Mỹ lặng nhìn Trung Quốc nội địa hoá chip còn Hàn Quốc triển khai cụm sản xuất 37 nhà máy lớn nhất thế giới, Intel là hy vọng cuối cùng để thoát cảnh tụt hậu

Vũ Anh |

Tương lai của Mỹ với tư cách là nhà sản xuất chip có thể được khuếch đại nhờ bước nhảy vọt từ Intel - công ty Mỹ duy nhất trong cuộc đua ba bên với TSMC và Samsung để sản xuất chip tiên tiến.

Đầu tháng 4, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tuyên bố tầm quan trọng của chip đối với nền kinh tế đất nước.

“Cạnh tranh chất bán dẫn là một cuộc chiến công nghiệp. Một cuộc chiến toàn diện giữa các quốc gia”.

Theo WSJ, Hàn Quốc đang tập trung đẩy mạnh ngành sản xuất chất bán dẫn. Chỉ riêng đầu tư tư nhân đã trị giá khoảng 45 tỷ USD. Theo ước tính gần đây của ngành, con số trên gần bằng số tiền Mỹ dành ra để thoát khỏi mác ‘tụt hậu’.

Với kế hoạch được vạch ra đến gần năm 2050, chính phủ ông Yoon sẽ hỗ trợ thành lập cụm sản xuất chip lớn nhất thế giới tại Hàn Quốc, bao gồm 37 nhà máy, trải rộng trên 8 thành phố và tạo ra hơn 3 triệu việc làm.

Các nhà sản xuất chip hàng đầu châu Á chắc chắn sẽ không ngồi yên khi Mỹ tìm cách tăng cường sản xuất trở lại. Họ có chi phí thấp hơn, thời gian xây dựng nhanh hơn và lợi ích của chuỗi cung ứng cũng đã được thiết lập từ trước. Trong khi một số công ty Đài Loan và Hàn Quốc đang mở rộng hoạt động sản xuất sang Mỹ, công nghệ tiên tiến nhất lại được triển khai đầu tiên ở quê nhà.

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan TMSC dự kiến sẽ giới thiệu con chip nhỏ mạnh nhất thế giới vào năm tới—thứ đột phá cần thiết cho trí tuệ nhân tạo và điện thoại thông minh. Samsung Electronics thì chủ trương sản xuất chip bộ nhớ thế hệ tiếp theo ở Hàn Quốc; sẵn sàng tiếp cận nhân tài, tài nguyên thiên nhiên và nhà cung cấp có tiếng.

Chất bán dẫn chiếm khoảng 1/5 kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc. Đài Loan cũng dựa vào cái gọi là Lá chắn Silicon – niềm tin rằng lĩnh vực chip đóng vai trò rất quan trọng đối với thương mại toàn cầu.

Năm 1990, Mỹ và Châu Âu chiếm tổng cộng 81% thị phần sản xuất chip trên toàn thế giới, song trong những thập kỷ tiếp theo, nước này lần lượt bị những các đối thủ vượt qua. John VerWey, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm An ninh và Công nghệ mới nổi thuộc Đại học Georgetown, cho biết: “Họ có lợi thế vì sở hữu hệ sinh thái các nhà cung cấp rộng lớn trên toàn chuỗi cung ứng”.

Trước đây, khi dầu mỏ trở thành trụ cột của các nền kinh tế công nghiệp vào những năm 1900, Mỹ được coi là một trong những nhà sản xuất lớn nhất thế giới. Công cuộc đảm bảo nguồn cung cho chất bán dẫn khá phức tạp bởi chúng có nhiều loại, biến động giá không ngừng và phụ thuộc phần lớn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Với quy mô kinh tế, Mỹ không thể tự sản xuất toàn bộ.

Theo Boston Consulting Group và SIA, thị phần Mỹ trong sản xuất chip toàn cầu đã giảm từ 37% năm 1990 xuống còn 12% vào năm 2020. Trong khi đó, thị phần của Trung Quốc đại lục tăng từ khoảng 0 lên khoảng 15%. Đài Loan và Hàn Quốc mỗi nước chiếm hơn 20%, trong đó, nổi bật nhất là TSMC.

Mỹ lặng nhìn Trung Quốc nội địa hoá chip còn Hàn Quốc triển khai cụm sản xuất 37 nhà máy lớn nhất thế giới, Intel là hy vọng cuối cùng để thoát cảnh tụt hậu- Ảnh 2.

Tuy nhiên, tương lai của Mỹ với tư cách là nhà sản xuất chip có thể được khuếch đại nhờ các vòng tài trợ vốn hoặc bước nhảy vọt lớn từ Intel - công ty Mỹ duy nhất trong cuộc đua ba bên với TSMC và Samsung để sản xuất chip logic tiên tiến. Bản thân Hàn Quốc vô cùng hăm hở khi chính phủ mới đây công bố gói hỗ trợ trị giá 19 tỷ USD để củng cố ngành công nghiệp chip, trong khi năm ngoái, Đài Loan ban hành các ưu đãi khấu trừ thuế 25% cho hoạt động nghiên cứu và phát triển. Trung Quốc những ngày gần đây cũng đã cam kết chi khoảng 48 tỷ USD cho quỹ bán dẫn quốc gia.

Được biết từ 5 thập kỷ trước, Đài Loan đã chuyển hướng sang chất bán dẫn như một phần của quá trình chuyển đổi công nghiệp. Chip chiếm khoảng 2/5 lượng xuất khẩu vào năm ngoái. Bộ kinh tế Đài Loan, trong bài phát biểu gửi cho The Wall Street Journal vào đầu tháng 5, đã gọi ngành này là “ngọn núi thần”.

Các trung tâm công nghiệp được kết nối với nhau bằng đường sắt cao tốc, công viên khoa học và nhà máy sản xuất chip. Kỹ sư Đài Loan thì luôn sẵn sàng túc trực 24/24 để khắc phục sự cố tại nhà máy.

TSMC hiện đang thống trị lĩnh vực đóng gói tiên tiến. Các cơ sở hiện tại của hãng này hiện đều được đặt tại Đài Loan. Công ty chưa tiết lộ bất kỳ kế hoạch xây dựng cơ sở mới nào khác. Handel Jones, giám đốc điều hành của International Business Strategies, một công ty tư vấn ngành công nghiệp chip, cho biết: “Nếu TSMC gặp vấn đề thì về cơ bản toàn bộ ngành điện tử toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng”.

Trong khi đó, ngoài gói hỗ trợ trị giá 19 tỷ USD cho ngành công nghiệp chip, Hàn Quốc thu hút các cơ sở nghiên cứu và phát triển từ các đối tác nước ngoài hàng đầu cho cụm bán dẫn khổng lồ. Chính phủ cũng có kế hoạch bơm thêm khoảng 7 tỷ USD để hỗ trợ các nỗ lực R&D cho AI, đồng thời cam kết nhanh chóng phê duyệt đất đai, đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn điện và mở rộng tín dụng thuế cho các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng.

Trung Quốc cũng đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng chip, dù còn một chặng đường dài để thoát khỏi sự phụ thuộc vào công nghệ nước ngoài. SMIC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng được thành lập vào năm 2000 tại Thượng Hải, hiện cho thấy nỗ lực lớn nhất của Trung Quốc trong việc tạo ra những con chip tiên tiến. Chủ tịch hiện tại, người đã gia nhập hội đồng quản trị vào năm 2023 với sự giới thiệu của quỹ bán dẫn quốc gia, trước đây từng giữ vai trò điều hành tại các doanh nghiệp nhà nước.

SMIC đang trên con đường thương mại hóa, hiện đã có khả năng sản xuất chip tiên tiến 28 nanomet. Sản lượng đầu ra gần đây đã vượt quá mức sản xuất thử nghiệm. Konrad Kwang-Leei Young, cựu giám đốc điều hành tại TSMC, người từng là thành viên hội đồng quản trị SMIC cho đến năm 2021, cho biết: “Bằng cách chặn mọi thứ, bạn buộc con sư tử đang ngủ say phải thức dậy”.

Vào tháng 12 năm 2020, SMIC bị thêm vào danh sách đen xuất khẩu của Mỹ, vậy nên tăng tốc nỗ lực tự cung tự cấp. Theo nhà cung cấp dữ liệu Wind, SMIC đã nhận được 1,8 tỷ USD tài trợ trực tiếp của chính phủ kể từ năm 2017.

Các chuyên gia cho rằng để thực sự nội địa hóa, Trung Quốc không chỉ cần thiết bị sản xuất chip trong nước mà còn phải đảm bảo linh kiện bên trong cũng được sản xuất trong nước. Các tấm wafer và một số vật liệu khác là ví dụ điển hình.

SMIC nổi lên như một ‘vũ khí bí mật’ của Bắc Kinh. Sự thành công của hãng trong việc cung cấp một vi xử lý tiên tiến có kích thước 7 nanomet cho Huawei đã khiến cả Trung Quốc và thế giới phấn khích. Thành tựu càng trở nên đáng kinh ngạc khi SMIC phải chịu các lệnh hạn chế từ phía Mỹ trong hơn một thập kỷ.



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại