Mỹ muốn chống phá Triều Tiên ở Thế vận hội mùa Đông 2018?

Thùy Dương |

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ dẫn đầu đoàn Mỹ tham dự Thế vận hội (Olympic) mùa Đông diễn ra vào tháng tới.

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ dẫn đầu đoàn Mỹ tham dự Thế vận hội (Olympic) mùa Đông diễn ra vào tháng tới tại PyeongChang, Hàn Quốc.

Theo một người thân cận của ông Pence, chuyến đi sắp tới không chỉ để củng cố sự hiện diện mạnh mẽ của Hoa Kỳ trên bán đảo Triều Tiên, mà sẽ là dịp để ông Pence thay mặt Washington chống lại những ý định của Triều Tiên xoay quanh bàn đàm phán liên Triều.

Nghi ngờ sự “thân thiện” bất thường

Theo Reuters ngày 24/1, nguồn tin từ người trong phái đoàn Mỹ tham dự Olympic PyeongChang sắp tới cho biết, Phó Tổng thống Mike Pence sẽ có mặt tại sự kiện thể thao này không chỉ vì mục đích lễ nghi mà còn cố gắng thu thập manh mối để chứng minh cho những nghi ngờ của ông Pence và Nhà Trắng suốt thời gian qua đối với sự thay đổi đột ngột của Triều Tiên.

Trước đó, mối quan hệ của Triều Tiên và Mỹ đã căng thẳng tới đỉnh điểm khi Triều Tiên bắn thử tên lửa Hỏa Tinh-15 xuyên lục địa và tuyên bố vũ khí tầm xa và sức mạnh hạt nhân của nước này có thể vươn tới Mỹ.

Tiếp theo đó, các phát ngôn gây hấn qua lại giữa lãnh đạo Washington và Bình Nhưỡng đã khiến thế giới lo lắng về nguy cơ của một cuộc chiến mới.

Tuy nhiên, đến đầu năm 2018, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã thay đổi đột ngột khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố để ngỏ việc nước này có thể cử một phái đoàn tham gia Olympic PyeongChang và sẵn sàng đàm phán với Hàn Quốc về vấn đề này.

Cơ hội này đã được chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nắm bắt nhanh chóng. Tuy nhiên, sự thân thiện bất ngờ của Triều Tiên đã khiến không chỉ Mỹ, mà cả Nhật Bản đặt dấu hỏi và yêu cầu Hàn Quốc cảnh giác.

Mặc dù, Tổng thống Mỹ Donald Trump và các cố vấn hàng đầu đã hoan nghênh công khai các cuộc đàm phán gần đây giữa hai miền Triều Tiên, nhưng các quan chức Mỹ đã bày tỏ sự quan ngại rằng, Bình Nhưỡng có thể đang cố gắng chia rẽ các đồng minh Washington và Seoul.

Các quan chức Mỹ cũng cho rằng, đàm phán liên Triều và việc Triều Tiên tham dự Olympic chỉ là một phần trong chiến dịch tuyên truyền kéo dài trong thời gian diễn ra Thế vận hội, nhằm thống nhất hai miền Triều Tiên hay ít nhất là muốn cộng đồng quốc tế nới lỏng các biện pháp trừng phạt lên đất nước này.

Một số chính trị gia đối lập và bảo thủ của Hàn Quốc đã công khai phản đối sự tham gia của Triều Tiên ở sự kiện này.

Cho tới nay, việc Triều Tiên tham dự Olympic đã được chấp thuận bởi Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC). Không những thế, nếu không có gì thay đổi, các vận động viên Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng đi diễu hành dưới 1 lá cờ chung trong lễ khai mạc sự kiện thể thao lớn và được chú ý trên quy mô toàn cầu này.

Vì vậy, với mối lo ngại đặc biệt, ông Pence dự kiến ​​sẽ sử dụng thời gian của mình tại Thế vận hội để cố gắng phản bác và chống lại những nỗ lực tuyên truyền của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hay nói cách khác, theo bình luận của Reuters, ông Pence sẽ cố gắng “vạch trần kế hoạch” của Triều Tiên tại sự kiện này.

Trước đó, Jarrod Agen, Trợ lý Phó Tổng thống cho biết, ông Pence sẽ đến Thế vận hội để củng cố sự hiện diện mạnh mẽ của Hoa Kỳ trên bán đảo Triều Tiên và gửi một thông điệp rõ ràng về cách Washington sẽ giải quyết vấn đề với Bình Nhưỡng.

Chính phủ Hàn Quốc hôm thứ ba (23/1) đã bác bỏ lời chỉ trích rằng, Thế vận hội đã bị Triều Tiên kiểm soát và cho rằng, sự kiện này sẽ giúp xoa dịu căng thẳng đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Trong diễn biến liên quan, Reuters đưa tin, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ngày 24/1 đã xác nhận kế hoạch tham dự Thế vận hội mùa Đông PyeongChang. Phát biểu với phóng viên tại Dinh Thủ tướng, ông Abe nhấn mạnh rằng: “Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cần hợp tác chặt chẽ nhằm đối phó với mối đe dọa từ Triều Tiên, đồng thời tiếp tục gây sức ép tối đa đối với Bình Nhưỡng”.

Sự xuất hiện đáng ngờ của cựu điệp viên Triều Tiên

Trong một phỏng vấn phát trên kênh truyền hình NBC News của Mỹ ngày 23/1, cựu điệp viên Triều Tiên Kim Hyon-hui, đã cảnh báo thế giới không nên tin tưởng vào ông Kim Jong-un, trong bối cảnh Olympic mùa Đông 2018 chuẩn bị diễn ra tại Hàn Quốc.

Bà Kim tiết lộ rằng, cố lãnh đạo Kim Jong-il ra lệnh tiến hành vụ đánh bom năm 1987 nhằm phá hoại Thế vận hội mùa hè năm 1988 tổ chức tại Hàn Quốc và nhận định rằng, cũng có những động cơ đen tối đứng đằng sau quyết định của nhà lãnh đạo Kim Jong-un khi cử các vận động viên Triều Tiên tham dự Thế vận hội năm nay, tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ bị Bình Nhưỡng bác bỏ.

Cựu điệp viên Triều Tiên cho rằng, Triều Tiên sử dụng Thế vận hội như một phương thức khôn khéo để thoát khỏi lệnh trừng phạt hà khắc và sự cô lập từ cộng đồng quốc tế. Bà cũng cho rằng, đội tuyển chung của hai miền Triều Tiên tham dự Thế vận hội là “một chiêu trò” của Bình Nhưỡng nhằm khơi dậy lại nguồn cội “chung một mái nhà” giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Dư luận cũng cho rằng, việc cựu điệp viên Triều Tiên lại xuất hiện trước truyền thông vào thời điểm này và lên tiếng tố cáo chính quyền mà bà Kim trước đây từng phục vụ không phải là sự ngẫu nhiên mà có sự toan tính từ phía Mỹ và đồng minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại