nói.

Ngoài ra, sự hoài nghi chưa bao giờ nguôi của Ankara về ý đồ của Washington trong khu vực cũng vẫn là một động lực mạnh mẽ để duy trì mối quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ.

"Có một điều khiến cho sự thay đổi là khó xảy ra: Thổ Nhĩ Kỳ không tin tưởng người Mỹ", giáo sư Bagci nói. "Trên mọi phương diện, chính sự thiếu tin tưởng này là cốt lõi khiến cho Thổ Nhĩ Kỳ hướng về Nga".

Về cơ bản, vụ pháo kích khiến binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng ở Syria chỉ được coi là một lời cảnh báo về việc Ankara có rất ít đòn bẩy trong mối quan hệ với Moscow.

"Ở thời điểm này, ông Putin tự tin rằng Thổ Nhĩ Kỳ không hề có ý định quay trở lại với Mỹ. Vì vậy, ông ấy không có lý do cũng như không có ý định cho chúng tôi một chút nhượng bộ nào dù chỉ nhỏ như mẩu bánh mì", nhà phân tích Atilla Yesilada từ Global Source Partners cho biết.

"Bởi vì ông ấy biết sẽ nhận được bất cứ điều gì mình muốn từ Thổ Nhĩ Kỳ. Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ nói không với bất cứ yêu cầu gì từ Mỹ và luôn nói có với Nga".

Ở phía ngược lại, trong khi sự suy giảm niềm tin giữa Ankara và Washington ngày càng tăng, những nỗ lực cải thiện quan hệ hai nước được dự đoán sẽ vẫn căng thẳng.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng Washington vẫn không thể thành công trong việc xua tan những hoài nghi về sự tham gia của nước này trong cuộc đảo chính quân sự năm 2016 ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Putin là một trong những người đầu tiên cung cấp hỗ trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ trong đêm hỗn loạn đó.

Ngoài ra, các nhà phân tích cũng cho rằng, Tổng thống Erdogan cũng nhận thức được người đồng cấp Putin của mình là một đối thủ nguy hiểm như thế nào.

"Tổng thống Erdogan sẽ cẩn thận cho đến phút cuối cùng để không chọc giận ông Putin vì chúng tôi biết khi ông Putin tức giận, chúng tôi sẽ gặp rắc rối", giáo sư Bagci nói.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại