Mỹ muốn châu Âu viện trợ cho xung đột ở Ukraine

Vũ Thanh |

Mỹ khó có thể cung cấp viện trợ tài chính và quân sự đáng kể cho Ukraine trong tương lai gần, nhưng vẫn còn nghi ngờ về việc liệu châu Âu có đủ khả năng thay thế Washington hay không.

Mỹ muốn châu Âu viện trợ cho xung đột ở Ukraine- Ảnh 1.

Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock (phải) và Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi Mỹ và đồng minh ở phương Tây tiếp tục tái khẳng định cam kết tăng cường hơn nữa khả năng phòng thủ của Ukraine, không có gì đảm bảo rằng năm nay quốc gia Đông Âu này sẽ được phương Tây hỗ trợ giống như năm 2022 và 2023.

Nikola Mikovic, nhà bình luận và nhà báo tự do ở Serbia cho rằng trên thực tế, Mỹ khó có thể cung cấp viện trợ tài chính và quân sự đáng kể cho Ukraine trong tương lai gần, và vẫn còn khá nhiều nghi vấn liệu châu Âu có đủ khả năng thay thế Washington trở thành nhà ủng hộ chính cho Kiev hay không.

Trong tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng NATO-Ukraine tại Brussels ngày 10/1, liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu cho biết họ sẽ tiếp tục cung cấp cho Ukraine những hỗ trợ lớn về quân sự, kinh tế và nhân đạo, trong khi nhiều thành viên NATO vạch ra kế hoạch cung cấp “hàng tỷ euro vào năm 2024”. Những động thái như vậy chắc chắn sẽ khuyến khích Kiev tiếp tục chiến đấu, mặc dù chúng có thể tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế châu Âu.

Tuy nhiên, Nhà Trắng hồi đầu tháng này tuyên bố "không có tiền" cho gói viện trợ mới cho Ukraine. Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby ngày 4/1 nêu rõ: "Chúng tôi hiện đã trao cho Ukraine gói hỗ trợ an ninh cuối cùng và chúng tôi phải nhận được sự hỗ trợ từ Quốc hội để có thể tiếp tục làm điều đó". Cho đến nay, Quốc hội Mỹ vẫn không thông qua nguồn tài trợ bổ sung cho Ukraine theo đề xuất của Tổng thống Joe Biden, đó là lý do Nhà Trắng không thể công bố thêm các gói viện trợ quân sự.

Trong bối cảnh đó, theo tờ Politico, các quan chức châu Âu đã liên tục đến thăm Kiev với cam kết hỗ trợ nhiều hơn khi Nga tiếp tục các cuộc không kích không ngừng nghỉ nhằm vào Ukraine.

Ngoại trưởng Pháp mới được bổ nhiệm Stéphane Séjourné hôm 13/1 cho biết tại Kiev rằng Ukraine sẽ vẫn là “ưu tiên của Pháp” bất chấp “các cuộc khủng hoảng ngày càng gia tăng” trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi được bổ nhiệm vào tuần trước đó. Ông Séjourné ca ngợi một “giai đoạn mới” trong việc sản xuất vũ khí chung với Ukraine trong cuộc họp báo với người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba.

Ngoại trường Pháp Séjourné cam kết tăng cường hợp tác chung với Ukraine và “củng cố năng lực sản xuất của Ukraine trên lãnh thổ của mình” với các công ty hàng đầu của Pháp. Pháp cũng đang đàm phán một hiệp ước an ninh với Ukraine nhưng chi tiết vẫn chưa được công bố.

Chuyến đi của ông Séjourné diễn ra ngay sau chuyến thăm hôm 12/1 của Thủ tướng Anh Rishi Sunak, trong đó ông Sunak đã công bố một hiệp ước an ninh kéo dài nhiều năm với Ukraine. Nhà lãnh đạo Anh đã cam kết viện trợ quân sự trị giá 2,5 tỷ bảng Anh (2,9 tỷ euro) cho Ukraine trong giai đoạn 2024-2025, khi ông gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở Kiev.

Chuyến thăm của các nhà lãnh đạo châu Âu diễn ra sau nhiều tuần Nga tiếp tục không kích Ukraine và trong bối cảnh có lo ngại rằng sự giúp đỡ của Mỹ đã bị đình trệ do Quốc hội cản trở và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk dự kiến cũng sẽ đến Kiev trong tuần này. Theo hãng tin Reuters, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen ngày 17/1 bày tỏ tin tưởng rằng tất cả 27 quốc gia thành viên EU sẽ đồng ý gia hạn thêm viện trợ tài chính cho Ukraine, vượt qua sự phản đối của Hungary và thực hiện cam kết với Kiev.

Đầu tháng này, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã đưa ra lời kêu gọi bất thường tới các nước EU khác hãy cung cấp thêm vũ khí cho Ukraine. Ông nói, số lượng vũ khí được lên kế hoạch chuyển giao cho đến nay là "quá nhỏ", bất chấp cam kết của Berlin sẽ tăng gấp đôi viện trợ quân sự cho Kiev lên 8 tỷ euro trong năm nay.

