Hôm thứ Năm (7/3), phát biểu trước các phóng viên tại Zagre, Croatia, Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu của Mỹ, Matthew A. Palmer cho biết, Nga "đã rất cố gắng" để phá hủy hiệp định gần đây giữa Hy Lạp và Bắc Macedonia, đồng thời đang tìm cách gây tác động tới những người gốc Serb tại Bosnia-Herzegovina.
Bán đảo Balkan hiện là một khu vực tranh giành địa chính trị trọng yếu giữa Nga và phương Tây.
EU và NATO gần đây đã mở rộng ảnh hưởng thông qua việc kết nạp thêm thành viên mới. Các quốc gia, bao gồm Serbia, Kosovo, Bắc Macedonia và Bosnia đều đang trong một số giai đoạn khác nhau của quá trình đàm phán gia nhập. Và điều này khiến Điện Kremlin không hài lòng.
"Những nơi mà Mỹ cùng các đối tác và đồng minh của chúng tôi muốn nhìn thấy một khu vực Tây Balkan dựa trên luật pháp, quy định, minh bạch và lãnh đạo tốt, Moscow lại nhìn thấy những lợi ích của họ trong Tây Balkan như một khu vực phải vật lộn với sự mất trật tự, thiếu niềm tin, xung đột và hỗn loạn", ông Palmer cảnh báo.
Theo ông, thậm chí cả việc Kosovo tạm dưng đánh thuế thương mại đối với sản phẩm của Serbia, có thể cũng đủ để bắt đầu các cuộc đàm phán giữa hai quốc gia.
Quá trình thảo luận bị ngưng trệ từ năm ngoái, sau khi Serbia phản đối đề nghị của Kosovo gia nhập Interpol, và Kosovo trả đũa bằng việc áp dụng rào cản thuế quan. Cả hai quốc gia cần phải hàn gắn quan hệ song phương mới đáp ứng được điều kiện trở thành thành viên của EU.
Phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ bày tỏ hy vọng, giới lãnh đạo Kosovo sẽ "thực hiện các bước cần thiết để hủy bỏ mức thuế và quay trở lại bàn đàm phán".
Đề cập tới việc Quốc hội Kosovo đã bỏ phiếu không chấp nhận bất kỳ sự thay đổi biên giới nào với nước láng giềng Kosovo như là một phần trong thỏa thuận tương lai, ông Palmer cho rằng, sự thay đổi vẫn có thể diễn ra.
"Chúng tôi tin tưởng bất kỳ thỏa thuận nào giữa Serbia và Kosovo cần phải do họ quyết định, có tính lâu dài và toàn diện", ông nhấn mạnh.
"Hoàn toàn có khả năng rằng, điều đó có thể bao gồm cả những sửa đổi đối với biên giới giữa Serbia và Kosovo. Nước Mỹ không tán thành điều đó, nhưng chúng tôi cũng không loại bỏ nó. Hầu hết các quốc gia EU và Mỹ đều đã công nhận Kosovo, trong khi Nga và Trung Quốc đứng về phía Serbia và cùng từ chối làm vậy".