Tranh cãi về khoảng trống Mỹ để lại
Trước quyết định của Tổng thống Donald Trump về việc rút khỏi Syria, câu hỏi về việc ai sẽ là người lấp đầy khoảng trống quyền lực Mỹ để lại vẫn đang được tranh luận sôi nổi.
Tổng thống Trump và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ, Recep Tayyip Erdoğan, ban đầu đã đồng ý về việc tạo ra một khu vực an toàn ở miền Bắc Syria. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ thời điểm đó đã không chú trọng đến bản chất của khu vực nói trên.
Nhà lãnh đạo Mỹ dường như đã đồng tình với Tổng thống Erdoğan lúc đầu, nhưng đã điều chỉnh lại lập trường của mình dưới áp lực nội bộ to lớn.
Anh, Pháp, Đức đang nằm trong kế hoạch mới của Mỹ ở Syria?
Khi vấn đề lần đầu tiên được đem ra tranh luận, điều kiện duy nhất mà ông Trump muốn chỉ là loại bỏ tàn dư của khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria. Nói cách khác, Tổng thống Mỹ không quan tâm chuyện gì sẽ xảy ra chừng nào những kẻ khủng bố không còn ở trên mặt đất.
Tuy nhiên, trong những ngày tiếp theo, các ý kiến nội bộ của chính trường Mỹ đã phát động một chiến dịch phối hợp để đặt ra câu hỏi về tương lai của "người Kurd" – trong đó chủ yếu là số phận của Các Đơn vị Bảo vệ Nhân dân (YPG).
Đây là đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống IS nhưng lại bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, đe dọa đến an ninh quốc gia.
Ông Trump cảm thấy buộc phải đưa ra một số nhượng bộ nhất định khi cuộc tranh luận công khai chuyển sang thành làn sóng phản đối khi Mỹ rút quân. Sự bất đồng đó đã dẫn đến một cuộc tranh cãi về những gì cần gọi là khu vực bảo vệ cho người Kurd.
Người Thổ Nhĩ Kỳ, thích gọi đây là "vùng an toàn", tin rằng nó có thể bảo vệ họ khỏi các cuộc tấn công từ YPG và IS, đồng thời cung cấp cho người tị nạn Syria một động lực tích cực để trở về nhà.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ tự tin vào kế hoạch này, bởi vì họ đã thực hiện thành công trong các thành trì khủng bố trước đây như Jarablus, al-Bab và Afrin. Các nỗ lực ổn định và tái thiết của Thổ Nhĩ Kỳ tại đó, bao gồm hỗ trợ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và an toàn công cộng, đã cải thiện tình hình an ninhvà tạo điều kiện cho 350.000 người tị nạn Syria trở về nhà.
Với việc Mỹ có kế hoạch rút lui khỏi một vùng lãnh thổ rộng lớn hơn, mô hình của Thổ Nhĩ Kỳ đang kỳ vọng có thể thuyết phục khoảng 1 triệu người tị nạn về Syria và làm giảm bớt cuộc khủng hoảng di cư ảnh hưởng đến châu Âu. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ phải chịu trách nhiệm cho mô hình đó hoạt động hiệu quả.
Mỹ muốn đưa đội quân châu Âu vào Syria?
Theo bình luận viên Yahya Bostan của tờ Daily Sabah, về phần mình, chính quyền Trump lại không nghĩ như Thổ Nhĩ Kỳ. Washington muốn tạo ra vùng đệm ở miền Bắc Syria theo kiểu khác. Theo đó, họ muốn một bên thứ ba kiểm soát khu vực này sau sự ra đi của lực lượng Mỹ.
Người Mỹ tin họ có thể ngăn chặn các cuộc tấn công tiềm năng của người Kurd chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và ổn định khu vực bằng cách thực hiện đúng theo kế hoạch của riêng mình.
Một nguồn tin Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, Tổng thống Trump muốn quân đội châu Âu lấp đầy khoảng trống quyền lực mới nổi ở miền Bắc Syria. Mặc dù chưa có tuyên bố chính thức nhưng Mỹ dường như đang âm thầm thực hiện kế hoạch này.
Tờ Washington Post đã xác nhận lại nguồn tin và Thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã nhắc đến kế hoạch tương tự như vậy tại Hội nghị An ninh Munich vào cuối tuần qua. Theo đó, Mỹ muốn Anh, Đức và Pháp sẽ là các lực lượng thực thi vùng đệm được đề xuất.
Tuy nhiên, bình luận viên Bostan tin rằng, kế hoạch đó của Mỹ sẽ không bao giờ thực sự hoạt động. Chưa cần nói đến những căng thẳng giữa Washington và Liên minh châu Âu (EU) về ý tưởng thành lập quân đội chung châu Âu, ba quốc gia được nhắc tới trong kế hoạch nói trên về cơ bản là thiếu khả năng ổn định miền Bắc Syria.
Thậm chí, việc triển khai thêm khoảng 2.000 binh sĩ ở phía Đông sông Euphrates sẽ không là biện pháp có khả năng vô hiệu hóa mối đe dọa người Kurd trong mắt Thổ Nhĩ Kỳ, mà thậm chí còn khiến cho nước này càng thêm lo ngại.
Cần phải nhớ rằng, Ankara đã tiến hành các chiến dịch quân sự ở Jarablus, al-Bab và Afrin (cũng như gây áp lực lên Manbij) bất chấp sự hiện diện của Mỹ ở Syria. Do đó, không có lý do gì để tin rằng người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bỏ qua những gì họ coi là mối đe dọa hiện hữu nếu đổi lại là Anh, Pháp và Đức ở đó.
Một vấn đề nữa là bất kỳ hành động quân sự nào không có sự cho phép của Chính phủ Syria đều được coi là thiếu tính hợp pháp theo luật pháp quốc tế.
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cả ba nước nói trên đều không có tiếng nói thực sự ở Syria - không giống như Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran - những quốc gia có tư cách và quyền lực để thông qua mọi kế hoạch mới. Mỹ hay Anh, Pháp và Đức buộc phải tuân theo, trừ khi họ sẵn sàng mạo hiểm với những khủng hoảng nghiêm trọng.