Theo Viện Kiel, cơ quan  thống kê viện trợ quân sự cho Ukraine, Đức là nhà tài trợ cho Ukraine cao thứ hai vào năm ngoái sau Mỹ, với 17,1 tỷ euro; tiếp theo là Anh với 6,6 tỷ euro và sau đó là các nước Bắc Âu, Đông EU. Trong khi đó, Pháp chỉ đóng góp 0,54 tỷ euro, Italy 0,69 tỷ euro và Tây Ban Nha 0,34 tỷ euro.

Mỹ muốn châu Âu viện trợ cho xung đột ở Ukraine- Ảnh 2.

Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy các đồng minh NATO tài trợ và trang bị vũ khí cho Kiev chiến đấu với Moskva. Ảnh: UNIAN

Mỹ đang hưởng lợi từ xung đột ở Ukraine

Hiện tại, ông Mikovic nhận định Mỹ dường như là nước hưởng lợi chính từ cuộc xung đột Ukraine, vốn đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của một số nước châu Âu. Theo báo cáo, nền kinh tế Đức suy thoái vào năm 2023, trong khi EU có mức tăng trưởng kinh tế khá thấp – chỉ 0,6%. Mặt khác, nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 5,2%. Nhưng bất chấp điều đó, Washington được cho là không có kế hoạch tiếp tục “đầu tư” vào Ukraine như cách họ đã làm trước đây.

“Mỹ sẽ hỗ trợ Ukraine miễn là cần thiết, nhưng không nhất thiết ở mức độ năm 2022 và 2023”, Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố hôm 4/1. Vì Ukraine gần như chắc chắn không thể một mình tiếp tục chiến đấu với Nga nên chính châu Âu, chứ không phải Mỹ, sẽ phải tài trợ cho Kiev và cung cấp vũ khí cho nước này. Nhưng không phải tất cả các nước châu Âu đều sẵn sàng thực hiện các biện pháp như vậy.

Hungary đã chặn khoản viện trợ tài chính trị giá 54 tỷ USD của EU cho Ukraine, trong khi nước láng giềng Slovakia từ chối gói viện trợ quân sự mới nhất cho Kiev vào tháng 11/2023. Do đó, nếu Budapest và Bratislava gián tiếp ngăn cản các nỗ lực của EU và NATO, thì cam kết của EU trở nên khá đáng nghi ngờ.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là điều mà Nga gọi là “phương Tây tập thể” sẽ hoàn toàn từ bỏ Ukraine. Có một số tín hiệu cho thấy Kiev có thể sớm nhận được hệ thống phòng không từ các thành viên NATO. Tuy nhiên, vấn đề đối với Ukraine là những vũ khí như vậy khó có thể có tác động mang tính quyết định đến cán cân lực lượng và kết quả cuộc xung đột.

Ngay cả khi EU cung cấp cho Ukraine tên lửa tầm xa và tên lửa phòng không, vấn đề mà Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh của khối Josep Borrell ủng hộ, điều đó sẽ không dẫn đến chiến thắng nhanh chóng của Kiev trước Moskva. Trong khi đó, các cuộc tấn công tên lửa vào Nga sẽ không có tác động đến tình hình trên thực địa, nơi dường như không bên nào có khả năng tạo ra bước đột phá đáng kể.

Nhận thức rõ điều đó, một số giới chính trị ở phương Tây dường như coi các cuộc đàm phán hòa bình giữa Moskva và Kiev là cách duy nhất để thoát khỏi tình trạng bế tắc quân sự hiện nay. Chẳng hạn, Bộ trưởng Quốc phòng Italy Guido Crosetto nhấn mạnh vào ngày 10/1 rằng ông thấy “những tín hiệu từ Nga và Ukraine rằng đã đến lúc ngoại giao mở đường cho hòa bình”.

Tuy nhiên, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gần đây nói rằng “hiện tại không có cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình giữa Nga và Ukraine”, trong khi Tổng thống Zelensky liên tục tuyên bố rằng “các cuộc đàm phán ngừng bắn với Moskva chỉ có thể bắt đầu khi Quân đội Nga hoàn toàn rút khỏi Ukraine”.

Như vậy, ông Mikovic nhận định, trong hoàn cảnh hiện tại, triển vọng hòa bình như tuyên bố của Bộ trưởng Crosetto có thể vẫn xa vời, đặc biệt khi Mỹ, với tư cách là nước ủng hộ chính của Ukraine, vào thời điểm này dường như không quan tâm đến bất kỳ thỏa thuận hòa bình hoặc ngừng bắn nào ở Ukraine.

Theo quan điểm của Washington, một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng giữa Ukraine và Nga sẽ đại diện cho sự thất bại về mặt địa chính trị của Mỹ, vì nó sẽ cho phép Điện Kremlin củng cố và chuẩn bị cho một đợt chiến đấu khác, trong khi Kiev gần như chắc chắn sẽ phải nhường một số lãnh thổ của mình cho Nga.

Đó là lý do tại sao Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy các đồng minh NATO tài trợ và trang bị vũ khí cho Kiev nhằm ngăn chặn Nga đạt được các mục tiêu chiến lược của mình ở quốc gia Đông Âu này. Kết quả là xung đột sẽ tiếp diễn, trong khi người nộp thuế ở châu Âu sẽ phải gánh chịu chi phí hỗ trợ Ukraine và chi phí sẽ rất cao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại