Trung Quốc tự nguyện trả lại
"Sau các cuộc tham vấn hữu nghị giữa Trung Quốc và Mỹ, công tác trao trả UUV của Mỹ đã diễn ra suôn sẻ trên vùng biển hữu quan của Biển Đông vào trưa 20/12", Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết trong một thông báo, ngoài ra thông cáo không cho biết thêm chi tiết.
Ngay trước khi Trung Quốc tuyên bố đã trả lại Mỹ chiếc UUV, trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Mỹ đắc cử, Donald Trump lớn tiếng công kích Trung Quốc ngay cả khi Bắc Kinh nhất trí trao trả chiếc UUV này.
"Chúng ta sẽ nói với Trung Quốc rằng chúng ta không muốn nhận lại thiết bị lặn không người lái mà họ đã đánh cắp. Hãy cứ để họ giữ nó", ông Trump tuyên bố trên Twitter.
Tàu lặn Mỹ cùng loại với chiếc bị Trung Quốc thu giữ.
Trung Quốc đã bác cáo buộc của ông Donald Trump nói rằng nước này đã "đánh cắp" tàu lặn nghiên cứu của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng cáo buộc của ông Trump là không chính xác.
"Thử hình dung bạn tìm thấy một vật trên đường, bạn sẽ cần kiểm tra và xác minh nó trước khi trả lại cho người khác... hai nước đang liên lạc suôn sẻ qua các kênh quân sự, và chúng tôi tin rằng vụ việc này sẽ được giải quyết thỏa đáng", bà Hoa tuyên bố.
Trong khi đó, tờ Nhân dân Nhật báo xem tàu lặn Mỹ chẳng khác gì ''kẻ phạm tội'' khi do thám ở biển Đông. ''Tàu lặn không người lái này xuất hiện ở biển Đông là phần nổi của tảng băng trôi trong chiến lược quân sự của Mỹ, trong đó bao gồm đối sách với Trung Quốc'' - tờ báo viết.
Được biết, chiếc UUV hoạt động hợp pháp cách vịnh Subic của Philippines 50 hải lý (thuộc hải phận quốc tế), với mục đích thu thập dữ liệu về thời tiết, nước biển...
Tuy nhiên, giáo sư Trương Hoàng của Trường ĐH Quốc phòng Trung Quốc cho rằng thiết bị của Mỹ có thể được dùng để thu thập dữ liệu về vị trí và hoạt động tàu ngầm hạt nhân cũng như mọi hoạt động hàng hải của Trung Quốc ở biển Đông.
''Ngay khi tàu không người lái này đi vào vùng biển của chúng ta, nó có thể thu thập tất cả các loại thông tin về các tuyến tàu ngầm của hải quân Trung Quốc, từ đó đe dọa nghiêm trọng an ninh hải quân của chúng ta'' - ông Trương nói.
Ông Nguyên Chính, Chuyên gia nghiên cứu ngoại giao Mỹ tại Viện Khoa học xã hội Trung Quốc nhận định hành động tịch thu tàu lặn tự hành cho thấy Bắc Kinh không hài lòng trước hoạt động trinh sát tầm gần của Mỹ trên Biển Đông.
Thu UUV để răn đe
Theo nhận định của truyền thông quốc tế, việc Trung Quốc thu giữ chiếc UUV của Mỹ không gì khác nhằm mục đích răn đe các nước trong khu vực.
Trang Financial Times ngày 19/12 dẫn lời ông Nghê Lạc Hùng, chuyên gia về hàng hải từ Đại học Khoa học và công nghệ Hoa Đông, Thượng Hải bình luận:
Vụ bắt giữ là một lời nhắc nhở cho các nước lân cận trong khu vực Biển Đông, cũng như Hoa Kỳ và Nhật Bản rằng, hãy xem lại lập trường của Trung Quốc về vấn đề chủ quyền lãnh thổ.
Còn ông Li Mingjiang, một chuyên gia về Trung Quốc từ Trường Nghiên cứu quốc tế Rajaratnam ở Singapore nhận định, Bắc Kinh đã sẵn sàng mạo hiểm leo thang với Washington trong sự cố mới nhất, vì họ lo lắng trước kế hoạch của Mỹ, mở rộng sử dụng máy bay do thám hải quân ở Biển Đông.
"Lãnh đạo Quân đội Trung Quốc có lý do lo lắng về điều này - chiến lược mới nổi của hải quân Mỹ chống lại Trung Quốc ở Đông Nam Á. Nếu chiến lược này trở thành hiện thực, nó có thể khá bất lợi đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc", ông Li Mingjiang bình luận.
Trong khi đó, Tiến sĩ Ian Storey, thành viên cao cấp Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore cho rằng: "Hành động bắt giữ đó là bất hợp pháp, nó làm dấy lên mối quan tâm về việc, liệu Trung Quốc có thực sự sẵn sàng thừa nhận luật pháp quốc tế về tự do hàng hải hay không".
Học giả Graham từ Viện Lowy, Australia nêu ý tưởng, Hoa Kỳ sẽ phải đánh giá lại về cách thức hoạt động của các tàu phi vũ trang của mình ở Biển Đông. Cần phải có tàu hộ tống, hoặc nhân viên vũ trang trên các tàu nghiên cứu.