Không có "liên minh" nào với Thổ-Iran-Trung Quốc: Nước Nga của ông Putin vẫn "kiêu hãnh" và giữ "đỉnh cao quyền lực"?

Minh Thu |

Người ta vẫn thường nói về việc Nga đang thành lập những liên minh với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran hay Trung Quốc, nhằm đối đầu với phương Tây. Nhưng đó có thực sự là liên minh hay không? Câu trả lời dường như là không.

Bất chấp các lệnh trừng phạt mới của phương Tây, Nga tỏ ra mình không đơn độc và ngày càng định hình các mối quan hệ đối tác trên thế giới phát triển giống như một liên minh.

Mối quan hệ của Nga với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ được coi là minh chứng tiêu biểu nhất cho một liên minh chớm nở, với thương vụ tên lửa S-400 gần đây đã tạo ra một vết nứt mới giữa hai đối tác truyền thống Ankara và Washington.

Với sự sụp đổ của hệ thống kiểm soát vũ khí thời Liên Xô (hiệp ước INF), các nhà bình luận Nga đã lạc quan khi tin rằng họ không phải đơn độc đối mặt với Mỹ, khi sức mạnh quân sự của nước này được tăng cường bởi sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc – một quốc gia khác đang nổi lên như một đối tác ngày càng gắn bó.

Mặc dù vậy, giới phân tích vẫn chưa thể xác định được rằng, những dạng quan hệ nói trên của Nga có đúng theo nghĩa một liên minh thực sự như NATO hay Hiệp ước Warsaw năm xưa hay không.

Do đó, bên cạnh quan điểm Nga ngày càng có thêm các đối tác liên minh mới, một số quan điểm khác lại không nghĩ vậy.

"Liên minh" Nga với Thổ Nhĩ Kỳ

Thổ Nhĩ Kỳ được coi là một "phần thưởng lớn" của Nga, khi nói đến vị trí chiến lược và vai trò là trụ cột trong NATO. Nga đã cố gắng tách Thổ Nhĩ Kỳ khỏi liên minh truyền thống với Mỹ, bằng cách khai thác các rạn nứt trong mối quan hệ đó.

Trong một bài viết có tiêu đề: "Quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ cần một nền tảng mạnh mẽ hơn", chuyên gia Andre Kortunov từ Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, lập luận rằng quan hệ hai nước không nên nhìn nhận là một liên minh.

Theo Kortunov, việc Thổ Nhĩ Kỳ hoặc Nga chuyển hướng sang nhau sau khi bị Mỹ và EU trừng phạt là một nền tảng không an toàn cho mối quan hệ tốt đẹp.

"Nga không phải là sự thay thế cho sự hợp tác của Thổ Nhĩ Kỳ với Liên minh châu Âu, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ không phải là người thay thế cho Nga để giải quyết các vấn đề hiện có với Mỹ và châu Âu", ông viết.

Trong khi cây bút Anna Polyakova trên tờ Vzglyad.ru cũng đồng tình cho rằng: "Thổ Nhĩ Kỳ chỉ bắt đầu 'kết bạn' với Nga sau khi hợp tác với phương Tây xấu đi. Hơn một lần, Ankara đã chứng minh rằng đó là một đối tác không đáng tin cậy".

"Liên minh" Nga với Iran

Nga cùng với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ là 3 nhân tố chính trong tiến trình Astana, hướng tới một giải pháp hòa bình ở Syria. Tuy nhiên, bên cạnh những quan điểm bày tỏ sự hài lòng, vẫn còn đó những sự nghi ngờ dành cho Iran.

Tác giả Maxim Yusin trên tờ Kommersant của Nga nhấn mạnh rằng, Iran đã "hành động nhất quán" như một "đồng minh tình huống" của Moscow, nhưng "liên minh tình huống" giữa hai nước ở Syria gần như không "vững chắc như những gì nó thể hiện". Ông nói thêm rằng Moscow coi Iran là một đối tác "thất thường" và "không thể đoán trước".

