Theo dữ liệu từ Trading Economics, tính đến sáng ngày 22/4, giá hàng loạt kim loại công nghiệp đều tăng mạnh.
Cụ thể, giá đồng đã tăng 1,12% lên mức 4,5478 USD/pound, mức cao nhất trong vòng gần 2 năm qua.
Giá nhôm đạt 2.689 USD/tấn, tăng 0,75% so với phiên trước đó, tăng cao nhất trong 2 năm trở lại đây. Kim loại này vốn được sử dụng trong lon, máy bay và tòa nhà.
Trong khi đó, giá thiếc cũng tăng vọt, đạt 35.582 USD/tấn, tăng 4,72%, đạt đỉnh kể từ tháng 6/2022.
Niken cũng chứng kiến giá tăng lên mức 19.468,5 USD/tấn, tăng 4,9%, cao nhất kể từ tháng 9/2023.
Nguyên nhân tăng giá hàng loạt này là do lo ngại thị trường thắt chặt hơn do lệnh cấm của Mỹ và Anh với kim loại Nga, cùng với đó là sự leo thang căng thẳng tại "chảo lửa" Trung Đông.
Theo đó, ngày 12/4, Bộ Tài chính Mỹ cho biết sẽ cấm nhập khẩu đồng, nickel và nhôm có nguồn gốc từ Nga vào lãnh thổ Mỹ. Ngoài ra, lệnh cấm cũng giới hạn giao dịch 3 kim loại này trên hai thị trường giao dịch kim loại ở London (Anh) và Chicago (Mỹ), đồng thời hạn chế giao dịch trong các hợp đồng mua bán thẳng.
Các lệnh trừng phạt của Mỹ và Anh đối với kim loại của Nga sẽ củng cố Trung Quốc trở thành người mua cuối cùng của Moscow đối với các mặt hàng quan trọng. Đồng thời lệnh cấm này cũng sẽ nâng cao vai trò của Thượng Hải như một địa điểm định giá các nguyên liệu quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.
Theo Citigroup, Nga là nhà sản xuất chính của cả ba kim loại, tạo ra 6% nhôm, 4% đồng và 11% kim loại niken có độ tinh khiết cao trên thế giới.
Thị trường kim loại lớn nhất thế giới đang phải vật lộn với lượng hàng tồn kho từ Nga ngày càng tăng, vốn được coi là ít được ưa chuộng hơn. Nhôm là mặt hàng "cực đoan nhất" với hơn 90% hàng tồn kho có nguồn gốc từ Nga, dẫn đến lo ngại rằng tiêu chuẩn giá có thể không phản ánh giá toàn cầu thực tế.
Tom Mulqueen, nhà phân tích tại Citi, cho biết các lệnh trừng phạt sẽ đẩy giá kim loại giao dịch trao đổi lên cao và tạo ra mức chiết khấu lớn hơn cho kim loại mới sản xuất của Nga.
Ông cho biết trong một ghi chú: “Trước lệnh cấm này, kim loại có nguồn gốc từ Nga ngày càng chiếm ưu thế do đó, giá cả ngày càng phản ánh mức chiết khấu cơ bản đối với các kim loại ít được ưa chuộng này”.
Thêm vào yếu tố hỗ trợ cho giá niken, Trung Quốc đang lên kế hoạch mua 200.000 tấn gang niken (NPI). Trong khi đó, Indonesia, nhà sản xuất niken lớn nhất thế giới và là nhà cung cấp niken chính cho Trung Quốc, vẫn đang xem xét phê duyệt hạn ngạch khai thác và nguồn cung quặng ngày càng khan hiếm.
Các biện pháp trừng phạt mới nhất không ngăn cản các công ty Nga đổ xô di chuyển kim loại được sản xuất trước ngày 13/4 hoặc thực hiện các giao dịch song phương độc lập với trao đổi kim loại.
Rusal, nhà sản xuất nhôm lớn nhất của Nga, cho biết các lệnh trừng phạt mới nhất sẽ không ảnh hưởng đến khả năng bán sản phẩm của họ vì vẫn có “nhu cầu lớn” đối với kim loại của Nga trên toàn cầu.
Trong một tuyên bố, Rusal cho biết: “Các hành động được công bố không ảnh hưởng đến khả năng cung cấp của công ty vì các giải pháp phân phối hậu cần toàn cầu của Rusal, khả năng tiếp cận hệ thống ngân hàng, hệ thống sản xuất và chất lượng tổng thể không bị ảnh hưởng”.
Nicholas Snowdon, nhà phân tích tại Goldman Sachs, cho biết ông dự đoán Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhập khẩu nguồn cung của Nga, trong khi Mỹ, Anh và những người tiêu dùng phương Tây khác xa lánh do các hạn chế.