Các quan chức cấp cao Mỹ ngày 27/9 cho biết, cáo buộc của Tổng thống Donald Trump về việc Trung Quốc can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ tháng 11 tới đánh dấu một giai đoạn mới trong chiến dịch gia tăng áp lực với Bắc Kinh mà Washington đang theo đuổi trên nhiều mặt trận.
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton (sau) đang đóng vai trò chủ chốt trong việc thuyết phục ông Trump có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. (Ảnh minh họa: Reuters)
“Chiến tranh tổng hợp”
Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, người lâu này được coi là có cách nhìn nhận khắt khe với Trung Quốc, đang đóng vai trò chủ chốt trong việc thuyết phục ông Trump có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Bắc Kinh.
Reuters dẫn lời 2 quan chức cấp cao Mỹ cho biết, cách tiếp cận này vượt ra ngoài cuộc chiến thương mại không khoan nhượng giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới và sẽ bao gồm những tranh cãi khác như các hoạt động trên không gian mạng, vấn đề Đài Loan (Trung Quốc) và Biển Đông.
Chiến lược trên mới đang ở giai đoạn hình thành nhưng Mỹ được cho là sẽ có các hành động chính sách nhằm vào Trung Quốc trong những tuần tới dù chưa biết cụ thể đó là gì.
Nhà Trắng hiện không trả lời câu hỏi Reuters yêu cầu làm rõ những quan điểm trên.
Trước đó, ông Trump đã nói trước Liên Hợp Quốc hôm 26/9 rằng Trung Quốc đang tìm cách xoay chuyển cục diện cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ ngày 6/11 tới nhằm chống lại đảng Cộng hòa để "trừng phạt" ông vì cuộc chiến thương mại.
Cáo buộc được đưa ra trong thời điểm cực kỳ căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Bắc Kinh. Tuy nhiên, người đứng đầu nước Mỹ không đưa ra bất cứ bằng chứng nào.
Điều này đặt ra câu hỏi, liệu ông Trump có đang tìm cách phân tán sự chú ý của dư luận khỏi cuộc điều tra xem đội ngũ tranh cử của ông năm 2016 có cấu kết với Nga hay không, đồng thời gài sẵn một cái "bẫy" với Trung Quốc trong trường hợp đảng Cộng hòa thực sự đạt kết quả kém trong cuộc bầu cử giữa kỳ. Cuộc bầu cử tháng 11 tới sẽ quyết định đảng Cộng hòa liệu còn có thể kiểm soát cả 2 viện Quốc hội Mỹ nữa không.
Tuy nhiên, các quan chức cấp cao Mỹ khẳng định rằng trong Nhà Trắng ngày càng có nhiều dự cảm rằng ông Trump cần phải đưa ra một lời cảnh báo ở cấp cao rằng Trung Quốc là một đối thủ mạnh khác, bên cạnh Nga, đang phát động "chiến tranh tổng hợp" (hybrid warfare bao gồm nhiều cuộc chiến trên các mặt trận chính trị, không gian mạng…) nhằm vào các lợi ích của Mỹ.
Trong các diễn biến xung đột gần đây có việc Washington trừng phạt một cơ quan quân sự của Trung Quốc và giám đốc cơ quan này vì mua chiến cơ và hệ thống tên lửa từ Nga, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ với Nga. Bắc Kinh sau đó đã triệu Đại sứ Mỹ tại đây đến để chỉ trích và hoãn đối thoại quân sự giữa 2 nước.
Gia tăng áp lực trên mọi phương diện
Chính quyền của Tổng thống Trump đang tìm cách công kích Trung Quốc mạnh mẽ hơn trên nhiều mặt trận, trong đó có cái gọi là “các chiến dịch tạo ảnh hưởng chính trị”, một vấn đề mà gần đây ông Trump đã được thông tin rất nhiều từ đội ngũ tình báo của Mỹ.
“Chúng tôi đang ở thời điểm có thể bắt đầu hành động với các biện pháp gia tăng áp lực trên mọi phương diện, đặc biệt là vì vấn đề thương mại” – quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ chia sẻ với Reuters.
Washington từ lâu đã xác định Trung Quốc là thủ phạm chính trong các vụ tấn công mạng nhằm vào dữ liệu của chính phủ và các công ty của Mỹ.
Nhưng quan chức Mỹ và các nhà phân tích cho biết, họ vẫn chưa phát hiện được một kiểu chiến dịch chính trị có hệ thống, trong đó có các hoạt động thao túng trên mạng xã hội, như Nga bị cho là đã làm suốt thời gian bầu cử Mỹ năm 2016.
Trung Quốc cũng kịch liệt bác bỏ cáo buộc “vô căn cứ” rằng nước này tìm cách can thiệp bầu cử Mỹ.
Hành động cụ thể duy nhất từ phía Trung Quốc mà ông Trump viện dẫn trong cáo buộc ngày 26/9 là việc Bắc Kinh “sắp đặt các quảng cáo tuyên truyền” trên báo Mỹ, ý nói việc truyền thông nhà nước Trung Quốc quảng bá về lợi ích chung của thương mại Mỹ - Trung trải rộng trên 4 trang của Sunday Des Moines Register, một tờ nhật báo ở Des Moines, bang Iowa.
Iowa là bang đã bầu cho ông Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 nhưng nông dân ở đây lại đang phải đối mặt với những thiệt hại nghiêm trọng vì cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, việc các chính phủ nước ngoài mua “đất” quảng cáo trên các trang báo Mỹ để quảng bá thương mại là khá phổ biến và hoàn toàn khác chiến dịch bí mật của một cơ quan tình báo.
“Chính phủ Trung Quốc đã sử dụng mọi cách thức để khiến chúng ta đảo ngược chính sách” - một người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ trả lời khi được yêu cầu bình luận về vấn đề trên.
“Họ đang nhằm vào thuế quan và trả đũa nhằm vào nông dân, công nhân ở những bang và những quân từng bầu cho ông Trump. Họ sử dụng các công cụ chính trị, kinh tế, thương mại, quân sự và truyền thông khác để có lợi cho Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Chính quyền của ông Trump dường như rất quyết tâm gây sức ép sâu và rộng hơn nữa với Trung Quốc, kể cả khi có nguy cơ bị Bắc Kinh đáp trả khốc liệt.
Chẳng hạn như quan chức Mỹ cho biết, Washington đang xem xét các biện pháp cứng rắn hơn đối với những kẻ do thám và trộm cắp qua mạng của Trung Quốc, tuy nhiên quan chức này không nêu thêm chi tiết.
Hồi đầu tuần này, quân đội Mỹ cũng đã thể hiện rằng Washington sẵn sàng tiếp tục thách thức các tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông khi điều máy bay ném bom B-52 bay qua đây.
Cũng trong tuần qua, Bắc Kinh lại bị chọc giận khi Mỹ thông qua việc bán phụ tùng thay thế của các chiến cơ F-16 và những máy bay quân sự khác trị giá tới 330 triệu USD cho Đài Loan (Trung Quốc).
Cùng với đó, các quan chức ở Washington cũng ngày càng lo ngại rằng Trung Quốc có thể không còn tuân thủ đầy đủ một số lệnh trừng phạt quốc tế với Triều Tiên, do đó họ cho rằng Mỹ cần phải tiếp tục gia tăng áp lực trong vấn đề này.
Thế nhưng một số nhà phân tích hoài nghi rằng sự khôn ngoan đó có lẽ đã đi quá xa.
“Các va chạm và đòn bẩy có thể là những công cụ hữu hiệu trong các mối quan hệ quốc tế nếu chúng được sử dụng một cách sáng suốt, cụ thể là nhằm đáp trả những hành vi có vấn đề như của Trung Quốc” – ông Daniel Russel, cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á – Thái Bình Dương, nay là chuyên gia Viện nghiên cứu Chính sách Xã hội Châu Á (ASPI) nhận định.
“Tuy nhiên, một cuộc tấn công hung hãn và trực diện trên mọi lĩnh vực nhiều khả năng không thành công, nhất là lại nhằm vào một nước lớn và mạnh như Trung Quốc”./.