Các tác giả của báo cáo đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm trí tuệ nhân tạo của Bộ Quốc phòng Mỹ để đưa ra đánh giá về "các sáng kiến và thành tựu của Nga trong nỗ lực sử dụng AI và chế tạo các loại vũ khí tự động, cũng như đặt những sáng kiến đó vào bối cảnh phát triển công nghệ chung của Nga”.
Báo cáo nêu rõ: “Các nhà hoạch định chiến lược quân sự của Nga đã đặt ưu tiên hàng đầu vào cái mà họ gọi là “sự chiếm ưu thế về thông tin trên chiến trường và công nghệ AI cải tiến hứa hẹn sẽ tận dụng những dữ liệu sẵn có trên thực địa để bảo vệ lực lượng của Nga và gây bất lợi cho kẻ thù”.
Báo cáo của nhóm nghiên cứu liệt kê khoảng 20 loại khí tài đang được quân đội Nga phát triển, được tích hợp AI hoặc có khả năng tự vận hành ở một mức độ nào đó. Chúng bao gồm các phương tiện hoạt động trên biển, trên không, trên đất liền, các loại mìn chuyên dụng, thậm chí một robot hình người có khả năng cầm súng, lái ô tô và du hành trong vũ trụ.
Báo cáo được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thông báo rằng, nước này đã bắt đầu sản xuất robot chiến đấu tự động, có thể hoạt động độc lập trên chiến trường.
Có lẽ đáng chú ý nhất trong kho vũ khí hiện đại của Nga là loạt vũ khí có khả năng hạt nhân mà Tổng thống Putin giới thiệu trong bài phát biểu vào tháng 3/2018, với công nghệ có thể qua mặt hay đánh bại các hệ thống phòng thủ tiên tiến nhất trên thế giới, chẳng hạn như phương tiện bay siêu vượt âm Avangard, phương tiện không người lái dưới nước Poseidon trang bị ngư lôi và tên lửa siêu thanh Kinzhal.
Theo báo cáo, những vũ khí này sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi được cài đặt AI và các tính năng tự động.
Mặc dù vẫn còn nhiều thách thức lớn và tâm lý e dè trong việc nhường quyền quyết định xử lý các tình huống cho trí tuệ nhân tạo song vẫn có những chỉ dấu cho thấy các nỗ lực của Nga nhằm áp dụng năng lực tiên tiến này đang đạt được những bước tiến mới.
Một phần nhờ sự hợp tác với Trung Quốc – quốc gia được coi là “đối tác quan trọng của Moscow trong lĩnh vực công nghệ cao nói chung và trí tuệ nhân tạo nói riêng”.
Trung Quốc - nhân tố quyết định thắng lợi của Nga
Hợp tác trong lĩnh vực công nghệ cao là một phần của quan hệ đối tác chiến lược rộng lớn hơn giữa Nga và Trung Quốc do Tổng thống Nga Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình thúc đẩy. Quan hệ này ngày càng được tăng cường bất chấp nỗ lực của Mỹ sử dụng các biện pháp trừng phạt nhằm làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh hàng đầu.
Ông Samuel Bendett, một thành viên của CNA, cho biết, trước đây, sự hợp tác giữa Moscow và Bắc Kinh chủ yếu diễn ra bên ngoài lĩnh vực quốc phòng. Hiện tại, sự hợp tác quân sự ngày càng gia tăng đã mở cánh cửa giúp hai bên nâng cấp quan hệ một cách toàn diện hơn. Phát biểu với Newsweek, ông Bendett cho biết:
“Hầu hết tác động của mối quan hệ này được nhìn thấy trong lĩnh vực dân sự, lĩnh vực học thuật, nghiên cứu và phát triển trong không gian. Hiện nay, các cuộc tiếp xúc giữa quân đội 2 nước ngày càng gia tăng, chẳng hạn như 2 bên tham gia cuộc tập trận cấp chiến lược như Vostok”.
Chuyên gia này viện dẫn sự hỗ trợ của Nga đối với việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm tên lửa ở Trung Quốc như một ví dụ cho thấy mức độ tin cậy ngày càng gia tăng giữa hai quốc gia từng có lịch sử đối đầu do những diễn biến chính trị phức tạp thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Triển vọng hợp tác về AI hiện đang được quan tâm khi cả Nga và Trung Quốc đều tìm cách tăng cường hệ thống C4ISR (chỉ huy, kiểm soát, truyền thông, máy tính và tình báo, giám sát và trinh sát) của mỗi nước và gia tăng tần suất các cuộc tập trận chung.
Nhưng khi các dự án chung được thực hiện trong khuôn khổ những thỏa thuận lịch sử mà hai nhà lãnh đạo Nga-Trung Quốc ký kết, nhà nghiên cứu khoa học cấp cao Jeffrey Edmonds cho rằng, ngày càng khó xác định những công việc mà hai cường quốc đang làm.
“Theo quan điểm của Nga, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước là một trong những xu hướng nhất quán nhất trong chính sách của Nga vài thập kỷ qua. Những gì chúng ta đang chứng kiến là sự hợp tác quốc phòng ngày càng sâu rộng nhưng dường như cũng bí mật hơn”.
Mỹ lo lép vế
Triển vọng hợp tác giữa Nga và Trung Quốc trong lĩnh vực AI đã khiến một số nhà hoạch định chính sách của Mỹ lo ngại. Vào năm 2018, Mỹ đã thành lập Ủy ban An ninh Quốc gia về Trí tuệ Nhân tạo để xem xét những mối đe dọa liên quan đến khả năng các đối thủ cạnh tranh của nước này vũ khí hóa AI.
Báo cáo mới nhất của Ủy ban được công bố vào tháng 3/2021 khẳng định “năng lực kỹ thuật của quân đội Mỹ đang bị các đối thủ Nga và Trung Quốc thách thức”. Báo cáo chỉ ra rằng, hai quốc gia này đang theo đuổi một cuộc chạy đua về AI có khả năng vượt xa năng lực AI của Lầu Năm Góc.
Báo cáo cho biết thêm, Nga và Mỹ cũng hợp tác trong các nỗ lực liên quan đến AI nhưng ở mức độ rất hạn chế. Hơn nữa bầu không khí căng thẳng thời gian qua đã tác đồng tiêu cực đến cơ hội làm việc cùng nhau của cả hai bên, đồng thời tạo điều kiện phát triển mối quan hệ đang nở rộ giữa Nga và Trung Quốc.
“Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Mỹ gia tăng, Trung Quốc và Nga đã đạt được thỏa thuận mở rộng sự hợp tác trên lĩnh vực công nghệ, trong đó trí tuệ nhân tạo đóng vai trò then chốt trong các kế hoạch tương lai”, báo cao nhấn mạnh.
Dù một số nhà phân tích dự đoán, quan hệ nồng ấm giữa Moscow và Bắc Kinh có khả năng chững lại trong thời gian tới, nhưng báo cáo kết luận rằng “chưa có bất cứ dấu hiệu nào cho thấy sự rạn nứt ở thời điểm hiện tại, trên thực tế, xu hướng hợp tác ngày càng sâu rộng hơn, ngay cả trong cuộc chiến chống Covid-19”.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Trung vào tháng 6/2019 ở Moscow, Tổng thống Putin tuyên bố năm 2020 và 2021 là “năm hợp tác khoa học, kỹ thuật và đổi mới” giữa hai quốc gia. Thông điệp này đã được tái khẳng định hồi đầu năm 2021 khi các bên công bố kế hoạch cùng xây dựng trạm nghiên cứu trên Mặt Trăng và dự án xây hai nhà máy điện hạt nhân do Nga thiết kế tại Trung Quốc
Chuyên gia Edmonds của CNA lưu ý rằng, phạm vi hợp tác giữa Nga với Trung Quốc đã vượt xa phạm vi hợp tác của 2 nước này với Mỹ và do đó, bất cứ chiến lược nào của Mỹ nhằm thúc đẩy Nga và Trung Quốc tách rời nhau đều khó thực hiện được./.