Trong khi đó, chuyên gia Andre Kortunov của Nga cũng từng quan ngại về việc thuật ngữ "đối tác chiến lược" Nga-Iran đang bị lạm dụng quá mức và đi đến kết luận đầy hoài nghi rằng quan hệ này nên được gọi một cách hợp lý hơn là "quan hệ đối tác thận trọng", thay vì "quan hệ đối tác chiến lược".

Theo Kortunov, việc có một kẻ thù chung không đảm bảo mối quan hệ đối tác chiến lược vì "kẻ thù một lần có thể dễ dàng trở thành đồng minh trong tương lai".

Điều này đặc biệt đúng với sự phụ thuộc của cả Nga và Iran vào phương Tây. Tóm lại, Kortunov kết luận: "Có rất ít ý kiến ​​cho rằng sự tương tác hiện tại giữa Nga và Iran đủ điều kiện trở thành một quan hệ đối tác chiến lược đầy đủ".

"Liên minh" Nga với Trung Quốc

Không có liên minh nào với Thổ-Iran-Trung Quốc: Nước Nga của ông Putin vẫn kiêu hãnh và giữ đỉnh cao quyền lực? - Ảnh 2.

Quan hệ Nga-Trung Quốc vẫn được ví von là liên minh quân sự mới.

Quan hệ với Trung Quốc cũng phức tạp. Nhà sử học quân sự Ilya Polonsky trong một bài báo trên Tạp chí Military Review của Nga, đã đánh giá rằng chính sách của Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang thúc đẩy Trung Quốc và Nga tiến tới việc thành lập một liên minh quân sự toàn diện.

Tuy nhiên, Military Review cảnh báo Nga không được quên lợi ích của chính mình, điều mà ngay cả khi họ có mối quan hệ đối tác tốt đẹp với Bắc Kinh, lợi ích đó cũng không tương xứng, thậm chí còn xung đột.

"Đối với Bắc Kinh, điều quan trọng nhất đối với họ là sự khẳng định quyền bá chủ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Trung Á. Nếu ở phương Nam, lợi ích của Trung Quốc mâu thuẫn với lợi ích của Mỹ và các đối tác tại đây, thì ở phương Bắc, Trung Quốc cạnh tranh không chỉ với Mỹ và Nhật Bản, mà còn với Nga.

Tham vọng của Trung Quốc ở Viễn Đông và ở Đông Siberia không kém gì ở các nơi khác. Nga không nên quên điều này", ấn phẩm nhận định.

Chuyên gia quân sự Konstantin Sivkov đánh giá rằng nếu Mỹ triển khai các tên lửa tầm trung ở châu Á thì họ sẽ nhắm mục tiêu không chỉ Trung Quốc mà cả các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga ở khu vực Kamchatka.

Tuy nhiên, theo Sivkov, việc thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa chung với Trung Quốc sẽ phản tác dụng. "Moscow nên sử dụng công nghệ và khả năng của riêng mình mà hoàn toàn không cần chia sẻ nó ngay cả với Trung Quốc. Hôm nay Trung Quốc là bạn, ngày mai có thể không", Sivkov nhấn mạnh.

Đặc điểm riêng biệt của Nga

Trong một bài báo có tiêu đề "Sự cô đơn của dòng dõi lai", trợ lý Tổng thống Nga Vladislav Surkov, người còn được gọi là "Nhà tư tưởng của Điện Kremlin", đã giải thích cách mà Nga trong suốt lịch sử đã nỗ lực tìm kiếm các đồng minh ở phương Tây và phương Đông nhưng không thành công.

Theo Surkov, số phận của Nga chỉ có thể hành động một mình, không có đồng minh, do bản sắc đặc biệt của của đất nước có nét giống với cả châu Âu và châu Á, nhưng lại không hoàn toàn thuộc về một bên nào.

"Nga là một quốc gia nửa giống phương Tây, nửa giống phương Đông. Với tâm tính lai, lãnh thổ liên lục địa và lịch sử lưỡng cực. Nó rất lôi cuốn, tài năng, xinh đẹp và cô đơn. Giống như một đứa con lai", ông nói.

Surkov sau đó kết luận rằng lựa chọn duy nhất của Nga là trở thành đồng minh của chính mình và phát triển mạnh mẽ để giữ "đỉnh cao quyền lực".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại