Mỹ muốn mua hệ thống đánh chặn “Vòm sắt” của Israel, chuyên gia khuyên: Đừng có dại!

Trung Phạm |

Theo chuyên gia, tỷ lệ đánh chặn thành công của Iron Dome chỉ là 5% chứ không phải 90% như Israel từng tuyên bố và họ tỏ ra nghi ngờ về tính hiệu quả của hệ thống phòng không này.

Câu chuyện bắt đầu vào tháng 10/2017 khi Mỹ bày tỏ ý định muốn mua một hệ thống phòng thủ Iron Dome ("Vòm sắt") của Israel với mục đích bảo vệ các lực lượng Mỹ đóng quân ở châu Âu và nhiều địa điểm khác trên thế giới.

Theo nhật báo Israel Yediot Ahronot, hiện nay Quân đội Mỹ chưa có một hệ thống phòng không nào để bắn hạ máy bay, hỏa tiễn, trực thăng hay các máy bay không người lái nên rất quan tâm tới khả năng sở hữu được một hệ thống như Iron Dome.

Thực tế, ngay từ năm 2016, Mỹ đã tiến hành nhiều đợt thử nghiệm với Iron Dome và đã thành công khi đánh chặn được một máy bay không người lái bằng tên lửa, khi đó Mỹ gọi với mật danh "Tamir".

Ngày 4/9/2017, Mỹ lại tiến hành một loạt thử nghiệm nữa ở New Mexico, sử dụng rất nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa, tất nhiên trong đó có cả Iron Dome.

Iron Dome là hệ thống phòng không di động do Công ty Công nghệ Quốc phòng Rafael và Tập đoàn Hàng không Vũ trụ Israel (IAI) phát triển nhằm đánh chặn và tiêu diệt các hỏa tiễn tầm ngắn và đạn pháo bắn từ khoảng cách từ 4 - 70 km.

Iron Dome được Israel chính thức đưa vào hoạt động tháng 3/2011. Ngày 7/4/2011, hệ thống này lần đầu tiên đã đánh chặn thành công hỏa tiễn BM-21 Grad phóng đi từ Gaza. Ngày 10/3/2012, Jerusalem Post đưa tin, "Vòm sắt" đã bắn hạ 90% số hỏa tiễn phóng đi từ Gaza nhằm vào các khu vực đông dân cư của Israel.

Giới chức Israel tuyên bố Vòm sắt đã hoạt động cực kỳ thành công. Tính đến cuối tháng 10/2014, Iron Dome đã đánh chặn được hơn 1.500 hỏa tiễn thuộc nhiều chủng loại khác nhau, tỷ lệ bắn trúng luôn là 90%.

Có lẽ chính vì thế mà các phương tiện truyền thông của Israel đã tỏ ra rất hồ hởi và tự tin khi Bộ Quốc phòng Mỹ cân nhắc trang bị hệ thống Iron Dome cho các lực lượng quân sự của mình.

Niềm tin của họ càng có cơ sở vững chắc hơn khi chính Mỹ đã đầu tư 900 triệu USD tài trợ cho quá trình phát triển Iron Dome và Raytheon cũng chính là đối tác sản xuất khoảng 50% bộ phận của hệ thống này trên đất Mỹ.

Truyền thông Israel cho rằng, nếu áp dụng được công nghệ này, Mỹ sẽ là quốc gia thứ hai duy nhất trên thế giới sở hữu được một hệ thống hiệu quả như vậy.

Mỹ muốn mua hệ thống đánh chặn “Vòm sắt” của Israel, chuyên gia khuyên: Đừng có dại! - Ảnh 1.

Giới chức Israel tuyên bố, tỷ lệ đánh chặn thành công của Iron Dome luôn là 90%. Ảnh: Haaretz

"Vòm sắt" có thực sự hiệu quả?

Trong bài viết đăng tải ngày 10/10, hãng tin Nga Sputnik lại đưa ra một góc nhìn hoàn toàn khác về Iron Dome khi trích dẫn những thông tin nghiên cứu về Iron Dome của Ted Postol, cựu Giáo sư Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) Mỹ.

Theo đó, sau khi nghiên cứu rất nhiều dữ liệu công khai, Giáo sư Postol cho rằng tỷ lệ đánh chặn của Iron Dome, theo nghĩa là phá hủy được đầu đạn hỏa tiễn, "chỉ rơi vào khoảng 5%, thậm chí còn thấp hơn".

Giáo sư Postol kết luận rất quả quyết, Chính phủ Israel đã "không nói đúng sự thật" về Iron Dome với người dân nước mình hay với Mỹ, quốc gia "đã tài trợ một khoản tiền lớn để thiết kế và chế tạo một hệ thống phòng thủ hỏa tiễn rõ ràng không hiệu quả".

Khi được Tạp chí Mỹ National Interest liên hệ phỏng vấn, Giáo sư Postol cũng bày tỏ sự hoài nghi về khả năng một vũ khí như Iron Dome lại có thể được sử dụng để bắn hạ cả máy bay không người lái và hỏa tiễn.

"Đánh chặn một chiếc máy bay không người lái là một thách thức hoàn toàn khác biệt so với bắn hạ một đầu đạn hỏa tiễn. Bất cứ ai tuyên bố rằng thành công trong việc bắn hạ được máy bay không người lái, trực thăng hay máy bay tầm thấp cũng tương tự như thành công trong bắn hạ hỏa tiễn thì chứng tỏ họ chẳng hiểu mình đang nói gì".

Các nhận xét của Postol cũng được khẳng định thêm bởi Richard Lloyd, chuyên gia vũ khí từng làm việc cho Raytheon khi ông nói rằng "các vụ đánh chặn đã không phá nổ được được các đầu đạn hỏa tiễn, do đó, hệ thống Iron Dome về cơ bản là thất bại".

Từ những phân tích nêu trên, Sputnik đã bóng gió truyền đi thông điệp rằng, Israel đã tiếp thị cho Mỹ một hệ thống "về cơ bản là thất bại". Tính hiệu quả của Iron Dome cũng thật đáng ngờ và rằng thật "xuẩn ngốc" khi Mỹ lại đi mua nó.

Video thực tiễn hoạt động của "Vòm sắt" Israel

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại